CEO Vinfast James B. Deluca: 'Ông Phạm Nhật Vượng luôn thúc giục cộng sự biến điều không thể thanh có thể'

11/06/2019 14:40

ó là một căn phòng nhỏ, rộng chừng hơn chục mét vuông. Một cái bàn làm việc bài trí đơn giản. Cái tủ sau lưng để một số mô hình những mẫu xe hơi do ông đã sản xuất ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả 3 mẫu xe của VinFast: chiếc Sedan, chiếc xe cỡ nhỏ Fadil, và đặc biệt chiếc SUV Lux SA 2.0 mấy hôm nay đang rất sốt trên mạng vì chất lượng, tiêu chuẩn ngang “con BMW X5” nhưng nghe đâu giá chỉ bằng phân nửa…Trên tường treo một số giải thưởng, đặc biệt là những giải thưởng của Nhà máy ô tô ở New Jersey của General Motors – nơi James đã khởi nghiệp và gắn bó nhiều năm. Có cả mấy tấm hình ông chụp cùng vợ và 3 người con. “Gia đình của tôi, bến đỗ bình yên mà lúc nào tôi cũng mang theo trong tim, dù số phận có xô đẩy tôi đi bất kỳ nơi nào trên thế giới!”- như ông nói.

Người đàn ông cao dong dỏng, đôi mắt sáng, dáng đi nhanh nhẹn, nụ cười thân thiện bước vào văn phòng, chìa bàn tay cứng cáp và nói bằng tiếng Việt: “Xin chào các anh chị!” Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu.

Thưa ông James, tuần trước, phát biểu trước giới truyền thông khi đi thăm nhà máy, ông đã nói rằng tất cả những gì các cộng sự của ông thực hiện tại đây – tại Nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng này là một KỲ TÍCH. Tại sao lại dám dùng từ kỳ tích ở đây, thưa ông?

Nếu các bạn đến đây 2 năm trước, các bạn sẽ thấy vùng đất mênh mông rộng 355 héc ta này chỉ là một bãi cát trắng, đầm lầy, khắp nơi chỉ có gió và những cánh chim biển, lau sậy và rau muống dại… Không có đường sá, không có cầu, không có nhà xưởng, không có gì hết… Vậy mà chỉ sau 21 tháng, như chúng ta ngồi đây đã thấy, một nhà máy hiện đại đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, với đầy đủ các phân xưởng, hàn, dập, tiện, sơn, động cơ đã mọc lên. Hai năm – khi cây xanh tạo bóng mát cho Nhà máy còn chưa kịp rợp bóng, thì những chiếc xe VINFAST đã kịp ra đời. Bạn phải biết trên thế giới, trong những điều kiện bình thường nhất, để làm được một chiếc ô tô phải đòi hỏi từ 36 tháng đến 60 tháng. Vậy mà ở đây, chúng tôi chỉ cần vẻn vẹn 21 tháng. Tôi còn nhớ ngày 2/9/2017 – khi Thủ tướng VN Ngài Nguyễn Xuân Phúc xúc xẻng cát đầu tiên khởi công xây dựng nhà máy. Đến ngày 14/6 tới, chúng tôi sẽ chính thức khánh thành nhà máy. Đó thực sự là 1 kỳ tích, không chỉ của VN nói riêng mà còn của công nghiệp ô tô thế giới nói chung.

“Việt Nam đã làm được, VinFast đã làm được!”. Đó không chỉ là cảm xúc riêng của hàng ngàn con người trực tiếp công tác tại VinFast, trực tiếp góp phần đưa VinFast trở thành thương hiệu ô tô đầu tiên của người Việt. Tôi nghĩ đó còn là cảm xúc chung của hàng triệu con người trên dải đất hình chữ S. Cuối cùng, Việt Nam cũng xây dựng được ngành công nghiệp ô tô của riêng mình. Cuối cùng, người Việt cũng có những chiếc ô tô thiết kế riêng cho mình.

