Câu chuyện chưa kể về sự sụp đổ của đế chế Forever 21

05/02/2020 22:19

Larry Meyer đứng không yên gần cánh cửa bước vào cửa hàng mới của Forever 21 trên đại lộ Fifth Avenue. Còn khoảng 24 giờ nữa mới tới giờ khai trương cửa hàng và chẳng ai ngủ quá nhiều. Ngày mai, tại buổi khai trương cửa hàng mới, Forever 21 sẽ tổ chức biểu diễn DJ, các trò chơi lễ hội và dây nhung trên vỉa hè Manhattan.

Sẽ có những thanh thiếu niên ham chơi và khách du lịch lớn tuổi tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với cửa hàng bách hóa Nhật Bản đã từng đóng đô tại nơi đây. Đó là vào tháng 11/2010. Các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình dần dần đóng cửa, ngoại trừ Forever 21 Inc., cái tên thú vị nhất trong làng thời trang nhanh. Đế chế Forever 21 đang mở rộng và Meyer chịu trách nhiệm tìm kiếm những không gian lớn nhất tại những vị trí tốt nhất.

Thế là ông ấy đứng, trò chuyện và nhìn xung quanh. Ông ấy đang tìm kiếm ai đó và ai đó đã có mặt: Do Won Chang cùng với người vợ Jin Sook đã thành lập Forever 21 ở Los Angeles trong năm 1984, chỉ vài năm sau khi họ rời Hàn Quốc.

Vợ chồng ông Chang

Mọi người – bao gồm cả Meyer, một giám đốc cấp cao tại Forever 21 trong gần 1 thập kỷ - gọi họ là ông và bà Chang. “Ông Chang cần anh”, một ai đó hối hả chạy tới và nói với Meyer. “Ohm, vậy thì tôi buộc phải đi rồi”, Meyer nói với một phóng viên của Bloomberg Businessweek. Liệu ông ấy sẽ có mặt ở Los Angeles vào tuần tới chứ? “Chúng tôi chưa bao giờ biết nơi mình sẽ tới”.

Trong 2 năm kế tiếp, Meyer xuất hiện ở mọi nơi, bao gồm cả Hồng Kông – nơi ông mở ra cửa tiệm đắt đỏ bậc nhất của Forever 21 ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay). Tiền thuê mặt bằng khi đó là 1.4 triệu USD/tháng, ông nói với vẻ tự hào khôn tả trên Bloomberg TV. Và đây thậm chí còn chưa phải cửa hiệu lớn nhất của Forever 21. Cửa hiệu lớn nhất rộng 150,000 feet vuông và nằm ở Fresno (California, Mỹ).

Đến cuối năm 2012, Meyer rời Forever 21 và trở thành Chủ tịch phụ trách hoạt động của Uniqlo ở Mỹ. Dù vậy, nhịp độ mở cửa hàng mới của Forever 21 không những không giảm mà còn tăng thêm. Thế là có thêm tiệc tùng, thêm lễ cắt băng khánh thành, thêm những người cho thuê mặt bằng đầy hạnh phúc ở London, Prague, Warsaw, Bucharest, Beirut, Jiddah, Tokyo, Thượng Hải, Bắc Kinh, Manila, Rio de Janeiro, Santiago, Cape Town và Sydney. Forever 21 có vẻ gì rất bí ẩn, được phân thứ bậc rõ ràng và do gia đình Chang sở hữu 99%. Và họ đã trở thành một người thuê nhà quan trọng đối với những người chủ sở hữu các khu trung tâm mua sắm.

Rắc rối bắt đầu ló dạng

Năm 2016 – khi gia đình Chang có 522 cửa hàng hoạt động ở Mỹ và hơn 200 cửa hàng ở 43 quốc gia khác – rắc rối đã bắt đầu nảy sinh. Doanh số không tăng trưởng trong năm đó và công ty âm thầm đóng cửa một vài cửa hiệu và nhường chỗ cho những nhà bán lẻ khác.

Ông Chang đã cho Công ty vay 10 triệu USD và con gái của ông – Linda và Esther, những giám đốc điều hành ở tuổi tam thập – cũng cho vay 5 triệu USD. Forever 21 đã vay thêm 18 triệu USD từ một công ty Philippines mà chẳng ai biết tới.

