Bán ‘con’ cho người Thái, ông chủ Cáp Thịnh Phát thu về 240 triệu USD

24/04/2020 13:57

Bỏ 240 triệu USD thâu tóm 100% vốn ThiPha Cable và Dovina, Tập đoàn Stark ước tính chi 66.667 đồng cho mỗi cổ phần của bộ đôi doanh nghiệp này.
nhadautu - ong chu tan thinh thu ve 5000 ty dong

Người Thái kỳ vọng rất lớn vào thương vụ M&A ThiPha Cable và Dovina 

Ngày 1/4/2020, Tập đoàn Stark (Stark) đã chính thức thông báo mua thành công 100% cổ phần của của CTCP Cáp điện Thịnh Phát (ThiPha Cable) và CTCP Kim loại màu và nhựa đồng Việt Nam (Dovina). Mức giá cho giao dịch này là 240 triệu USD, tương đương khoảng 66.667 đồng/cổ phần của 2 công ty này.

Trước đó, các cổ đông Stark tại ĐHĐCĐ bất thường (tổ chức ngày 23/2/2020) đã thông qua thương vụ M&A nói trên.

Dữ liệu đăng ký kinh doanh tháng 3/2020 cũng cho thấy, 99,99% vốn của ThiPha Cable đã được chuyển nhượng sang PD Cable (SG) Pte. LTD – một tổ chức liên quan đến Stark. Ngoài ra, ThiPha Cable cũng có Chủ tịch HĐQT mới là ông Chanin Yensudchai (ông cũng đang là Chủ tịch HĐQT tại Stark).

Mục đích của Stark khi M&A bộ đôi công ty sản xuất dây cáp điện Việt Nam nhằm: Tăng tiềm năng sản xuất cáp điện; Tăng hiệu suất, năng lực sản xuất, mở rộng kinh doanh để trở thành nhà máy cáp điện hàng đầu trong khu vực; và mở rộng cơ hội đầu tư kinh doanh sang lĩnh vực dây và cáp điện, đây là các mảng kinh doanh được kỳ vọng giúp Stark tăng trưởng cả thị trường trong nước và quốc tế.

Tham vọng này có phần hợp lý, bởi lẽ ThiPha Cable và Dovina là những doanh nghiệp có mảng kinh doanh khá tương đồng. Đặc biệt, ThiPha Cable và Dovina đã có lịch sử hoạt động lâu đời và ít nhiều khẳng định danh tiếng với thị trường trong nước, cũng như trong khu vực.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ThiPha Cable được thành lập năm 1987 tại TP.HCM và là nhà sản xuất dây và cáp điện lớn thứ hai ở Việt Nam. Không chỉ để lại dấu ấn với thị trường trong nước, ThiPha Cable còn hiện diện tại nhiều thị trường ở Đông Nam Á. Đến cuối năm 2009, các cổ đông của ThiPha Cable thành lập Dovina để nhập khẩu và xử lý đồng và nhôm cho sản xuất dây và cáp điện. Dovina bán đồng và nhôm dã chế biến cho ThiPha Cable, các doanh nghiệp khác ở Việt Nam và nước ngoài.

Một số dự án tiêu biểu có sự góp mặt của ThiPha Cable như: Park Hill Building (Hà Nội); E-Home 3, 4, 5 (TP.HCM, Bình Dương); Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM); Diamond Bay Resort 2 (Khánh Hòa); Sân bay Phú Quốc (Kiên Giang);… Ngoài ra, ThiPha Cable còn cung cấp nhiều sản phẩm tại thị trường nước ngoài như: Dự án Vatanac Tower (Campuchia); HongKong Land (Campuchia); Nhà máy Coca Cola (Myanmar)...

64724644_2475869335970124_438507270339297280_o

ThiPha Cable là nhà sản xuất dây cáp điện hàng đầu Việt Nam

Trong bản công bố thông tin, Stark cũng nhấn mạnh về chi nhánh “đáng chú ý” của ThiPha Cable và Dovina tại xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An – đây vốn là nhà máy của ThiPha Cable và Dovina, một trong những nhà máy có quy mô lớn trong ngành sản xuất dây và cáp điện có diện tích 250.000m2 tại KCN Thịnh Phát.

Được biết, sản lượng sản xuất hàng năm của Thipha Cable đạt 120.000 tấn, tỷ lệ sử dụng là 50.400 tấn (42%); với Dovina, sản lượng hàng năm đạt 148.000 tấn, tỷ lệ sử dụng 71.255 tấn (48%).

Đặc biệt, Stark đánh giá cao tình hình tài chính của ThiPha Cable và Dovina, kỳ vọng yếu tố này sẽ gia tăng tiềm lực cho tập đoàn Thái.

Theo thông số tài chính 9 tháng đầu năm 2019, ThiPha Cable và Dovina có tổng tài sản 4.708,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.676 tỷ đồng; tài sản dài hạn gần 1.033 tỷ đồng. Tổng nợ ngắn và dài hạn là 3.602 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là 3.549 tỷ là nợ ngắn hạn; còn lại là 52,5 tỷ nợ dài hạn. Tổng vốn chủ sở hữu là 1.107 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu ThiPha Cable và Dovina đạt hơn 7.110 tỷ đồng. Lãi gộp 663,133 tỷ. Trừ đi các chi phí và thuế phí, lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2019 là 344,789 tỷ đồng, tăng trưởng 56,2% so với cùng kỳ 2018.

Nói đến sự phát triển của ThiPha Cable cũng như Dovina, sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập đến vai trò của người sáng lập và là cựu Chủ tịch HĐQT Võ Tấn Thịnh. Từ một cơ sở nhỏ do chính tay ông thành lập vào năm 1987, ThiPha Cable trải qua gần 3 thập niên năm đã trở thành một doanh nghiệp có vốn điều lệ đạt 560 tỷ đồng.

Dữ liệu Nhadautu.vn cho thấy, cơ cấu cổ đông ThiPha Cable trước khi M&A với công ty con của Stark gồm: ông Võ Tấn Thịnh (99,98%), Võ Tấn Nhựt (0,01%) và bà Nguyễn Thanh Tâm (0,01%). Trong khi đó, Dovina có vốn điều lệ đăng ký đạt 250 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông: Võ Tấn Thịnh (76,79%), Võ Tấn Nhựt (0,006%), Trác Văn Hùng (23,20%).

Ở một chi tiết đáng chú ý, trước thương vụ M&A của Stark diễn ra 8 tháng (tức tháng 7/2019), CTCP Địa ốc Cáp điện Thịnh Phát đã tách ra thành CTCP Cáp điện Thịnh Phát và CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát. Đáng chú ý, CTCP Địa ốc – cáp điện Thịnh Phát có mảng kinh doanh chính là bất động sản.

Điều này có thể hiểu, ông Võ Tấn Thịnh đã tách mảng cáp điện thành công ty riêng để bán. Dù vậy, người sáng lập ThiPha Cable vẫn còn sở hữu khá nhiều doanh nghiệp khác. Chi tiết về hệ sinh thái kinh doanh của doanh nhân năm nay bước sang tuổi 58 sẽ được Nhadautu.vn đề cập trong một dịp khác.

Nguồn: https://nhadautu.vn/ban-con-cho-nguoi-thai-ong-chu-cap-thinh-phat-thu-ve-240-trieu-usd-d36590.html