Bí quyết nào giúp ông và các cộng sự của mình ở VinFast làm nên kỳ tích ấy?

Chúng tôi có một đội ngũ toàn cầu. Tại VinFast, bạn có thể gặp được những chuyên gia ô tô xuất sắc đến từ khắp các châu lục. Chúng tôi ký hợp đồng với Magna Steyr và AVL - hai nhà tư vấn công nghệ sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Chúng tôi làm việc cùng công ty thiết kế ngoại thất danh tiếng của Ý - Pininfarina. Chúng tôi còn hợp tác công nghệ với hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới BMW. Có được nguồn lực mạnh mẽ như vậy, kỳ tích của VinFast không khó lý giải.

Ông James, trong biên chế của VinFast hiện có hơn 5.000 người, trong đó có các chuyên gia đến từ 23 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau: Đức, Mỹ, Nhật, Hàn, Anh…. Làm sao để ông – “người nhạc trưởng” – có thể tìm được tiếng nói chung cho ngần ấy con người?

Tất cả những chuyên gia mà ông Phạm Nhật Vượng mời về VinFast làm việc đều là những người rất giỏi. Mỗi người họ đều có một lý do riêng khi rời quê hương, rời gia đình đến một vùng đất xa lạ, làm việc ở một nơi có ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất non trẻ. Nhưng họ có cùng nhau một thứ ngôn ngữ chung: “ngôn ngữ ô tô”, ở lòng nhiệt huyết bỏng cháy và ở cả tinh thần cống hiến vĩ đại. Các quy trình làm việc, phân công trách nhiệm thì phải chặt chẽ và ở đâu cũng giống nhau. Nhưng nhiệt huyết được làm những điều lớn lao là thứ ngôn ngữ quan trọng gắn kết chúng tôi.

Trong suốt cuộc đời mình, ông cũng đã từng đến hàng chục quốc gia khác nhau làm việc: từ Moscow đến Thượng Hải, từ London đến Kuala Lumpur, từ Bangkok đến Mexico… Theo ông, điều quan trọng nhất khi làm việc tại một quốc gia khác, một châu lục khác là gì?

Mỗi quốc gia, mỗi châu lục có một nền văn hóa khác nhau. Điều quan trọng nhất để bạn hòa nhập với cuộc sống mới, công việc mới chính là tìm hiểu văn hóa và con người ở đó. Tôi không coi quốc gia sở tại là quê hương mình, tôi đặt mình vào địa vị người khách lạ, từ đó quan sát nếp sống, phong tục của người bản xứ với sự cân nhắc nhất định. Đó chính là “hòa nhập mà không hòa tan”. Điều rất vui là sau khi rời đi khỏi một quốc gia nào đó, tôi vẫn để lại đó những người bạn mới của mình, cùng những ký ức rất đẹp về văn hóa, lối sống, ẩm thực…

Ở VN có một người nước ngoài rất nổi tiếng là ông Park Hang Seo – người Hàn Quốc, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Ông Park cho hay ông ấy ấn tượng với tinh thần quả cảm, lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo và khao khát vươn lên ở người Việt. Còn ông, sau gần 2 năm làm việc tại đất nước này, ông có nhận xét gì về tính cách của những cộng sự người Việt của mình?

Tôi cũng là một fan của ông Park và hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của ông Park về người Việt. Xin bổ sung thêm, điều tôi ấn tượng nhất chính là đạo đức nghề nghiệp tuyệt vời của các cộng sự Việt Nam. Trong suốt 21 tháng ròng rã xây dựng nhà máy VinFast và cho ra đời 3 dòng ô tô đầy tham vọng, đã có nhiều lần tôi yêu cầu họ làm việc gần như 24/7, nhưng họ chưa từng phàn nàn. Nhiều lúc lo cho một chàng trai, cô gái bé nhỏ nào đó có thể bị kiệt sức vì công việc, tôi bảo họ hãy nghỉ ngơi đôi chút, nhưng họ không chịu. Họ gần như làm việc với một niềm say mê và khát khao cống hiến bất tận.