Những cửa hàng quốc tế cao cấp của Forever 21 không sinh lãi và giá trị nhận diện dần bị bào mòn theo năm tháng. Linda và Esther khi đó bắt đầu lập nên Riley Rose – một cửa hàng làm đẹp bán những sản phẩm của Hàn Quốc. Các cửa hàng có màu millennial pink (Millennial Pink nói đến một nhóm các sắc thái màu hồng đã được áp dụng cho các sản phẩm nhằm vào thị trường dành cho thế hệ Y) và trông đẹp đẽ trên mạng xã hội Instagram. Nhưng vì cạnh tranh quá khốc liệt, những cửa hàng này cũng mất tiền.

Vào đầu năm 2019, Forever 21 bán các trụ sở và trung tâm phân phối ở Los Angeles với giá 166 triệu USD, nhưng sau đó thuê lại căn nhà văn phòng và chuyển nhà kho đến khu bất động sản rẻ hơn. Vào mùa hè năm đó, Forever 21 đã gần cạn tiền mặt.

Phá sản là cái kết của nhiều năm đưa ra quyết định tệ hại và hiểu sai về những yếu tố cơ bản – không chỉ là thế giới bán lẻ đã thay đổi ra sao mà còn vì những quy ước của nó. Forever 21 đã đóng cửa ở Canada và châu Âu, và đang thu hẹp ở châu Á và Mỹ-Latinh. Tại Mỹ, 111 cửa hàng sẽ đóng cửa.

Thế nhưng, những người chủ khu mua sắm, nhất là Brookfield Properties và Simon Property Group LP, không muốn Forever 21 phá sản. Nếu Forever 21 tồn tại, họ sẽ có ít cửa hàng hơn, ít nhân viên hơn, nhưng lại có thêm những tham vọng có thể kiểm soát được. Dù vậy, tương lai đó lại phụ thuộc vào việc gia đình Chang có chịu từ bỏ quyền kiểm soát hay không. Nếu không chịu, Forever 21 có thể không có tương lai nào cả.

Ông Chang và cô con gái Linda tại buổi khai trương cửa hàng năm 2010.

Tại thời điểm này, ông Chang vẫn còn có văn phòng riêng và bà Chang cũng vậy. Họ hiếm khi được thấy đi cùng nhau – những lời đồn đoán về sự chia ly giữa họ đã xuất hiện trong cả công ty và các nhà cung cấp của Forever 21 trong nhiều năm qua. Ông Chang giám sát hoạt động, còn bà Chang lựa chọn mặt hàng, mỗi người lại được hỗ trợ bởi một cặp đôi khác là Alex và SeongEun Kim Ok. Họ cũng thích được gọi là ông và bà.

Trong thập niên 90, Forever 21 trở thành 1 trong những khách hàng lớn nhất trong hoạt động sản xuất quần áo. Gia đình Chang mời Alex gia nhập vào Công ty trong năm 2020, cho anh giữ chức Chủ tịch và 1% cổ phần; SeongEun đến làm việc với Jin Sook trong năm 2008. Gia đình Chang còn khuyến khích gia đình Ok đến sống gần nơi họ sống. Hồ sơ bất động sản cho thấy gia đình Ok đã mua một căn nhà trị giá 3.4 triệu USD ở Beverly Hills, chỉ cách 6 phút lái xe từ nhà gia đình Chang.

Vào năm 2009, họ có thêm hai thành viên mới trong nhóm nội bộ: Hai người con gái của gia đình Chang. Linda – vốn học kinh doanh ở Đại học Pennsylvania – từng làm chuyên viên phân tích tại Merrill Lynch và là một người mua hàng của Pottery Barn, trước khi lên giữ chức trưởng bộ phận marketing tại Forever 21. Cô giờ đang là Phó Chủ tịch. Còn người em Esther – tốt nghiệp từ trường Cornell – đang là Phó Chủ tịch phụ trách bán hàng.

Forever 21 không cho phép bất kỳ nhà điều hành nào của công ty tham gia phỏng vấn cho câu chuyện này. Dù vậy, hồ sơ phá sản cũng tiết lộ thêm những thông tin mà gia đình Chang luôn giữ kín và hơn một tá người chia sẻ thông tin làm việc tại hoặc với Forever 21. Chẳng ai muốn được xác định danh tính.

