Alibaba và Tencent “nướng tiền” cho chiến dịch giảm giá trên thị trường giao đồ ăn

15/08/2018 12:06

Để giành thị phần, hai nền tảng đặt và giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc Meituan Dianping (được tập đoàn Tencent rót vốn) và Ele.me (công ty con của Alibaba) đã nướng hàng tỉ đô la Mỹ cho các chiến dịch giảm giá, theo tờ The Financial Times.

Các viên giao đồ ăn của Ele.me đang đợi bên ngoài một nhà hàng để lấy các suất ăn đi giao khách. Ảnh: VCG

Cuộc đọ sức giành miếng bánh 36 tỉ đô

Finn Liu làm việc 60 giờ mỗi tuần ở khu phức hợp Trung Quan Thôn, “Thung lũng Silicon” của Bắc Kinh và để nạp năng lượng, anh thường sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn giao đến tận văn phòng làm việc. Cứ đến giờ cơm trưa, các đội quân giao đồ ăn mặc đồng phục với màu sắc khác nhau đổ xô về tòa cao ốc văn phòng nơi Liu làm việc. Họ í ới gọi các nhân viên ra lấy đồ ăn gồm các suất cơm, mì xào, xà lách trộn... Chẳng có gì quá nếu ví khung cảnh giao đồ ăn này giống như một chiến trường. Đó là một hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến giành ngôi vương trên thị trường giao đồ ăn và đặt chỗ tại nhà hàng giữa Alibaba và Tencent, hai tập đoàn Trung Quốc nằm trong số những công ty lớn nhất thế giới, có tổng giá trị vốn hóa 900 tỉ đô la Mỹ.

Hai tập đoàn này đang so kè quyết liệt để giành một miếng bánh lớn hơn trên thị trường giao đồ ăn tại thị trường đông dân nhất thế giới có trị giá ước tính 36 tỉ đô la trong năm nay, theo công ty tư vấn iiMedia Research.

Cũng giống như các cuộc chiến trên các lĩnh vực kinh doanh khác ở Trung Quốc, cuộc đọ sức trên thị trường giao đồ ăn được đẩy lên cao trào nhờ tốc độ “đốt” tiền khủng khiếp để giảm giá, cho phép thực khách có thể ăn thực phẩm của các nhà hàng với mức chi phí thậm chí rẻ hơn chi phí tự nấu nướng tại nhà.

Nhờ sự cạnh tranh này, Finn Liu ước tính anh chỉ mất 70 nhân dân tệ (235.000 đồng) để gọi các suất ăn trưa và tối mỗi ngày từ các nền tảng trực tuyến, nhưng nếu tự nấu nướng tại nhà để ăn cùng với một người bạn cùng phòng, anh sẽ tốn khoảng 50 nhân dân tệ (170.000 đồng) cho mỗi bữa.

Với sứ mệnh “Chúng tôi giúp mọi người ăn ngon hơn, sống tốt hơn”, công ty giao đồ ăn và các dịch vụ theo yêu cầu Meituan Dianping ở Bắc Kinh, được Tencent hậu thuẫn tài chính, đã dồn dập chi tiền cho các hoạt động đầu tư, khiến mức lỗ ròng tăng hơn gấp ba lần vào năm ngoái lên đến mức 19 tỉ nhân dân tệ (2,76 tỉ đô la). Hồi tháng 6, Meituan Dianping đã nộp hồ sơ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông với hy vọng tìm kiếm mức định giá 60 tỉ đô. Ngoài mảng kinh doanh chính là giao đồ ăn, Meituan Dianping còn cung cấp các dịch vụ như gọi xe, đặt phòng khách sạn.

Một lãnh đạo ngân hàng giấu tên cho biết: “Meituan Dianping có thể là công ty lớn đầu tiên niêm yết trên thị trường Hồng Kông mà giới đầu tư không chắc khi nào nó sẽ có lợi nhuận”.

Năm ngoái, Meituan Dianping đã “nướng” tổng cộng 4,2 tỉ nhân dân tệ cho các hoạt động khuyến mãi dành cho người dùng, chủ yếu để giảm giá các dịch vụ.

Cuộc chiến mùa hè

Đội quân giao đồ ăn của Meituan Dianping chở đồ ăn đi giao cho khách. Visual China

Với lượng tiền mặt dồi dào, Meituan Dianping vẫn đang tiếp tục thu hút người tiêu dùng bằng chiến dịch giảm giá, buộc nền tảng giao đồ ăn Ele.me, công ty con của Alibaba phải tung ra chiến dịch mang tên “Cuộc chiến mùa hè” nhằm vào đối thủ hồi tháng 7. Với chiến dịch này, Ele.me sẽ chi 3 tỉ nhân dân tệ (435 triệu đô la Mỹ) trong vòng ba tháng nhằm giảm giá dịch vụ cho người dùng.