Chúng ta quay trở lại từ đầu câu chuyện: Cuối năm 2017, giới truyền thông VN ngỡ ngàng trước một thông tin: VinFast tuyển được ông James B. Deluca – nguyên Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất toàn cầu của người khổng lồ General Motors về làm Tổng Giám đốc. Điều này chẳng khác gì một ông bầu nào đó thuyết phục được Lionel Messi huyền thoại về chơi bóng ở V-Legue vậy. Ông hãy kể đôi chút: Cơ duyên nào khiến ông nhận lời “đầu quân” cho VinFast?

Người đầu tiên của Vingroup mà tôi gặp là bà Phó chủ tịch Lê Thị Thu Thủy, là người đã đề nghị tôi về với VinFast, ngay sau khi tôi kết thúc 37 năm gắn bó cùng General Motors. Khi đó, tôi đang ở quê nhà Michigan cùng vợ. Đầu tiên, tôi từ chối. Tôi chuẩn bị rửa tay gác kiếm rồi, đang cùng người bạn đời của mình lên kế hoạch đi du lịch khắp thế giới để bù đắp cho hơn 40 năm làm việc quần quật. Mà Việt Nam thì xa quá! Mà ở đó cũng hình như đâu đã có công nghiệp ô tô… Hàng loạt lý do được tôi đưa ra.

Bà Thủy tỏ ra không mấy bất ngờ khi tôi từ chối, bà chỉ nói: “James, làm ơn hãy đến Việt Nam một lần, hãy xem những gì Vingroup đã làm được cho người dân Việt Nam trước khi đưa ra quyết định”. Dưới sự thuyết phục của bà Thủy, tôi có mặt tại Việt Nam không lâu sau đó.

Tại đất nước này, tôi choáng ngợp trước những gì Vingroup tạo ra. Tôi được biết ít nhất 6,2 triệu khách hàng đang sử dụng sản phẩm của Vingroup. Họ ở trong những căn nhà Vinhomes, nghỉ dưỡng tại Vinpearl, cho con cái đi học trường Vinschool, mua sắm tại Vinmart và khi đau ốm, họ đến Vinmec. Tham vọng của Vingroup chưa dừng lại ở hệ sinh thái gần như hoàn thiện đó. Họ muốn sản xuất những chiếc xe ô tô đầu tiên phục vụ thị trường hơn 90 triệu dân này. Họ muốn đi tiên phong và đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp ô tô vốn thường xuất hiện ở những quốc gia phát triển.

Tôi đứng trước cơ hội được cống hiến trong nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1958 (năm Bộ Quốc phòng lắp ráp, chế tạo thành công chiếc ô tô 4 chỗ mang tên Chiến Thắng).

Tôi cũng ấn tượng với câu slogan của Vingroup: “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt!”. Tôi thấy mình có cơ hội được tham gia vào sứ mệnh cao cả của Vingroup trong việc cải thiện cuộc sống người dân Việt Nam. Tôi nhận ra điều mình sắp làm không đơn giản là chế tạo một chiếc xe, quản lý một nhà máy; mà sâu sắc hơn, đó là thay đổi cuộc sống của hàng triệu con người. Ai có thể từ chối một cơ hội như thế chứ?

Ông đã mất bao lâu để quyết định về với VinFast?

Trở về Mỹ từ Việt Nam, tôi quyết định gia nhập VinFast theo một hợp đồng có thời hạn 3 tháng. 3 tháng này là khoảng thời gian để tôi cân nhắc và đưa ra quyết định cuối cùng, xem liệu rằng văn hóa và môi trường VinFast có thực sự phù hợp, liệu những mục tiêu cao cả của VinFast có biến thành động lực cho bản thân tôi.