Cái khó của Forever 21

Thương hiệu thời trang Forever 21 phụ thuộc vào dòng thời trang nhanh, hợp thời và rẻ. Hiếm khi nào mà một cái áo/quần tại Forever 21 có giá hơn 60 USD – và phần lớn được bán với giá thấp hơn thế nhiều. Khi bắt gặp một cái gì đó trên đường băng, trên một blog về thời trang hoặc trên Instagram và sau đó tìm một phiên bản khác giá rẻ hơn tại Forever 21. Mặc vài lần hoặc chỉ 1 lần duy nhất và sau đó mua cái khác. Những cửa hàng này trưng bày quần/áo mới gần như là mỗi ngày – vốn thu hút khách hàng và cũng tốt cho Forever 21 và cho cả khu mua sắm. Forever 21 không tạo điều kiện cho mua sắm trực tuyến – một điều không tốt cho công ty nhưng lại tốt cho khu mua sắm.

Dù vậy vẫn có cái khó khi kinh doanh thời trang nhanh: Những chiếc quần/áo này chỉ bán được trong thời gian ngắn, một bản sao giá rẻ của phong cách hiện đại, nhưng không giống hoàn toàn.

Trong 20 năm qua, những nhà thiết kế – bao gồm cả Diane von Furstenberg, Anna Sui, và Gucci – đã nộp ít nhất 250 trường hợp lên tòa án liên bang, cáo buộc Forever 21 đánh cắp sở hữu trí tuệ. Chỉ trong năm 2019, Forever 21 bị kiện hàng tá lần, theo Susan Scafidi, người điều hành Viện Luật Thời trang (FLI).

Không thể tiếp cận hai nhà lãnh đạo

Khi gia đình Chang mở rộng từ 1 lên 10 cửa hàng, rồi 100 cửa hàng và đến gấp 8 lần con số này, họ đã tạo ra một văn hóa mà trong đó thẩm quyền chỉ nằm trong tay vài người. Ông Chang xem xét mọi chi phí; còn bà Chang xem xét toàn bộ các loại quần áo.

Thông tin bị bưng bít và sự tương tác giữa các bộ phận khá hạn chế. Một vài vị giám đốc đã từng làm việc với ông Chang trong nhiều năm không nhớ là ông có từng ghé qua văn phòng của họ hoặc gửi email qua cho họ hay chưa. Khu vực của bà Chang lại nghiêm cấm bất kỳ ai bước vào mà không trình báo cho cô biết. Những cựu điều hành cho biết cô sẽ không cho phép những người khách từ ngân hàng đi bộ xuống hành lang tại khu vực của cô. Một vài người nhớ lại về quy trình của cuộc họp tại Forever 21, trong đó một người phụ trách chụp hình lại những nhà cung ứng dám đưa ra ý kiến phản bác.

Xét chung, ông và bà Chang dường như không thể động chạm tới. Các nhân viên hiếm khi thấy họ hoặc nghe trực tiếp từ họ. Gia đình Chang chỉ tin tưởng một vài người, phần lớn bọn họ đều là người Mỹ gốc Hàn hoặc thành viên của nhà thờ truyền giáo của họ: Những người đứng đầu trung tâm phân phối và bộ phận công nghệ thông tin; trợ lý của ông Chang, Jay Kim; và gia đình Ok. Thế nhưng, việc thân cận với gia đình Chang cũng không mang lại sự đảm bảo nào. Những thành viên cấp cao bị sa thải hoặc giáng chức bất chợt và thường không có thông báo gì nhiều. Điều này giống với chương trình TV thực tế của Hàn Quốc.

“Đây là một doanh nghiệp mà tôi nói thực là không được quản lý tốt. Thế nhưng, họ vẫn vận hành Forever 21 trong một khoảng thời gian khá dài”, Neil Stern, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn bán lẻ McMillanDoolittle, cho hay. Giống như nhiều người trong ngành, ông lưu ý rằng các vị giám đốc kỳ cựu bước vào rồi lại bước ra khỏi công ty. “Thật khó lòng gia nhập vào một doanh nghiệp gia đình vì dù gì đi nữa, bạn có quyền kiểm soát gì đâu?”.

