CEO 8X Trương Công Hải và hành trình gặp gỡ 'trợ lý thông minh' chatbot Hana

05/04/2018 15:25

Dự án khởi nghiệp với sản phẩm chatbot có tên Hana do Trương Công Hải cùng 8 bạn trẻ đến từ Công ty CP Công nghệ Mideas đang nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng doanh nghiệp.

Trao đổi với TheLEADER, CEO Mideas Trương Công Hải cho biết, Hana là tên của một chatbot (trợ lý ảo) được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng bởi Công ty Mideas, đây là giải pháp công nghệ giúp trả lời tự động những câu hỏi của khách hàng, như tìm kiếm sản phẩm, tư vấn… đồng thời có thể đưa ra những gợi ý sale và makerting cho chủ hàng.

Chatbot là một trợ lý ảo kết nối với các ứng dụng trên thiết bị điện tử để thực hiện những yêu cầu của người sử dụng qua ngôn ngữ tự nhiên.

Để đào tạo ra con chatbot Hana, Mideas đã sử dụng các công nghệ sau máy học - machine learning, big data, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing) và trí tuệ nhân tạo – AI.

Hana bây giờ đã có thể xử lý những từ ngữ như không dấu, viết tắt…, tự tìm kiếm những thông tin phù hợp nhất để học. Big data mà Hana có được nhờ tích hợp với mạng xã hội.

Hiện Mideas có khoảng 4.000 khách hàng, phản hồi từ nhiều khách hàng của Mideas cho biết, sau khi có Hana, đơn hàng của họ tăng hơn 300% nhờ mở rộng khả năng bán hàng, doanh thu tăng khoảng 200%.

Ở thời điểm này, để nói dự án Hana của Mideas sẽ thành công lớn hay không thì còn quá sớm nhưng với hơn 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay và đang có xu hướng tăng nhanh thì một ứng dụng "trợ lý ảo thông minh" như Hana có thể nhìn thấy rõ tiềm năng vô hạn.

Hành trình gặp gỡ Hana

Mideas có tới 9 sáng lập viên, họ từng là những nhân viên cốt cán trong bộ phận R&D, chuyên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới của Viettel trong 2 năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, sau khi Viettel thay đổi cơ cấu, một nhóm gồm Trương Công Hải và nhiều người bạn khác tách ra thành lập công ty riêng.

Anh Hải kể, lúc mới đầu tách ra thì team của anh vẫn chỉ nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo đơn thuần vậy thôi, vẫn chưa biết phải ứng dụng vào đâu. Đến một ngày, đột nhiên ý tưởng về việc tạo ra một chatbot tự động phục vụ việc bán hàng online ập đến, vậy là Hana ra đời.

"Thật ra, hồi còn làm ở Viettel, vì lương bổng và khá lười, chúng tôi đã mua hàng trực tuyến rất nhiều, cũng đã thấy bực mình vì mình hỏi mà nhiều chủ hàng không trả lời ngay. Tuy nhiên, lúc đó cũng chẳng ai để ý nhiều đến sự việc đó.

Chỉ đến năm 2016, lúc này, Việt Nam chúng ta đang bắt đầu bùng nổ về kinh doanh trực tuyến và Mideas đang đói ý tưởng để ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, thì mọi người trong team mới nghiêm túc để ý đến sự việc này. Hana chính là giải pháp mà chúng tôi tạo ra để giải quyết nhu cầu của khách mua hàng cũng như người kinh doanh online", anh Hải kể.

Năm 2016, các giải pháp chăm sóc khách hàng của các công ty Việt Nam chỉ cung cấp nhân viên chăm sóc, mà người thì không thể trực 24/24, trong khi giờ vàng mà các khách hàng mua hàng online là từ 7h đến 10h tối. Đặc biệt là các chị em phụ nữ, chỉ khi đó họ mới có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Có ý tưởng tốt là một chuyện, để biến ý tưởng đó trở thành hiện thực không phải là câu chuyện dễ dàng. Đầu năm 2016, trí tuệ nhân tạo là một cái gì đó rất mới ở Việt Nam, khái niệm cách mạng 4.0 cũng chưa phổ biến, phải cuối năm 2016, người ta mới nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0.

