Agifish: Ngọn cờ đầu tỉnh An Giang bên bờ 'sụp đổ'

19/06/2019 13:28

Thuỷ sản là một trong số hiếm ngành mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thế giới, đáng lý những doanh nghiệp mạnh như Agifish đã phát triển lớn mạnh hơn thì ngược lại, sự thất bại của Agifish trong những năm gần đây khiến những người quan sát cảm thấy khó hiểu.

Nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, ôm trọn dòng chảy của sông Hậu, cùng với nhánh sông Châu Đốc, sông Vàm Nao, và hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng khí hậu ôn hoà đã giúp An Giang trở thành cái nôi của nghề nuôi cá tra, cá basa thuận lợi nhất vùng Đồng bằng sông Cữu Long (ĐBCSL).

Chính vì vậy, tỉnh An Giang từ lâu đã xây dựng nhiều chính sách đầu tư phù hợp để phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống kinh tế địa phương. Trong đó, việc thành lập doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến cá tra, cá basa  nhằm tạo ra chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn hiện đại của chuỗi giá trị nông nghiệp, tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình.

Biểu tượng của tỉnh An Giang  

Được thành lập từ năm 1985 với nhiệm vụ chính là góp phần phát triển ngành thủy sản An Giang lên một tầm cao mới, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish, mã: AGF), trước đây là nhà máy đông lạnh của Công ty thuỷ sản An Giang. Đơn vị này đã từng thể hiện đúng vai trò của người dẫn dắt, trở thành lá cờ đầu của tỉnh An Giang ở lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá nước ngọt.

Agifish trở thành đơn vị đầu tiên trong vùng ĐBSCL về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá basa, cá tra fillet sang nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Úc, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản,… Đến năm 1995, sản phẩm cá fillet đông lạnh của Agifish đã có chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Sản phẩm xuất khẩu của Công ty vào thị trường này bình quân tăng 10 - 15%/năm. Năm 2000, Agifish đứng đầu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa fillet đông lạnh, chiếm tới 40% thị phần cả nước năm 2000.

Không chỉ chế biến xuất khẩu cá tra và cá basa đông lạnh, công ty còn hoạt động trong việc, nuôi trồng, nghiên cứu phát triển nguồn giống cung cấp phục vụ nhu cầu của vùng nguyên liệu. Sự phát triển của Agifish đã mở ra cơ hội làm giàu cho người dân địa phương, những hộ nuôi liên kết cung ứng vào chuỗi giá trị ngành hàng này.

Chính vì vậy, Agifish trở thành cảm hứng của biểu tượng cá ba sa từng là một niềm tự hào của những người dân An Giang. Năm 2003, lãnh đạo An Giang đã cho xây dựng tượng đài cá basa như một biểu tượng tôn vinh cho sự phát triển nghề nuôi cá tra đã góp phần đưa hàng vạn người dân thoát khỏi đói nghèo và trở nên giàu có.

173709093746-ca-basa

Biểu tượng cá basa, tượng đài sinh vật đầu tiên của An Giang được dựng tại Châu Đốc - An Giang (nguồn: travel.com.vn)

Với nguồn vốn góp chỉ 50 tỉ đồng, năm 2003, Agifish đạt doanh thu 494 tỉ đồng và 22 tỉ đồng lợi nhuận. Đến 2006, Agifish đã vượt mốc doanh thu 1.000 tỉ đồng và thu về 50 tỉ đồng lợi nhuận. Tại thời điểm 2003, lợi nhuận của Agifish chỉ đứng sau REE. Dù vậy thì khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) còn vượt trội hơn khi đạt đến 30%. Hoạt động kinh doanh của Agifish nổi bật đến nỗi, Agifish trở thành cái tên thường trực xuất hiện trong nhiều bài giảng về tài chính đầu tư tại thời điểm đó.

Ngay cả nữ tướng Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh, người đứng đầu doanh nghiệp xuất khẩu cá tra số 1 thị trường hiện nay cũng từng thừa nhận rằng, "cái bóng" của Agifish hồi đó là quá lớn.

Trên truyền thông, Bà Khanh từng nói rằng: "Những năm đầu phát triển chúng tôi không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish."