Gia đình Chang cân nhắc chào bán công khai cổ phần của Forever 21 vào những năm 2000 nhưng sau đó lại phản đối chào bán công khai.  “Đã có nhiều ngân hàng cố gắng thuyết phục Forever 21 chào bán cổ phần”, Ilse Metchek, Chủ tịch của Hiệp hội Thời trang California, cho hay. Thế nhưng, các ngân hàng đặt ra quá nhiều câu hỏi về khả năng vận hành một cách minh bạch của Forever 21. Vì thế, họ đều thất bại trong việc thuyết phục Forever 21 chào bán cổ phần công khai.

Gia đình Chang mơ ước biến Forever 21 thành một cửa hàng bách hóa ngay vào thời điểm các cửa hàng bách hóa khác đang thất bại. Forever 21 háo hức chuyển sang các khu vực trống - ở Chicago, Houston, Las Vegas, Philadelphia và hàng tá thành phố khác ở Mỹ. “Tình hình tài chính khá mờ mịt và sự thèm khát không gian mới của Forever 21 thật vô kỷ luật”, Jim Sullivan, Giám đốc quản lý tại công ty tài chính BTIG, cho hay. Vậy mà các chủ sở hữu khu mua sắm cũng tiến tới thỏa thuận. “Khi họ muốn những cái hộp lớn, bạn sẽ phải cho họ cái hộp lớn”.

Những quyết định sai lầm

Việc vận hành hoạt động ở hàng tá quốc gia thuộc 6 lục địa khác nhau đòi hỏi những chuyên môn mà họ không hề có. Tại thời kỳ đỉnh cao của Forever 21, 20 người ở Los Angeles giám sát cả một đế chế. Các dự báo doanh số hàng năm không dựa trên số lượng hàng bán trong năm trước mà dựa vào số lượng hàng được vận chuyển đi. Một vài cựu giám đốc điều hành cho biết bà Chang và bà Ok sẽ tổ chức họp qua điện thoại, lắng nghe trình bày dựa trên dữ liệu doanh số và xu hướng, nhưng sau đó dường như lại bỏ ngoài tai những gì nghe được. Thay vào đó, họ tin bản năng nhiều hơn.

Họ đặt hàng quá nhiều trong năm này, nhưng lại quá ít trong năm kế tiếp, dựa trên hồ sơ phá sản. Đây được gọi là hiệu ứng con lắc. Trong năm 2018, họ đặt hàng nhiều đến nỗi các nhà quản lý cửa hàng phàn nàn rằng các kho không thể nào chứa hết hàng hóa được vận chuyển đến hàng ngày. Một số người phải bỏ đồ vào những thùng chứa trong phòng thử áo. Cuối cùng thì họ phải chuyển trả lại cho trung tâm phân phối.

Nhiều lúc, bà Chang và bà Ok lại trì hoãn thanh toán các đơn hàng mà họ đã nhận hoặc trả lại hàng mà không trả phí gì cả - một thực tế đã để lại ấn tượng xấu cho những nhà cung ứng. Đối với những nhà cung ứng quy mô nhỏ, những biện pháp này có thể tạo ra căng thẳng tài chính: Ít nhất 1 cửa hàng Hàn Quốc đã sụp đổ. Kwang Lim Trading đã nộp đơn phá sản ở Seoul trong năm 2018 sau khi bị Forever trì hoãn thanh toán và vỡ nợ.

Khi Forever 21 đóng cửa một trung tâm phân phối khu vực ở Memphis để tiết kiệm tiền, tất cả hàng hóa đều được chuyển đến Los Angeles – xếp chồng lên nhau bên trong một cơ sở đã chất đống những quần áo. Điều này có thể khiến việc vận chuyển hàng tới các cửa hiệu bị trì hoãn vài tuần. Trong ngành thời trang nhanh, vài tuần cũng có vẻ như vài tháng.

