Bị ông Donald Trump đe dọa, ông Tập Cận Bình tiến thoái lưỡng nan

12/06/2019 09:27

Bloomberg bình luận Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan sau lời cảnh báo cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi đầu tuần, ông Trump tuyên bố sẽ đánh thuế trừng phạt “cao hơn nhiều so với mức 25%” lên khối hàng hóa 300 tỷ USD của Trung Quốc nếu ông Tập không gặp ông ở hội nghị G20 ở Osaka, Nhật vào cuối tháng 6.

Đến nay Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng xác nhận ông Tập có dự hội nghị G20 hay không. Bloomberg nhận định lời cảnh cáo của ông Trump đã đẩy ông Tập vào thế tiến thoái lưỡng nan chưa từng thấy sau 6 năm nắm quyền.

Bi ong Donald Trump de doa, ong Tap Can Binh tien thoai luong nan hinh anh 1
Chưa rõ ông Trump và ông Tập có gặp nhau tại hội nghị G20 hay không. Ảnh: Getty Images.
“Nếu gặp ông Trump, ông Tập sẽ bị coi là đầu hàng trước lời đe dọa của tổng thống Mỹ. Nếu từ chối, ông Tập sẽ phải chấp nhận hậu quả kinh tế do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang”, Bloomberg bình luận.

Cơ hội cuối cùng để tháo ngòi chiến tranh thương mại
Nhiều khả năng ông Trump sẵn sàng kéo dài cuộc đối đầu thương mại cho đến hết cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. “Dù hai nhà lãnh đạo có gặp nhau hay không thì các kịch bản đều không có lợi cho Chủ tịch Tập xét về lâu về dài”, Bloomberg dẫn lời phó giáo sư Zhang Jian thuộc Đại học Bắc Kinh.

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump liên tục thực hiện các bước đi cứng rắn để gây sức ép lên Trung Quốc. Ngoài việc tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và cấm vận Huawei Technologies, Washington còn tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan và chỉ trích chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương.

Phản ứng lại, Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế lên khối hàng hóa 60 tỷ USD của Mỹ và cho biết đang lên danh sách “các thực thể không đáng tin cậy”, bị hạn chế làm ăn tại thị trường Trung Quốc. Danh sách này rất có thể sẽ bao gồm nhiều công ty lớn của Mỹ.

Giới quan sát cho rằng đôi bên càng cứng rắn thì càng khó nhượng bộ để đàm phán. Hội nghị G20 có lẽ là một trong những cơ hội cuối cùng để ông Trump và ông Tập tháo ngòi nổ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bi ong Donald Trump de doa, ong Tap Can Binh tien thoai luong nan hinh anh 2
G20 có thể là cơ hội cuối để ông Trump và ông Tập tháo ngòi chiến tranh thương mại. Ảnh: AP.
Nếu muốn hạn chế hậu quả kinh tế, ông Tập cần gặp ông Trump tại Nhật. Thống kê của Bloomberg Economics cho thấy với nền kinh tế Trung Quốc, thuế trừng phạt 25% của Mỹ sẽ cướp đi 1% tăng trưởng tính đến năm 2021.

Hơn nữa, nguồn tin của Bloomberg tiết lộ ở thời điểm hiện tại, quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc không tìm được bất cứ tiếng nói chung nào. Để hai nước đạt một thỏa thuận, ông Trump và ông Tập cần đối thoại trực tiếp.

Giới quan sát cũng nhắc nhở các bên cần nhớ rằng ông Trump thường có thói quen leo thang căng thẳng để gây sức ép với đối thủ trước khi đạt thỏa thuận sau một cuộc gặp trực tiếp.

Ông Tập phải tính kỹ
“Nước cờ tốt nhất của Trung Quốc là không phản ứng với lời đe dọa của ông Trump, chờ vài ngày rồi thông báo ông Tập sẽ dự hội nghị G20”, phó giáo sư Wang Peng thuộc Đại học Nhân Dân Trung Quốc nhận định.

“Gặp ông Trump là điều mạo hiểm, nhưng ông Tập có thể hạn chế được những rủi ro”, ông Wang Peng nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Tập cũng có lý do để không gặp ông Trump. Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc liên tục tuyên bố sẽ không chấp nhận bị bắt nạt, không chấp nhận bị ép ngồi vào bàn đàm phán. Nếu đến Nhật, ông Tập có thể bị coi là nhượng bộ trước sức ép của đối thủ.

Bi ong Donald Trump de doa, ong Tap Can Binh tien thoai luong nan hinh anh 3
Ông Tập sẽ phải sớm ra quyết định có gặp ông Trump hay không. Ảnh: Bloomberg.
Kể từ khi đàm phán thương mại song phương sụp đổ, truyền thông Trung Quốc liên tục kêu gọi người dân nước này phát huy tinh thần dân tộc. Nhân Dân nhật báo khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ hành động theo hướng “từ bỏ quyền lực và làm xấu mặt quốc gia”.

“Lời đe dọa của ông Trump sẽ không có hiệu quả”, Bloomberg dẫn lời ông He Weiwen, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, hiện đang làm việc tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa. “Phía Trung Quốc sẽ nói rằng Mỹ cần thể hiện sự chân thành để đàm phán tiếp diễn”.

Do đó, một số nhà quan sát cho rằng kể cả trong trường hợp ông Trump và ông Tập gặp nhau tại Nhật, điều tốt nhất mà hai bên có thể đạt được là đạt thỏa thuận về một khoảng thời gian đàm phán. Và điều đó càng khiến tương lai thương mại giữa hai nước trở nên mù mờ hơn.

Dù thế nào, ông Tập cũng sẽ phải tính toán rất kỹ càng trước khi hội nghị G20 bắt đầu.

Zing