Bạo phát thì bạo tàn, cửa hàng không người bán ở Trung Quốc đang chết nhanh như cách nó bùng nổ

19/06/2019 15:58

Những cửa hàng không người bán, từng được coi là tương lai của ngành bán lẻ ở Trung Quốc, đang bị đóng cửa ồ ạt như lúc chúng được mở ra.

Tương lai ngắn ngủi

Khi các công ty công nghệ ở Trung Quốc tung ra các cửa hàng tiện ích không người bán cách đây vài năm, một số tay chơi dạn dày kinh nghiệm dự đoán rằng xu hướng này sẽ sớm đi vào ngõ cụt. Họ đã đúng. Trên khắp Trung Quốc, những cửa hàng tiện ích loại này đang bị xóa sổ một cách nhanh chóng.

Vào tháng 5, trên tuyến đường Huaqiang North ở Trung tâm Thâm Quyến, Buy-Fresh Go được giới truyền thông ca ngợi như "ngọn cờ đầu" trong mô hình bán lẻ hoàn toàn tự động khi hoàn tất quá trình chuyển đổi chỉ trong 1 năm. Tuy nhiên, bây giờ, những thiết bị công nghệ cao đang được gỡ bỏ và người ta lại đăng tuyển nhân viên theo cách truyền thống ở lối vào các quầy hàng.

Khi bùng nổ, người ta nghĩ rằng những cửa hàng loại này sẽ giúp tận dụng hệ thống thanh toán thông minh qua điện thoại để loại bỏ sự hiện diện của con người ở các quầy hàng. Thậm chí, hệ thống tự động còn thu thập dữ liệu về sở thích người dùng, đưa nó vào hệ thống trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hàng tồn kho và hậu cần.

Bạo phát thì bạo tàn, cửa hàng không người bán ở Trung Quốc đang chết nhanh như cách nó bùng nổ - Ảnh 1.

Amazon.com cũng ra mắt một cửa hàng tiện lợi tự động tại Mỹ vào năm 2016. Ở Trung Quốc, Alibaba cũng cho ra mắt một cửa hàng tương tự vào năm 2017. Các công ty công nghệ thông tin khác cũng nhanh chóng làm theo mô hình này, dẫn tới sự bùng nổ các cửa hàng không người bán tại thị trường hơn 1 tỷ dân.

Cuối năm 2017, theo ước tính, có khoảng 200 cửa hàng không người bán mọc lên khắp Trung Quốc. Theo Itjuzi.com, một công ty chuyên nghiên cứu về đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các công ty trong lĩnh vực này thu hút 4,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Buy-Fresh Go bắt đầu mở rộng mô hình này ở Thâm Quyến vào tháng 7/2017 và mở cửa hàng trên đường Huaqiang North ngay sau đó.

Tuy nhiên, sự bùng nổ này kéo dài không lâu. Vào đầu năm 2018, ngành công nghiệp bắt đầu chứng kiến một loạt các vụ đóng cửa, thậm chí phá sản. Nguồn tài trợ cho lĩnh vực này đã giảm mạnh mặc dù các công ty truyền thông và nghiên cứu đã ngừng thu thập số liệu từ nó.

Tháng 12/2018, JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 của Trung Quốc, cho biết họ sẽ đình chỉ hoạt động kinh doanh thông minh, cách gọi các cửa hàng nhỏ không người bán ở các ga tàu. Chỉ 5 tháng trước đó, JD.com tiết lộ kế hoạch mở 5.000 cửa hàng loại này ở các tòa nhà văn phòng và các địa điểm khác của thành phố.

Cái chết vì đâu?

Sự khó khăn trong việc bán những loại hàng hóa tươi sống là một trong những lý do giết chết hệ thống cửa hàng tự động. Các chuyên gia trong ngành cho biết một cửa hàng tiện ích ở một thành phố lớn như Bắc Kinh cần có doanh thu 5.000 – 6.000 tệ mỗi ngày để có thể duy trì. Phần đáng kể trong số này tới từ những bữa trưa ăn sẵn hay các món ăn có hạn sử dụng chỉ tính bằng ngày.

Ở Nhật Bản và Trung Quốc, các loại thực phẩm chế biến để được lâu thường lép vế hơn hẳn so với các loại thực phẩm ăn nhanh và tươi sống. Nói cách khác, tỷ lệ thực phẩm tươi tại các cửa hàng tiện ích càng cao thì nó càng có cơ hội tồn tại và phát triển.

Các doanh nghiệp ồ ạt mở các cửa hàng tiện ích không người bán dường như khống biết điều này. Nếu một cửa hàng chỉ bán các sản phẩm như đồ uống và đồ ăn nhẹ thì nó chẳng khác gì một chiếc máy bán hàng tự động to xác và cồng kềnh trong mắt người tiêu dùng. Ban đầu, khái niệm cửa hàng không người bán có vẻ rất thu hút người dùng như sự lôi cuốn ấy không kéo dài được lâu.

Bạo phát thì bạo tàn, cửa hàng không người bán ở Trung Quốc đang chết nhanh như cách nó bùng nổ - Ảnh 2.

Khác với các cửa hàng không người bán ở Trung Quốc, người Nhật Bản có cách làm thành công hơn. Người ta tập trung tìm hiểu xem cần bán hàng gì, lập kế hoạch phát triển sản phẩm mới cũng như đảm bảo các nhà máy sản xuất chúng một cách hiệu quả. Họ cũng xây dựng mạng lưới hậu cần cho phép giao hàng đúng lúc.

Các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào thị trường với mục tiêu duy nhất là sử dụng công nghệ thay thế con người mà bỏ qua tất cả các yếu tố then chốt khác, lý do khiến mô hình này chết yểu. Alibaba dường như là người sớm nhận ra điều này và cho ra mắt siêu thị Freshippo, chuyên bán hàng tươi mới theo cách tự động, nhưng lại luôn có nhân viên để hỗ trợ khách hàng.

Ở thời điểm này, đúng 2 năm sau khi bùng nổ, cửa hàng không người bán ở Trung Quốc đã thực sự bị loại khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, có những người học được bài học từ sự thất bại và cay đắng vẫn có thể thành công trong tương lai.

theo Nikkei