Cũng trong thời gian 3 tháng ấy, tôi nhận được lời mời làm việc từ tập đoàn Amazon – tập đoàn thươngmại điện tử hàng đầu thế giới. Tôi đứng trước 2 lựa chọn đều hết sức nghiêm túc. Cuối cùng tôi đã chọn VN, chọn VinFast!

Ấn tượng lớn nhất của ông trong quá trình làm việc với ông Phạm Nhật Vượng – người đàn ông được coi là giàu nhất VN – là gì?

Không chỉ riêng tôi, ấn tượng của rất nhiều người khi gặp Chủ tịch Phạm Nhật Vượng là tầm nhìn xa, sự táo bạo, những quyết định dứt khoát và hơn hết là tâm huyết với tương lai của người Việt, cuộc sống tốt hơn cho người Việt. Ông Phạm Nhật Vượng sẵn sàng làm mọi thứ để thực hiện những điều ông hằng tâm niệm. Tôi khâm phục một con người như vậy.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng còn nổi tiếng về tầm nhìn. Nhiều quyết định của ông đều thể hiện một tầm nhìn rất xa, nhiều khi vượt ra khỏi biên giới VN. Tôi còn nhớ trong một cuộc trò chuyện, ông hỏi tôi : James, mất bao nhiêu lâu để làm được một chiếc ô tô? Tôi tính toán một lúc rồi trả lời sẽ mất từ 36 đến 60 tháng. Ông ấy bèn nói với tôi: Anh sẽ chỉ có tối đa một nửa quãng thời gian ấy. Tôi cố hết sức để chứng minh với ông ấy rằng điều đó là hoàn toàn không khả thi. Nghe tôi nói vậy, ông Phạm Nhật Vượng nhìn sâu vào mắt tôi một lúc rồi nói ngắn gọn: “James, cha mẹ chúng ta tạo ra một con người chỉ trong 9 tháng mười ngày. Ông hãy làm tốt hơn thế!”

Tôi nghĩa “Chúa ơi, hay ông ta đùa!” Nhưng không, ông ta hoàn toàn nghiêm túc. Về sau này, làm việc nhiều với ông Vượng, tôi mới hiểu tính cách của ông ấy là như vậy. Luôn đặt ra những mục tiêu cao nhất và làm tất cả để hoàn thành ở mức tốt nhất những mục tiêu đó. Chính nhờ tinh thần mạnh mẽ đó mà ông ấy thành công. Câu cửa miệng mà Chủ tịch Phạm Nhật Vượng thường hay nói với các cộng sự của mình là: “Chúng ta phải biến điều không thể thành có thể!”

Cuối cùng, cái điều không thể ấy là chúng tôi đã làm được. 21 tháng cho một nhà máy sản xuất ô tô quy mô lớn ra đời, cùng 3 dòng xe đầy tham vọng. 21 tháng để biến Việt Nam thành một quốc gia có ngành công nghiệp ô tô. 21 tháng để xe VinFast lăn bánh và chứng minh với thế giới về một tinh thần Việt Nam trỗi dậy.

Mục tiêu lớn nhất của ông khi đến Việt Nam là gì thưa ông?

Tôi đến VinFast vì tìm thấy những giá trị tương đồng trong mục tiêu vì cộng đồng của Vingroup. Tôi ở lại Vingroup để biến những điều không thể thành có thể, xây dựng một ngành công nghiệp ô tô phát triển tại Việt Nam. Bởi vậy, mục tiêu lớn nhất của tôi không gì khác là sứ mệnh mang đến cho người Việt những chiếc xe Việt với chất lượng Việt.

Có nhiều phân tích trên truyền thông Việt cho biết ông đã từng là 1 trong những CEO được trả lương cao nhất thế giới (lên đến hàng triệu đô la/năm) khi còn làm việc tại General Motors. Khi sang Việt Nam làm việc chắc hẳn thu nhập của ông đã bị sụt giảm? Vì sao ông vẫn nhận lời?