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital – quỹ ngoại đã "xuống tiền" mua 25% cổ phần Agifish, trong một lần trả lời trước báo chí năm 2002 đã nói rằng: AGF là khoản đầu tư sẽ "hốt bạc". Ông Dominic Scriven cho rằng, bản thân Agifish là một đơn vị có hệ thống quản trị chuẩn mực và rất có uy tín trong ngành thủy sản trong nước và trên thị trường quốc tế. Đặc biệt là năng lực cạnh tranh và khả năng tăng trưởng tốt trong dài hạn.

Biểu tượng sụp đổ

Với nền tảng kinh doanh vững chắc qua hàng chục năm xây dựng, cùng những lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng ngày càng gia tăng tại các thị trường nhập khẩu, những tưởng Agifish sẽ còn bay cao, bay xa để giương cao ngọn cờ đầu của tỉnh An Giang. Thế nhưng Agifish bỗng dưng càng trì trệ một cách khó hiểu.

Capture

Hoạt động kinh doanh Agifish liên tục suy giảm trong bối cảnh thị trường xuất khẩu cá tra gặp nhiều thuận lợi (Nguồn: BCTC Agifish)

Niên độ 2017-2018 (từ 01/10/2017 đến 30/9/2018), Agifish tiếp tục lỗ hơn 178 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ luỹ kế lên 270 tỉ đồng. Con số này có thể thay đổi cho đến thời điểm 31/3/2019 khi mà cho đến thời điểm này Agifish vẫn chưa công bố báo cáo tài chính xoát xét giữa niên độ tài chính từ 1/10/2018 – 30/9/2019.

Với việc công bố thông tin chậm trễ, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu Agifish nộp BCTC theo quy định trước 15/6/2019 để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư. Nếu không công bố đúng thời hạn, cổ phiếu AGF sẽ bị đưa vào diện bị tạm ngừng giao dịch. Dù vậy, cho đến thời điểm hiện nay, ngày 18/6, Agifish vẫn chưa thực hiện công bố BCTC đúng quy định.

Theo báo cáo của HĐQT, năm 2018, những khoản lỗ liên tục từ các năm trước đã đẩy công ty vào thế khó khăn. Các ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay của công ty dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vốn đáp ứng cho sản xuất, các vùng nuôi thiếu thức ăn dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến. Trong tình thế đó, công ty không đủ tiền để mua cá từ bên ngoài nên không đủ sản lượng cung cấp cho các khách hàng, lỡ mất thời cơ kinh doanh khi giá xuất khẩu trên thị trường tăng cao.

Mặt khác, vì không đủ nguyên liệu khiến công ty phải tạm ngừng 2 nhà máy chế biến, để cho đơn vị khác gia công chỉ nhằm duy trì lực lượng lao động và khấu hao máy móc mà không đủ bù chi phí phát sinh, đặc biệt là lãi vay dẫn đến kết quả kinh doanh niên độ 2017-2018 tiếp tục lỗ hơn 178 tỷ đồng.

Trong khi đó, những tên tuổi "chiếu dưới" của Agifish một thời ngày càng mở rộng, đánh chiếm thị phần thị trường xuất khẩu. Năm 2018, Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) là doanh nghiệp tư nhân đứng đầu cả nước với kim ngạch xuất khẩu đạt 378 triệu USD, lợi nhuận lên đến gần 1.500 tỉ đồng. Hay thậm chí cả Nam Việt (Mã: ANV) cũng phục hồi ấn tượng trong vòng 3 năm gần đây nhờ thị trường tiêu thụ tăng trưởng mạnh.

Còn Agifish, ngọn cờ đầu của thủ phủ cá tra nay đang ở đâu?

Không chỉ chìm trong thua lỗ, Agifish còn chây ì công bố thông tin và thường xuyên vi phạm các điều khoản công bố thông tin của công ty đại chúng. Dù đã nhiều lần bị HOSE, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhắc nhở và xử phạt nhưng hết lần này đến lần khác, Agifish vẫn sai phạm.

"Báo động đỏ" về khả năng tiếp tục hoạt động và sự thiếu minh bạch của một doanh nghiệp từng là biểu tượng một thời thực sự là một bi kịch với một biểu tượng như Agifish. Thậm chí, một chuyên gia kinh tế còn ngỡ ngàng: "Thực sự, tôi không hiểu vì sao Agifish lại thất bại?".

Huy Nguyên

Theo Kinh tế & Tiêu dùng