Bitexco đã 'thâu tóm' Du lịch Hương Giang ra sao?

21/05/2018 12:13

Việc sở hữu nhiều khách sạn lớn nhưng kinh doanh đi xuống khiến không ít người Huế khó hiểu, nhất là khi Hương Giang thua lỗ đúng vào giai đoạn thoái vốn Nhà nước.

Công ty CP Du lịch Hương Giang sở hữu 100% Công ty TNHH MTV Lữ hành Hương Giang (hay còn được biết đến là HG Holdings) và hơn 91% CTCP Du lịch Mỹ An, sở hữu nhiều khối bất động sản có giá trị.

Ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch HĐQT Bitexco cũng là Chủ tịch HĐQT Du lịch Hương Giang.

Vào năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phải chuyển tên trên sổ cổ đông với hơn 12,5 triệu cổ phần tại Như báo Đầu tư đã đưa tin, Công tyCP Du lịch Hương Giang sang cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đứng tên. Với số cổ phần hiện có, Bitexco nắm giữ 70,48% vốn điều lệ (tương đương 14.096.200 cổ phần) của Công ty CP Du lịch Hương Giang.

Khi ký hợp đồng hợp tác với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Bitexco cam kết triển khai đầu tư các dự án phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch đến Huế, đưa ngành du lịch phát triển lên một tầm cao mới, bao gồm các dự án, như: đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu Aman Resort; khu nghỉ dưỡng cao cấp nước khoáng nóng Mỹ An; nâng cấp khách sạn Sài Gòn Morin thành một khách sạn tiêu chuẩn 5 sao mang thương hiệu của các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới; hỗ trợ quảng bá tiềm năng du lịch Huế ra thị trường toàn cầu...

Du lịch Hương Giang có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Huế, sở hữu loạt khách sạn quy mô và sang trọng như Hương Giang Resort & Spa, Sài Gòn Morin, Laresidence, Citadel cùng nhiều dự án quy nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Việc thoái vốn nhà nước tại Du lịch Hương Giang được đánh giá là chủ trương đúng đắn, giúp doanh nghiệp này được "cởi trói" với dòng vốn tư nhân tươi mới. Và bởi vậy, người ta kỳ vọng việc thoái vốn sẽ mang về cho Ngân sách khoản tiền có ý nghĩa tương ứng với khối lượng tài sản và tiềm năng phát triển của Hương Giang.

Theo Khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015, việc thoái vốn tại Du lịch Hương Giang sẽ phải thực hiện theo hình thức đấu giá công khai nhằm đảm bảo minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất.

Nếu đấu giá công khai không thành công, thì phải bán đấu giá cổ phần theo lô tại Sở Giao dịch chứng khoán. Việc bán thỏa thuận chỉ được phép thực hiện trong trường hợp bán đấu giá theo lô không thành công.

Tuy nhiên trong trường hợp này UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bán chỉ định phần vốn chi phối trong Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco mà không qua đấu giá theo quy định.

Chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 24/10/2016, tập đoàn của doanh nhân Vũ Quang Hội đã chuyển nhượng 5,758 triệu cổ phần Hương Giang cho một doanh nghiệp Hồng Kông là Công ty TNHH Kei Sei (nay là Công ty TNHH Crystal Treasure), qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,74%.

Về phần mình, Kei Sei còn mua gom thêm từ một số cổ đông khác và nâng tỷ lệ nắm giữ từ 12,95% lên 45,24%, vượt qua Bitexco để trở thành cổ đông lớn nhất của Du lịch Hương Giang. Ngoài ra, Hương Giang còn một cổ đông lớn là bà Lê Thị Ngọc Thúy, nắm 7% cổ phần. Tổng cộng, 3 nhà đầu tư này sở hữu 93,98% vốn Du lịch Hương Giang.

Cuối năm ngoái, vị trí Tổng giám đốc Du lịch Hương Giang đã được chuyển giao cho ông Johnny Cheung Ching Fu, người Hồng Kông. Hai đại diện của cổ đông ngoại trong Hội đồng quản trị là ông Yukio Takahashi và ông Go Fujiyama, hai vị trí còn lại trong HĐQT thuộc về Bitexco, gồm Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Hội và Thành viên HĐQT Nguyễn Viết Tạo. Trước đó, Bitexco còn có một "chân" nữa trong HĐQT là ông Đinh Nhật Tân, tuy nhiên vị này đã từ nhiệm vào tháng 2/2017.

Năm 2017, Du lịch Hương Giang đạt doanh thu 42,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế 6 tỷ đồng. Đây là năm lỗ thứ 5 liên tiếp của doanh nghiệp này, đẩy lỗ lũy kế lên mức 37,5 tỷ đồng. Số liệu tài chính cho thấy cơ sở vật chất của Hương Giang gần như không được nâng cấp, đầu tư, khi số dư tài sản cổ định giảm từ 88,5 tỷ đồng năm 2013 về còn 30,6 tỷ đồng cuồi năm vừa qua.

Theo Thu Hà/ An Ninh Tiền Tệ