CEO Grab: 'Công ty dẫu lớn đến mức nào thì cũng từng có những sai lầm'

13/07/2018 09:15

CEO Grab Anthony Tan cho rằng hãng này tuân thủ pháp luật trong thương vụ mua lại Uber trước những cáo buộc độc quyền.

Mới đây, cơ quan chức năng của Singapore đã yêu cầu Grab không lợi dụng sự độc quyền thị trường sau khi mua lại Uber. Trong trường hợp xấu nhất, nước này có thể yêu cầu hủy bỏ thương vụ giữa Uber và Grab.

Trao đổi về việc này, đồng sáng lập kiêm CEO của Grab ông Anthony Tan khẳng định doanh nghiệp này tuân thủ pháp luật trong suốt cả quá trình mua lại Uber tại Singapore và Đông Nam Á.

Vị này trả lời một cách ngắn gọn: “Chúng tôi tuân thủ pháp luật trong suốt quá trình. Grab cũng đệ trình văn bản trước tới Chính phủ. Chúng tôi nắm rất rõ và hiểu điều đó”, ông Anthony Tan nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, CEO Grab cho rằng dù là công ty lớn và phát triển như thế nào thì Grab cũng từng có và sẽ có những sai lầm làm ảnh hưởng đến khách hàng. Từ những sai lầm đó, Grab hướng tới sự hoàn hảo.

Grab vẫn khẳng định doanh nghiệp tôn trọng luật pháp trong thương vụ mua Uber. Ảnh minh họa.)

"Chúng tôi nhận thấy rằng Chính phủ Singapore đã và sẽ luôn làm việc và hợp tác với chúng tôi vì những lợi ích mà chúng tôi mang lại. Chúng tôi tạo ra hàng triệu nguồn thu nhập và luôn hướng tới mục đích là mang lại những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ", CEO Anthony Tan nhấn mạnh.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore yêu cầu Grab phải bãi bỏ nhiều hạn chế với lái xe đối tác, phục hồi công thức tính giá cũ (trước khi sát nhập với Uber Đông Nam Á) và trả các khoản phạt tài chính. Quyết định trên dựa vào những khiếu nại gần đây của chính tài xế đối tác và khách hàng của Grab.

Bên cạnh đó, Uber cũng sẽ phải bán lại công ty con chuyên cho tài xế đối tác thuê xe cho một đối thủ cạnh tranh khác với giá hợp lý, không được phép bán lại mảng này cho Grab mà không có sự đồng ý của Cục.

Grab cũng phản hồi quyết định của CCCS khi không đồng ý với phán xử của cơ quan chức năng Singapore. Đồng thời, Grab cho rằng doanh nghiệp này không phải là đơn vị duy nhất đang vận hành ứng dụng gọi xe theo yêu cầu và các nhà lập pháp đang không tính tới sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh mới trong tương lai gần.

"Quyết định và đề xuất của cơ quan quản lý đang can thiệp thô bạo và đi ngược lại tinh thần tiến bộ và tinh thần ủng hộ quản lý kinh doanh của Singapore. Chúng tôi sẽ có những động thái cần thiết để kháng nghị quyết định trên", Grab nhận định.

Thương vụ giữa Uber và Grab diễn ra hồi tháng 3/2018, theo đó, Grab sẽ thâu tóm toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ nhận về 27,5% cổ phần của Grab.

Thương vụ trên nằm trong chiến lược giảm lỗ toàn cầu Uber để chuẩn bị cho việc hãng này chính thức chào bán cổ phiếu lần đầu vào năm 2019. Do đó nếu có bất kỳ thay đổi lớn nào, lộ trình của Uber sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo dõi phản ứng của người dùng mạng xã hội, đa phần cả khách hàng và lái xe đều có những phản ứng tiêu cực với thông tin Uber rời khỏi thị trường.

Theo Hiếu Công/Zing