Cẩn thận 'shop lừa' online

14/04/2020 14:36

Cửa hàng (shop) ảo có thể “qua mặt” cả công nghệ kiểm duyệt trên sàn thương mại điện tử. Khách hàng cần biết những nguy cơ và cách tránh những shop này để không mất tiền mà rước bực mình.

Người dân cần cẩn thận tình trạng "shop ảo" khi mua hàng online, ngay cả ở sàn thương mại điện tử lớn - Ảnh: Quang Định

Dịch bệnh khiến mua sắm online tăng và theo ghi nhận, gần đây ngày càng rộ lên những phản ảnh bị giao hàng dỏm, dù đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn.

Dù các sàn đều cho biết đã ứng dụng công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để sàng lọc, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, nhưng tình trạng người mua hàng bị lừa hay trục lợi vẫn xảy ra.

Trong mùa dịch, các "bẫy" mà người mua hàng online thường gặp phải là giao dịch với shop lừa (trên sàn thương mại điện tử, nhận đơn hàng thật nhưng bán hàng dỏm) và tình trạng "đẩy giá" trên sàn, đặc biệt với những mặt hàng đang "sốt" như khẩu trang, dung dịch rửa tay khô...

Với shop lừa, lợi dụng tâm lý muốn mua giá rẻ cộng với chính sách của các sàn trong quản lý người bán, các gian thương đăng những sản phẩm với giá rẻ hơn các shop khác.

Nếu người mua đặt hàng online và chọn hình thức thanh toán trước thì rủi ro bị lừa thấp hơn, bởi lúc đó sàn phải đứng ra đảm bảo hàng khách chọn tới tay người trả tiền.

Nhưng hiện nhiều khách chọn trả tiền khi nhận hàng, shop lừa sẽ có thông tin của khách và hủy đơn hàng trên sàn. Sàn sẽ có thông báo qua mail/ứng dụng về đơn hàng bị hủy nhưng ít người mua theo dõi. Lợi dụng điều này, shop lừa sẽ tiếp tục liên hệ với khách và giao hàng dỏm, thu tiền.

Lúc này sàn thương mại điện tử không thể can thiệp được vì đơn hàng đã hủy. Trong khi đó, từ khi sàn thương mại ngưng chương trình người mua được kiểm tra hàng trước khi nhận, nhiều người cho hay thay vì thanh toán trực tuyến đã chuyển sang thanh toán khi nhận hàng, không ngờ rủi ro lại cao hơn.

Ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết để chặn hiện tượng lợi dụng dịch bệnh bán hàng ảo, sàn này đã thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng có thể phản ảnh vi phạm. "Tùy trường hợp chúng tôi có mức độ xử lý khác nhau, từ cảnh cáo đến khóa tài khoản vĩnh viễn" - ông Tuấn Anh nói.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn - chủ tịch HĐQT Tiki - xác nhận vào giữa tháng 2, Tiki phát hiện và ghi nhận xử lý 34 trường hợp có hành vi "đẩy giá" sai quy định. Nhưng từ đó đến nay, với việc ứng dụng công nghệ, rà soát, tăng kiểm duyệt đầu vào cũng như thực hiện chế tài nghiêm khắc, sàn Tiki chưa ghi nhận thêm trường hợp vi phạm.

Với tính năng "gợi ý ưu tiên đặt hàng", nhiều sàn đã cho phép sản phẩm tốt nhất được hiển thị đầu tiên với khách. Công nghệ định giá đang được một số sàn áp dụng cũng giúp sàng lọc được tình trạng đẩy giá của người bán trên sàn. Tuy nhiên, để tránh đầu cơ, tích trữ, một số sàn vẫn phải giới hạn số lượng được mua bởi mỗi tài khoản với một sản phẩm nhất định.

16.200 gian hàng vi phạm

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), từ đầu năm đến cuối tháng 3-2020 có khoảng 16.200 gian hàng vi phạm được ghi nhận trên các trang thương mại điện tử trong việc giá bán bất hợp lý. Con số trên chưa tính những vi phạm về chất lượng hàng hóa.

Như Bình/Tuổi Trẻ

Link: https://tuoitre.vn/can-than-shop-lua-online-2020041410161212.htm

Bạn đang đọc bài viết "Cẩn thận 'shop lừa' online" tại chuyên mục Chuyện thương trường.