Do sự vội vã hoặc phức tạp đến mức khó hiểu hoặc cả hai, Forever 21 đã thuê các đại lý nhập khẩu – những công ty này dường như bỏ qua một số chi tiết quan trọng. Các cựu giám đốc điều hành cho biết các chuyến hàng đến Brazil đã bị giữ lại tại hải quan vì công ty không có giấy phép nhập khẩu giày dép. Nhân viên đã phải lục lọi các container để tìm ra đôi dép bất hợp pháp theo quy định và sau đó phá hủy chúng. Forever 21 phải làm điều tương tự với mỹ phẩm khi vận chuyển đến Brazil và Mexico.

Bà Chang và bà Ok không hề điều chỉnh chiến lược bán hàng. Họ đã đặt hàng áo khoác cho mọi cửa hàng vào mùa đông ở Bắc Mỹ, nhưng đó lại là thời điểm mùa hè ở Nam Mỹ. Họ đã mua quần áo quá hở hang đối với Trung Đông và Mỹ Latinh và có kích thước quá lớn đối với châu Á. “Việc thiết kế riêng cho sản phẩm cho thị trường cụ thể là một chuyên môn của hoạt động buôn bán hàng hóa nhưng Forever 21 thì không có”, Sullivan mô tả vấn đề.

Vào lúc khởi đầu, Forever 21 vẫn còn khá mới mẻ và là phiên bản thay thế giá rẻ cho Gap. Sau đó H&M và Zara cũng mở rộng sang Mỹ. Topshop và Primark đã có danh tiếng lâu đời ở châu Âu khi mà Forever 21 bước vào thị trường. Fashion Nova, Asos, và các công ty chỉ bán hàng trực truyến khác giờ nhanh hơn và mới mẻ hơn so với Forever 21. Đối với một khách hàng của Asos, Forever 21 có thể tốt ngang với Gap.

Trong những năm gần đây, gia đình Chang đối mặt với một rắc rối khác: Sự suy sụp của ngành thời trang nhanh. Ngày càng ít người muốn mua quần áo dùng 1 lần. Chất lượng quá thấp và chi phí với môi trường lại quá cao. “Tại sao Forever 21 nghĩ thông lệ cũ kỹ này vẫn còn hợp lý trong tương lai? Họ lẽ ra nên làm theo các chiến lược kinh doanh từ các công ty đối thủ”, Scafidi của Viện Luật Thời trang, cho hay. “Forever 21 dường như không nhận ra người dân đang dần ý thức hơn về vấn đề biến đối khí hậu và ô nhiễm môi trường”.

Mặc dù họ thực hiện chương trình tái chế trong năm 2019, nhưng không giống với các đối thủ khác, Forever 21 không sản xuất quần áo thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, họ có bán một bộ sưu tập thời trang nhờ sự hợp tác với Flamin’ Hot Cheetos.

Bảng màu mắt Flamin’ Hot Cheetos

Vì vậy, Forever 21 mở rộng vượt quá khả năng quản lý vào thời điểm mà một số khách hàng bắt đầu mất hứng thú với ngành thời trang nhanh và những khách hàng khác không còn muốn xuống cửa hàng mua sắm. Cuối cùng, Forever 21 còn trữ lại cả đống quần áo mà họ không thể bán. Hầu hết các nhà bán lẻ sẽ giảm giá cho đến khi bán được hàng và chấp nhận lỗ đối với những mặt hàng không bán được. Hàng tồn kho cũng giống như sữa vậy, nó có hạn sử dụng.

Ông Chang tiếp cận với rắc rối theo cách rất khác. Các nhà bán lẻ sử dụng hàng tồn kho – thường là tài sản hữu hình duy nhất họ có – để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Nếu ông ta cho phép giảm giá quần áo, giá trị của chúng sẽ bị giảm, cũng như số tiền mà công ty có thể vay. Vì vậy, ông quyết định không chiết khấu; rồi trữ lại hàng hóa không bán được. Chiến lược của ông có thể đã hữu ích trong ngắn hạn, nhưng rồi Forever 21 cũng sẽ phải trả giá.

Trả giá cho những sai lầm

Ngày ấy đã đến vào mùa xuân năm ngoái. Forever 21 tuyển một giám đốc tài chính mới, Brad Sell, trong tháng 3/2019, ngay khi ông Chang nhận được những báo cáo đáng lo ngại: Doanh số giảm 20% so với cùng kỳ năm trước ngay thời điểm lên kế hoạch mở thêm cửa hàng. Thế là, ông Chang nghe theo lời của CFO mới và quyết định đóng cửa 100 cửa hàng.

