'3 tháng không mua được nhà vì người bán không chịu cắt lỗ'

07/05/2020 10:36

Suốt 3 tháng nay, tôi ngán ngẩm khi không tìm mua được nhà vì người bán lỳ đòn, chỉ muốn cắt lời, không chịu cắt lỗ.

Xung quanh câu chuyện "Nhà 'trên giấy' giảm hàng trăm triệu đồng tiền chênh", độc giả Sy Thanh chia sẻ thực tế khó khăn của người có nhu cầu mua nhà thời điểm hiện tại:

"Thực tế, giá bất động sản chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ, không thể giảm sâu được nữa. Rõ ràng, người bán chỉ muốn cắt lời, chứ không chịu cắt lỗ đâu. Ba tháng nay, tôi ngán ngẩm vì tìm mua nhà nhưng không được. Nhiều chủ nhà cũng rất lỳ đòn. Bất động sản ở ta vừa theo quy luật thị trường, nhưng cũng vừa không tuân theo".

"Tôi đi xem vài căn nhà ở Sài Gòn hồi cuối năm 2017 đến giờ, nhà mặt tiền, nhà hẻm đều xem hết, cứ mỗi năm lại tham khảo vài lần. Năm nay, tôi vẫn tham khảo giá và thấy vẫn y như hồi trước (tức là bán vẫn giá đó). Bán nhà 5 tỷ đồng mà 3-4 năm không bán được, người ta vẫn rao như vậy", bạn đọc Thinh đồng tình.

Trong khi đó, độc giả Kwolf lại có cái nhìn khác khi cho rằng bất động sản sẽ sớm thấm đòn trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế sau đại dịch:

"Dành cho những ai luôn miệng nói bất động sản không bao giờ giảm: Mọi người nên nhớ, giá dầu còn có thể âm 37 đôla, thì liệu có gì là không thể? Nhưng mọi thứ chỉ mới bắt đầu, chúng ta cũng cần nhìn vào thực tế, để có bài học và sau này điều chỉnh nguồn tiền ưu tiên vào kinh doanh, sản xuất, thay vì chỉ nghĩ đơn giản rằng cứ đầu cơ bất động sản là sẽ giàu".

Cùng chung nhận định, bạn đọc Thanh đưa ra dự đoán:

"Dòng tiền đổ vào bất động sản là vô tận, hy vọng qua mùa dịch này, giá sẽ giảm hơn 50%. Ai đang giữ tiền mặt hãy ngồi chờ cơ hội, đừng vội mua lúc này. Để cho những tay ôm hàng hết đường vì khó khăn sẽ tuôn hàng thôi. Giá nhà Việt Nam đang quá cao so với thu nhập, nên những tay buôn chủ yếu sang tay kiếm lời chứ kiếm đâu ra khách".

Lý giải về hiện tượng giá bất động sản giảm chậm, độc giả Ngoc lam le nhận định: 

'Thực ra không phải do nguồn cung thiếu, hay do nhu cầu của người dân còn nhiều mà dẫn đến nhà đất, căn hộ khan hiếm. Nguyên nhân thực sự là do mấy dân đầu cơ F1 ôm hàng, làm cho người có nhu cầu thực sự không còn hàng. Vậy nên, hãy cứ để họ ôm tiếp đi, một lúc nào đó mệt mỏi, không đủ sức chịu đựng, họ sẽ phải nhả ra thôi".

Nói về thực trạng làm giàu nhờ mua bán bất động sản để ăn chênh lệch, bạn đọc Dương Nguyễn Văn chỉ ra nhiều bất cập:

"Nhiều người làm giàu nhờ cách này: giành nhau đi mua căn hộ, đất dự án để bán lấy chênh lệch. Không biết đến bao giờ người Việt chúng ta mới thay đổi được quan điểm, làm giàu bằng cách tạo ra giá trị, đóng góp cho xã hội thay vì ăn chênh lệch trên đầu người khác. Mua nhà cũng đóng tiền chênh cho môi giới, mua xe cũng đóng tiền chênh cho đại lý, rồi trái cây, thịt lợn cũng phải chịu tiền chênh cho thương lái...".

"Nhiều mặt hàng dễ bị đầu cơ: từ bất động sản, thịt heo... đến khẩu trang, nước rửa tay, mỳ, giấy vệ sinh... Bất cứ cái gì thấy "béo bở" là người người đua nhau nhảy vào đầu cơ", độc giả SHG bức xúc với nạn đầu cơ tràn lan.

Xác định đầu cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước, bạn đọc HYP cho rằng:

"Điều này làm cho nền kinh tế càng thêm khó khăn. Những người này chỉ mua xong chờ lên giá rồi bán, không tạo ra của cải gì cho xã hội. Nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường".

Việt Thành tổng hợp

Theo Vnexpress