Tôi xin phép đính chính một điều, rằng phân tích của giới truyền thông chủ yếu dựa trên mức lương các cộng sự của tôi tại General Motors, và không chính xác với tôi. Và như tôi đã nói ở trên, ngay cả khi thu nhập tại VinFast thấp hơn, thì cốt lõi vấn đề không nằm ở tiền. Tại VinFast, chúng tôi chia sẻ đam mê ô tô, chúng tôi tin rằng mình đang làm một điều gì đó đặc biệt cho cộng đồng. Tinh thần ấy quý giá hơn tiền bạc.

Chỉ còn ít ngày nữa, 3 dòng xe đầu tiên của VinFast sẽ chính thức xuất hiện trên thị trường (xe sedan VinFast, xe SUV Lux 2.0 và xe cỡ nhỏ VinFast Fadil). Giới yêu xe và cộng đồng mạng đang rất tò mò xem “đứa con” sinh sau đẻ muộn này sẽ có những vũ khí bí mật gì để đương đầu với các nhãn hiệu xe hơi khác có hàng chục năm tên tuổi…

Ô tô VinFast sẽ có chiến lược cạnh tranh như thế nào, sẽ tập trung vào chất lượng, hệ thống hậu mãi, hay giá cả…, thưa ông?

Chiến lược cạnh tranh của VinFast trên thị trường Việt Nam không tập trung vào bất kỳ yếu tố nào trong các yếu tố kể trên. VinFast là dòng xe được tạo ra cho người Việt, vì người Việt, do vậy chiến lược cạnh tranh và cũng là mục tiêu thống nhất của VinFast là hướng đến người Việt. Chúng tôi mong muốn mang đến một trải nghiệm toàn diện, tuyệt vời nhất: từ lái an toàn, thiết kế xe thời thượng cho đến giá cả cạnh tranh và chế độ chăm sóc hậu mãi.

Ông có thể cho biết những hãng ô tô nào sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của xe VinFast?

Tôi không phải là một chuyên gia bán hàng nên xin phép không trả lời câu hỏi khá nhạy cảm này. Tuy nhiên, về đại thể tôi nghĩ rằng không nên tập trung vào một (hay vài) đối thủ trực tiếp nào đó, mà thay vào đó, hãy làm cho sản phẩm của mình được người tiêu dùng đánh giá là hấp dẫn nhất, xét về mọi khía cạnh.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường ô tô Việt và cả những rủi ro trong bài toán sản xuất ô tô của VinFast?

Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều người, đặc biệt là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã thấy rõ những tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam. Dù GDP đầu người còn thấp nhưng Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực. Tỉ lệ người sử dụng xe hơi còn rất thấp, hiện trung bình cứ 1000 người mới có 23 người sử dụng ô tô, tức là nhu cầu về ô tô hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới. Trong khi đó, thị trường chưa có nhiều nhà sản xuất ô tô nội địa. Đó là thời cơ cho VinFast..

Tất nhiên, đi kèm với những triển vọng là nhiều rủi ro mà VinFast phải đối mặt. Ví như thị trường ô tô không tăng trưởng nhanh chóng như kỳ vọng, hay thương hiệu Vinfast có thể sẽ không dễ dàng tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế…

Nhân nói đến GDP, đúng như ông nhận định. Việt Nam có GDP bình quân đầu người rất thấp, mới chỉ đạt 2.300 USD/người/năm, trong khi giá xe ô tô ở Việt Nam lại cao gấp 3-4 lần giá xe trung bình trên thế giới. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Câu chuyện ở đây là tầm nhìn dài hạn. Tôi không nói đến chuyện chúng ta đang ở đâu, tôi nói đến chuyện chúng ta sẽ đi được bao xa trong tương lai. Như tôi đã đề cập bên trên, Việt Nam là một thị trường đầy triển vọng. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng luôn có những tính toán của riêng mình.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện vẫn còn rất non trẻ. Ông có thể đưa ra vài so sánh giữa ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam và 1 số nước láng giềng trong khu vực?