Ông Chang và ông Ok xoay sở và ký thỏa thuận với một vài nhà cung cấp. Sau đó, Công ty cầu cứu các chủ cho thuê mặt bằng. Jatin Malhotra – người phụ trách bộ phận bất động sản của Forever 21 sau khi Meyer rời đi – đã thuyết phục ông Chang đóng cửa những cửa hàng lỗ nhiều nhất ở châu Âu và châu Á. Kế đó, Malhotra thương lượng một vụ dàn xếp bất thường với một số cửa tiệm còn lại ở đó. Chi phí thuê mặt bằng của Forever 21 không cố định; thay vào đó, một phần sẽ được tính dựa trên phần trăm doanh số. Nếu công ty hồi phục, đó sẽ là một điều khoản rất tốn kém. Thế nhưng, công ty không gượng dậy nổi. Các mảng hoạt động ở Canada, châu Âu và châu Á mất tổng cộng 10 triệu USD/tháng trong giai đoạn mùa thu 2018 cho đến mùa thu năm 2019.

Các cuộc đàm phán ở Mỹ cũng không tiến triển suôn sẻ. Forever 21 trả 450 triệu/năm tiền thuê, phân nửa số này rơi vào tay hai nhà sở hữu khu mua sắm Simon và Brookfield. Trong một năm đóng cửa kỷ lục, hẳn cũng chưa phải là điên rồ khi nghĩ Forever 21 có một số đòn bẩy. Dựa trên nguồn tin thân cận, Malhotra đã trò chuyện với hai chủ cho thuê nhà về cách họ có thể giúp ổn định Forever 21, có thể thông qua cách sở hữu cổ phần giống như đã từng xảy ra với nhà bán lẻ Aeropostale. Cách này đã có hiệu quả trong trường hợp đó và dường như Simon và Brookfield cũng sẵn lòng xem xét làm điều tương tự với Forever 21. Thế nhưng, Malhotra nói với họ rằng gia đình Chang vẫn nắm quyền kiểm soát như một phần của thỏa thuận.

Ông Malhotra cùng với ông Chang bay tới New York vào giữa năm 2019 để gặp hai công ty này nhưng kết quả không thể tiến đến thỏa thuận. Trong tháng 7/2019, Forever 21 yêu cầu giảm tiền thuê cho 2 tháng kế tiếp. Nhưng các chủ nhà khăng khăng đòi một kế hoạch vực dậy Forever 21 trước và khi không thấy một kế hoạch nào được đưa ra, họ từ chối giúp đỡ.

Malhotra đóng vai trò quan trọng tại Forever 21. Ông trẻ, nhiệt tình và thoải mái với những sự kiện cắt băng khánh thành. Ông Chang đối xử với Malhotra như con trai. Khi dần nhận ra sự nghiêm trọng, ông Chang đã lật mặt và mất lòng tin. Ông Chang đã mất niềm tin ở Malhotra, vì vậy ông quay sang cô con gái Linda. Cô đã mang vào công ty quản lý tài sản Lazard và các cố vấn và luật sư khác để tìm ra cách tái cấu trúc công ty và giữ nó trong sự kiểm soát của gia đình Chang. Malhotra khi đó rời đi. Khi giám đốc điều hành công ty tiếp cận ông Chang, ông nói với họ rằng ông không muốn nói về việc kinh doanh. Thật là quá chán nản.

Triển vọng phá sản lờ mờ xuất hiện, nhưng các cố vấn mới hy vọng họ có thể thỏa thuận với những tổ chức cho vay khi công ty nộp đơn phá sản. Nhiệm vụ đó trở nên phức tạp bởi các thông lệ kinh doanh của gia đình Chang. Các cựu giám đốc điều hành nói rằng công ty không cập nhật phần mềm trong nhiều năm và các hệ thống kế toán và giao hàng là một mớ hỗn độn.

Khi bà Chang mặc cả với các nhà cung cấp hoặc hủy đơn hàng sau khi chúng đến, có thể mất nhiều tháng để làm rõ hồ sơ. Các cửa hàng đôi khi tự chuyển hàng hóa; nhà kho chứa lượng quần áo đã được sản xuất trong nhiều năm, đó là chưa tính tới những hàng hóa khác.