Vì thế, dù team có nhiều bạn nghiên cứu lâu về trí tuệ nhân tạo, nhưng để tạo ra Hana, hầu hết tài liệu phải tìm ở nước ngoài. Nhiều bạn trong team thường phải tham gia các hội thảo online trong hai đến ba ngày từ Mỹ.

Gập ghềnh khó khăn

Khó khăn đầu tiên đối với Hana chính là hiện trên thế giới, người ta sử dụng tiếng Anh là chính, còn Mideas phải phát triển sản phẩm xử lý bằng tiếng Việt. Mà như mọi người đã biết, người ta thường bảo 'phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam', đó là một thách thức cho cả team.

Team đã mất rất nhiều thời gian để giải quyết được nan đề này, bởi rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, ngay cả IBM cũng không xử lý được. Hiện, IBM đang hợp tác với bên Mideas về mảng này.

Khó khăn thứ hai nằm ở chỗ công nghệ trí tuệ nhân tạo nào có thể ứng dụng vào việc chăm sóc và tư vấn bán hàng tự động? Sau một thời gian nghiên cứu và thảo luận, team đã chọn công nghệ chatbot.

Mideas đã mất 9 tháng để có thể đưa ra một sản phẩm tương đối có hình thù để triển khai ứng dụng trên thực tế. Sau đó, mất thêm 7 tháng nữa mới đưa vào hoạt động thương mại đại trà. Nghiên cứu chỉ giải quyết được 20% vấn đề, còn 80% đến từ các vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh.

Tuy nhiên, dù chỉ chiếm 20%, nhưng nó rất quan trọng như xương sườn của cơ người, 20% chính là điểm tựa để có 80% kia. Nhìn vào ý tưởng của 20%, thì khách hàng mới có cơ sở để góp ý.

Khó khăn thứ ba là ít vốn, để có thể phát triển dự án, ngoài vốn tự thân của các sáng lập viên, Mideas cũng đã kêu gọi sự góp vốn của một vài cá nhân. Giai đoạn tốn nhiều tiền nhất chính là giai đoạn nghiên cứu, chi phí nhiều nhất là dành cho nhân sự. Mideas hiện đang mua server theo dạng trả góp mỗi tháng 20 triệu đồng để phục vụ cho khối lượng khách hàng lớn của mình.

Khó khăn thứ tư là phải làm sao đánh giá đúng nhu cầu chung của thị trường. Mình phải đánh giá được nhu cầu đó của thị trường đã chính xác hay chưa, có cần phải bổ sung hay không, nếu chỉnh sửa thì phục vụ cho nhiều hay chỉ một. Vì mình không đủ nguồn lực để bổ sung tất cả.

Khó khăn thứ năm là phải có giải pháp kéo khách hàng xuống "mặt đất". Do sự thổi phồng của giới truyền thông, nhiều khi kỳ vọng của khách hàng quá cao, trong khi chatbot Hana mới đạt được 50%. Kiểu như Hana là máy móc, nên phải giống như bác sỹ 'biết tuốt'.

Công ty sẽ tiếp tục cải tiến Hana trong 8 đến 10 năm tới, tầm nhìn của Mideas là sẽ đi theo ngành trí tuệ nhân tạo, Hana chỉ là sản phẩm đầu tiên.

Theo CEO Trương Công Hải, sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo chỉ mới bắt đầu, nó còn một hành trình rất dài nữa cần phải đi. Tuy mới sơ khai, nhưng tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc kinh doanh là rất lớn. Với ngành trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu dễ, nhưng ứng dụng cụ thể rất khó.

Quỳnh Như/TheLeader