Phải thừa nhận rằng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện chỉ đặt những viên gạch đầu tiên, trong khi các quốc gia láng giềng như Trung Quốc đã đi được rất xa. GDP bình quân đầu người cao hơn, trình độ công nghệ phát triển hơn là lợi thế của các nước đi trước. Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực, đồng thời tăng trưởng GDP cũng mở ra một viễn cảnh tích cực.

Ngoài ra, hệ sinh thái Vingroup cùng những khoản đầu tư khổng lồ từ tập đoàn để phát triển VinFast cũng là một lợi thế của VinFast. Chỉ riêng năm 2018, dự án VinFast đã ngốn tới 27.473 tỷ đồng từ Vingroup, tăng hơn 40 lần so với năm 2017.

Có ý kiến cho rằng trong thế giới phẳng hiện nay, nếu thiếu xe ô tô thì ta nhập khẩu xe, không cần phải phát triển ngành công nghiệp ô tô của riêng mình làm gì. Quan điểm của ông ra sao?

Quan điểm của tôi khá trái ngược. Chúng ta có thể lấy minh chứng từ rất nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo tôi, tất cả các quốc gia phát triển đều cần 5 yếu tố: quốc kỳ, quốc ca, quân đội, ngành hàng không và công nghiệp ô tô. Ngành sản xuất ô tô phát triển sẽ mang đến những lợi ích vượt trội, trước hết là cho người dân của quốc gia đó. Nó cũng tạo ra rất nhiều công ăn việc làm (cho các ngành công nghiệp phụ trợ, cho hệ thống bán hàng, bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa v.v… Tôi rất tự hào góp phần xây dựng nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam - VinFast!

Còn một vấn đề nữa: cơ sở hạ tầng, đường sá cho ô tô ở Việt Nam hiện giờ rất hạn chế. Có nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh này, Việt Nam chưa nên phát triển công nghiệp ô tô vì sẽ dẫn tới tắc đường, kẹt xe. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Đó lại là câu chuyện về tầm nhìn dài hạn. Những nhà lãnh đạo không thể vì sợ tắc đường mà bảo người dân cứ đi bộ như thời Trung cổ được. Tại sao đại đa số nhân loại đều được đi ô tô, trên những con đường êm thuận, phẳng phiu mà người Việt lại không có được cái quyền đó? Theo tôi biết, hiện tại chính phủ Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng cầu đường để giảm thiểu ách tắc giao thông. Ít nhất có khoảng 21 dự án đường cao tốc đang và sắp được đầu tư xây dựng. Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp ngoài thành phố, làn sóng di cư tự nhiên sẽ giảm áp lực giao thông bên trong nội thành. Tôi nghĩ, Chính phủ hoàn toàn có thể điều tiết vấn đề này.

 

Có nhiều chuyên gia cho rằng VinFast không thực sự là 1 chiếc ô tô Việt, vì động cơ Đức, thiết kế Ý cùng rất nhiều thiết bị, linh kiện ngoại nhập... Ông có ý nghĩ gì khi nghe nhận xét này?

Tôi tin chắc những người đưa ra nhận định này chưa thực sự ngồi lên một chiếc xe VinFast để cảm nhận thiết kế dành riêng cho người Việt cũng như tinh thần Việt Nam in đậm dấu ấn trong từng chi tiết nội ngoại thất. Họ cũng chưa được thấy hình ảnh Vịnh Hạ Long hiện lên trên màn hình điều khiển khi xe lăn bánh. Tôi muốn nói rằng, hãy thử trải nghiệm VinFast để hiểu rõ “chất Việt Nam” cùng tâm huyết của hàng ngàn con người chứa đựng trong đó.