Forever 21 phủ nhận rằng các hoạt động không đạt tiêu chuẩn và họ đã chuyển sang cầu cứu các chủ nhà. Bất cứ điều gì đang xảy ra vẫn có thể được quản lý nếu gia đình Chang đồng ý bước sang một bên. Nhưng họ sẽ không chịu.

Khi Forever 21 nộp đơn xin phá sản vào ngày 29/09, cũng chẳng có thỏa thuận nào. Chỉ vài ngày trước đó, Simon đã thay đổi ổ khóa trên cửa hàng Forever 21 ở Houston Galleria. Nhà bán lẻ này bị nợ gần 148,000 đô la tiền thuê nhà chưa thanh toán. Cho đến nay, trong các cuộc đàm phán về phá sản, Forever 21 đã được giảm 100 triệu USD tiền thuê nhà đối với các cửa hàng ở Mỹ và đã mở cửa trở lại đối với cửa hàng ở Houston Galleria. Việc giảm tiền thuê nhà cũng đã cho phép Forever 21 tiếp tục mở 60 cửa hàng mà lúc đầu họ dự kiến sẽ đóng cửa. Riley Rose đang từ bỏ hợp đồng thuê và đã đóng cửa trang web độc lập của mình. Không ai biết, liệu nhân viên bị sa thải sẽ nhận được gì. Andrew Upton, người đang làm việc tại cửa hàng Forever 21 ở Bakersfield, cho biết: “Chúng tôi chỉ hy vọng họ sẽ làm điều tốt nhất cho mọi người và không chỉ bảo vệ túi tiền của mình”.

Trong năm 2010, Linda nói với Businessweek rằng ba mẹ hy vọng cô và người em sẽ nhanh chóng học về kinh doanh để họ có thể nghỉ hưu và cống hiến thời gian nhiều hơn cho việc truyền giáo trên nhà thờ. Giờ thì giữ lại một lượng cổ phần tại Forever 21 vẫn là ưu tiên của gia đình Chang, ngay cả khi thẩm quyền của họ ngày càng giảm. Đã có giám đốc vận hành mới. Cố vấn của Forever 21 thêm vào một giám đốc tái cấu trúc. Ban giám đốc có thêm 3 sự bổ sung mới. Một người biết về sáp nhập, người khác biết về thương mại điện tử. Người thứ ba là Meyer – vẫn được gia đình Chang và chủ nhà tin tưởng. Ông cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc chiến lược.

Vào cuối tháng 12/2019, quá trễ để tạo ra sự khác biệt và Forever 21 vừa có mùa mua sắm đáng thất vọng. Forever 21 thông báo đã tuyển dụng chuyên gia marketing – vốn đã được biết tới tại Taco Bell – để tìm cách chuyển đổi thương hiệu.

Mục tiêu của chương 11 trong Luật phá sản là để bảo vệ công ty khỏi các chủ nợ trong lúc tạo ra kế hoạch tái cấu trúc. Dĩ nhiên, trong kế hoạch phải có tính tới việc thanh toán nợ nần cho các chủ nợ, ít nhất là một phần hoặc cho họ cổ phần trong doanh nghiệp đã tái cấu trúc. Nếu các chủ nợ không chấp nhận, họ có thể buộc công ty phá sản và thanh lý như những gì đã xảy ra với Toys “R” Us. Nếu chủ sở hữu do dự không muốn bán cổ phần, điều đó sẽ tạo ra bế tắc, như những gì đang diễn ra với Forever 21.

Các cửa hàng Forever 21 đã biến mất khỏi Peoria, Ill. và Peoria, Ariz.; Beavercreek Ohio, à Blackwood, N.J.; và 17 thành phố khác. Đó chỉ mới là con số trong tháng 11/2019. Tháng 12/2019 cũng có đóng cửa cửa hàng. Cho đến nay, vẫn chưa ai đề xuất tài trợ cho Forever 21, khi mà gia đình Chang vẫn còn cố thủ ở trong văn phòng, dường như không ai sẵn lòng làm điều đó cả.

Vương Đông

Theo FILI