Wang Lei, giám đốc điều hành Ele.me nói: “Giao đồ ăn là một thị trường khổng lồ và mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu. Chúng tôi có một chiến lược rõ ràng thực sự để vươn lên nắm giữ hơn 50% thị phần trong thời gian ngắn hạn đến trung hạn”.

Theo công ty tư vấn Trustdata, năm ngoái, Meituan Dianping chiếm 46,1% thị phần giao đồ ăn so với mức 39,5% của Ele.me tại Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định chiến dịch giảm giá sẽ có tác dụng đối với Ele.me trong ngắn hạn. Ở thị trường béo bở và giàu tính cạnh tranh như dịch vụ giao đồ ăn, kiếm được lòng trung thành của khách hàng là rất khó khăn vì đa số họ sẽ chuyển sang sử dụng nền tảng gọi đồ ăn khác đang cung cấp các suất ăn với giá rẻ nhất. Bằng cách tung ra chiến dịch giảm giá mới, Ele.me có thể giành một số thị phần trong ngắn hạn.

Zhang Yi, giám đốc công ty tư vấn iiMedia Research nói: “Trên thị trường giao đồ ăn Trung Quốc, chừng nào bạn còn sẵn sàng chi tiền, bạn sẽ gặt hái kết quả. Khách hàng luôn luôn tìm đến những nền tảng bán đồ ăn với mức giảm giá nhiều nhất”.

Các hệ lụy

Không phải ai cũng vui khi thị trường giao đồ ăn ở Trung Quốc trở nên sôi động. Nhiều người dân Trung Quốc ở các thành phố lớn đang than vãn rằng đường xá giờ đây tắc nghẽn vì đội quân giao đồ ăn lái xe máy chen chúc giành đường, họ sẽ bị phạt nếu giao đồ ăn trễ. Chính quyền thành phố Nam Kinh cho biết đội quân giao đồ ăn bằng xe máy ở thành phố này liên quan đến 3.000 vụ tai nạn giao thông trong sáu tháng đầu năm 2017.

Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường đang lo ngại các hộp nhựa, hộp xộp đựng đồ ăn chất cao thêm các bãi rác ở Trung Quốc. Ước tính có khoảng 60 triệu hộp nhựa và hộp xốp đựng đồ ăn thải ra môi trường mỗi ngày tại nước này.

Các nhà đầu tư cũng bắt đầu tỏ ra thận trọng sau khi chứng kiến những cơn bùng nổ ở các ngành nghề kinh doanh mới như xe đạp dùng chung hay thanh toán di động, thu hút các làn sóng đầu tư khổng lồ để rồi kết cục, thị trường bị thâu tóm bởi hai hoặc ba đấu thủ lớn sẵn sàng “đốt tiền” không tiếc tay để giành khách hàng.

Các doanh nghiệp khác dựa vào đội ngũ nhân viên giao hàng làm việc tự do cũng gặp khó trước sự trỗi dậy của các nền tảng giao đồ ăn. Sandy Wu, chủ một doanh nghiệp quà tặng ở Bắc Kinh cho biết các nhân viên giao đồ ăn có thể kiếm đến 10.000 nhân dân tệ (gần 34 triệu đồng)/tháng, buộc cô phải tăng gấp ba mức trả cho họ vào các dịp lễ khi các hoạt động mua sắm quà tặng lên cao điểm.

Meituan Dianping và Ele.me chấp nhận đưa ra các chương trình giảm giá ồ ạt và xem đây như là một chiến thuật ngắn hạn để mở rộng thị phần. Song chính sách giảm giá này đã tạo ra nhu cầu ảo vì nếu chính sách này bị dẹp bỏ, một lượng người dùng lớn sẽ biến mất chỉ sau một đêm.

Finn Liu cho biết: “Nếu giá của mỗi suất ăn tăng lên mức 40-50 nhân dân tệ, tôi sẽ thôi đặt đồ ăn trực tuyến và sẽ trực tiếp ghé đến các nhà hàng”.

Các nhà hàng hẳn nhiên sẽ vui mừng vì điều này. Trong khi Ele.me và Meituan Dianping sẵn sàng khuyến mãi người tiêu dùng và người giao hàng, họ không giảm phí hoa hồng cho các nhà hàng đối tác. Một chủ nhà hàng họ Xu cho biết gần 10% doanh thu tại nhà hàng của cô tại Bắc Kinh đến từ các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến. Cô phải trả cho các nền tảng mức phí lên đến 30% giá bán.

Ngoài ra, cô còn phải giảm giá các món ăn để thu hút khách từ các nhà hàng đối thủ. Xu than vãn rằng cô phải tự bỏ ra chi phí khuyến mãi cho những món ăn bán trên các nền tảng trực tuyến vì nếu không giảm giá, sẽ không có ai đặt mua.

Lê Linh/TBKTSG