Hãng ô tô General Motors đã từng có thời được coi là biểu tượng của nền công nghiệp tư bản Mỹ, với 82 tỉ USD doanh số/năm và hơn 200.000 công nhân trên toàn thế giới. Ông hãy kể mình đã vào làm việc cho General Motors như thế nào?

Khi còn nhỏ, tôi từng ước mơ trở thành một bác sĩ. Nghề bác sĩ rất được trọng vọng tại Mỹ. Lớn lên một chút, người ta bảo tôi rằng General Motors có một học viện riêng tại Lind's Linden, New Jersey (nay là Đại học Kettering), chuyên đào tạo những ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư lắp ráp… và tất nhiên cả ngành công nghiệp ô tô. Sinh viên tốt nghiệp từ học viện sẽ được nhận công tác tại tập đoàn, điều đó khiến tôi hứng thú. Khi tôi chia sẻ với cha tôi – cũng là một kỹ sư của General Motors, ông lập tức ủng hộ ngay: Đó là một giấc mơ tuyệt vời đấy con trai!” Thế là tôi đến New Jersey.

Và tôi bị ấn tượng ngay lập tức khi vừa bước chân vào nhà máy lắp ráp General Motors, để rồi nhận ra mình không thực sự thích ngành y. Tôi muốn cuộc sống của tôi gắn bó với ô tô, tôi muốn cùng tham gia với những con người nhiệt huyết trong ngành công nghiệp ấy. Năm 1979, tôitrở thành sinh viên học viện General Motors. Năm 1984, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư điện và quyết định tiếp tục theo học ngành quản lý sản xuất tại đây. Năm 1987 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi tôi hoàn thành chương trình học và chính thức đầu quân cho General Motors.Và tôi cứ thế làm việc cho General Motors cho đến khi chuyển sang VinFast.

Hơn 3 thập kỷ cống hiến cho General Motors, ông có thể chia sẻ với độc giả Dân Việt những kỷ niệm tuyệt vời nhất nơi đây?

Suốt hơn 30 năm làm việc tại General Motors, tôi đã có cơ hội làm việc, tiếp xúc với hàng trăm ngàn con người ở các chi nhánh GM trên toàn thế giới, từ Trung Quốc cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Thật khó để nói rằng kỷ niệm nào tuyệt vời nhất, khi bạn có quá nhiều hồi ức tuyệt vời.

Nếu phải nói về một điều ấn tượng nhất, thì tôi ấn tượng với tập thể những con người đầy nhiệt huyết, tận tụy và xuất sắc ở General Motors. Họ là những kỹ sư lành nghề đã dạy tôi cách lắp ráp một chiếc ô tô, những chuyên gia chỉ cho tôi những yếu tố quan trọng trong một thiết kế xe hơi đẳng cấp, tập thể đã dạy tôi làm thế nào để trở thành người lãnh đạo. Thành công của tôi ngày hôm nay được tạo nên từ bóng dáng hàng trăm ngàn con người ấy.

Tôi nghỉ hưu năm 2016. Những năm tháng làm việc cùng các cộng sự tại New Jersey là những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi.

Vậy ông có buồn không khi người khổng lồ General Motors sa sút những năm gần đây?

Tôi buồn lắm chứ. Cả tuổi thanh xuân của tôi cũng như của hàng nghìn gia đình khác gắn bó với General Motors. Khi hãng xe này suy sụp, cả một thành phố trở nên tiêu điều – như Detroit – thủ phủ của General Motors. Nhưng biết làm thế nào được. Cái gì cũng có lúc thịnh lúc suy…

Thôi, hãy chuyển sang câu chuyện gì vui hơn một chút. Ngoài thời gian làm việc tại VinFast, ông có thường đi du lịch, khám phá đất nước và con người Việt Nam?

Phần lớn thời gian của tôi ở VN chỉ diễn ratại nhà máy VinFast Hải Phòng. Tuy nhiên, tôi cũng từng đi đến nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, TP.HCM, Hà Nội, Hạ Long...Nếu có thời gian, tôi nhất định sẽ đi thăm thú nhiều nơi hơn nữa.

Đã gần 2 năm sống tại Việt Nam, ông thích món ăn Việt nào nhất?

Tôi cho rằng ẩm thực VN phong phú hơn nhiều so với Hàn Quốc – đất nước mà tôi cũng đã từng sống 6 năm. Đồ ăn VN không quá cay như đồ ăn Hàn. Còn món ăn Việt mà tôi thích nhất chắc chắn là Phở.

Ông có từng ăn Tết tại Việt Nam?

Tết thì chưa nhưng năm ngoái tôi đã cùng gia đình qua một Lễ Tạ ơn tại VN rất tuyệt vời.

Gia đình ông cũng yêu thích Việt Nam chứ?

Nói đến gia đình tôi, đó lại là một câu chuyện thú vị. Bật mí nhé, con gái thứ hai của tôi hiện đang làm việc tại nhà máy VinFast Hải Phòng cùng tôi, cô ấy là một kỹ sư môi trường. Hồi tốt nghiệp trường đại học bang Colorado, con gái tôi từng đau đầu vì không thể tìm được bất cứ công việc nào tại Mỹ, các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu kinh nghiệm. Tôi đã gợi ý về một công ty sản xuất ô tô tại Việt Nam nơi tôi làm việc, và con gái tôi ngay lập tức tỏ ra hứng thú.

Gần 2 năm ở VinFast, con bé giờ đây đang tham gia vào công việc thiết kế những mẫu xe thân thiện với môi trường đầy triển vọng. Công việc và cuộc sống của tôi ở VN cũng trở nên dễ dàng hơn vì tôi thấy như có một nửa gia đình mình đang ở đây.

Hai con trai tôi, một là nhà sản xuất phim tại Hollywood, một đang làm việc ở Michigan. Còn vợ tôi, cô ấy phải di chuyển giữa Việt Nam, Los Angeles và nhà tôi tại Michigan. Phải nói rằng họ rất yêu thích nhịp sống yên bình tại Việt Nam.

Ông trông rất cân đối và khá trẻ so với tuổi. Bí quyết giữ gìn phong độ của ông là gì?

Tôi đi bộ hàng ngày. Mỗi tuần tôi cũng đến phòng gym một vài lần. Là một người gốc Ý tôi rất mê bóng đá nhưng tuổi tác và điều kiện công việc hiện không cho phép tôi chơi bóng như thời trai trẻ.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có nói rằng: Mối quan hệ Việt Nam - Mỹ là một trường hợp khá đặc biệt. Chúng ta đã từng là cựu thù trong chiến tranh, nhưng nay lại là đối tác chiến lược trong hoà bình, cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế. Là một người Mỹ trực tiếp tham gia vào thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, ông có suy nghĩ gì?

Tôi sinh năm 1961. Tôi lớn lên vào những năm cuộc chiến tranh Việt - Mỹ đang bước vào hồi căng thẳng nhất. Nhưng khi đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu được tại sao lại xảy ra chiến tranh, tại sao những người lính một đi không trở lại. Quá nhiều đau thương, mất mát cho cả hai đất nước ngay cả khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, hai quốc gia đã bước qua bóng tối chiến tranh, hợp tác cùng nhau mở ra một thời kỳ tốt đẹp hơn. Tôi thấy vui mừng vì được đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào việc vun đắp tình hữu nghị hợp tác giữa hai đất nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc những chiếc xe VinFast do ông và các cộng sự sản xuất sẽ được người tiêu dùng VN đón nhận.

 

Nội dung: Lưu Quang Định – Thùy Dung

Ảnh - Video: Đàm Duy

Thiết kế: Việt Anh

Kỹ thuật: Hiếu Phạm