CEO XHOME: "Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng"

15/09/2019 09:55

Giới kiến trúc sư Việt Nam đang bùng nổ với bài viết của ông Nguyễn Tuấn Dũng - CEO XHOME, một trong số những công ty thiết kế Nội thất lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Với những lập luận gây sốc “Thiết kế nội thất chỉ gây lãng phí và mất thời gian”, "Các KTS đang nhồi nhét vào trong căn hộ của bạn một cách thái quá" hay “Tôi sẽ gột rửa thị trường nội thất” được không ít người cho là ngạo mạn, “quay lưng lại” với cả giới kiến trúc sư Việt Nam, mang lại nhiều ý kiến trái chiều trong những ngày qua.

Xuất phát từ một bài viết trên fanpage XHOME Store - Nội thất bán lẻ, CEO Nguyễn Tuấn Dũng đã có bài chia sẻ gây bão mạng xã hội và thu hút đông đảo sự chú ý của các Kiến trúc sư Nội thất.

Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Giữa tâm bão dư luận, chúng tôi có bài phỏng vấn với CEO Nguyễn Tuấn Dũng

Trong bài viết của mình, anh đã đưa ra lập luận “Thiết kế nội thất chỉ gây lãng phí và mất thời gian”, anh có thể giải thích rõ hơn về điều này không ? 

Đầu tiên để nói lên quan điểm của tôi, cần nhấn mạnh rằng những nội dung tôi chia sẻ là hướng vào thị trường nội thất phổ thông, bình dân chứ không chụp mũ lên mọi phân khúc sản phẩm.

Tôi đã xây dựng và phát triển XHOME hơn 5 năm với sản phẩm và dịch vụ tập trung vào thị trường nội thất phổ thông. Trong khoảng từ 2 – 3 năm đầu tiên các sản phẩm này tạo ra giá trị cho cộng đồng giúp người dân tại Hà Nội nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung làm quen với khái niệm Thiết kế Nội thất cũng như nhận được các giá trị thẩm mỹ mới mẻ trong căn hộ của mình.

Tuy nhiên những năm trở lại đây, khi nhu cầu nội thất ngày một gia tăng đột biến theo xu hướng của thị trường bất động sản thì dạng sản phẩm thiết kế thi công nội thất này đã bị biến tướng. Một số các công ty thiết kế nội thất, một số kiến trúc sư thay vì suy nghĩ xem điều gì là tốt nhất với khách hàng để đưa ra phương án dịch vụ hợp lý thì họ lại chỉ quan tâm đến việc doanh nghiệp của mình, cá nhân mình nhận được lợi ích gì. Tất cả các khách hàng phổ thông dù ở nhu cầu thế nào cũng đều bị cuốn vào câu chuyện thiết kế thi công với các dạng thiết kế dập khuôn và thời gian chờ đợi lên đến cả tháng (thậm chí là vài tháng) đi kèm với chất lượng sản phẩm thiết kế, sản phẩm thi công luôn là dấu chấm hỏi khi khách hàng đặt bút ký hợp đồng. Tất cả thị trường như vậy đã cuốn khách hàng vào một vòng xoáy mà họ khó có thể bảo vệ được lợi ích của mình.

Ngay cả cách thức XHOME vận hành và cách làm việc của một số nhân sự trong đội ngũ XHOME cũng bị cuốn theo xu hướng này, tôi đã dốc sức thay đổi nó trong suốt 2 năm qua nhưng thực sự điều này là rất khó nếu không thay đổi ngay từ bản chất của sản phẩm.

Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Để đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, phương thức tôi lựa chọn là hướng đến các bộ sưu tập sản phẩm đa dạng sản xuất sẵn, được kiểm soát về chất lượng, kết hợp với công nghệ giúp khách hàng có thể tự lựa chọn và làm đẹp cho căn hộ của mình một cách nhanh chóng. Tôi tin rằng hình thái sản phẩm này sẽ giải quyết được ít nhất từ 60% - 70% nhu cầu thị trường phân khúc phổ thông. Còn nếu khách hàng muốn cá nhân hóa không gian sống của mình nhiều hơn, sẵn sàng chi trả thêm kinh phí thì tất nhiên là câu Thiết kế nội thất chỉ gây lãng phí và mất thời gian” của tôi chẳng làm họ phải bận tâm và các công ty nội thất đang làm dạng sản phẩm này cũng không bị ảnh hưởng (cười).

Với quan điểm này của mình, nhiều người cho rằng anh đang “động chạm” đến giới kiến trúc sư ? 

Quan điểm này không động chạm mà còn giúp ngành nội thất và nghề kiến trúc sư lấy lại được những giá trị thực sự vốn có.

Tôi cũng đã nói rõ trong bài viết của mình “Những KTS đúng nghĩa và có đủ tư duy sẽ không vì content này mà cảm thấy bị ảnh hưởng lợi ích”.

Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Anh có thể nói rõ hơn được không?

Kiến trúc sư chân chính là những người mang tài hoa của mình để đưa vào công trình cũng giống như vẽ một bức tranh nghệ thuật.

Đối với mỗi tác phẩm, kiến trúc sư phải kết hợp hoàn hảo giữa thẩm mỹ và sự tiện lợi. Để làm được điều đó, họ phải mất nhiều năm để tìm hiểu, học hỏi, và phải là những người am hiểu về mỹ thuật, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật chứ không phải chỉ học vài lớp diễn họa 3D và sử dụng sử dụng một số phần mềm thiêt kế là có thể tự xưng Kiến trúc sư được.

Tất nhiên giá của một không gian hoàn hảo mang hơi thở, tính cách và tâm hồn của chủ đầu tư cũng phải xứng đáng cho những chất xám mà kiến trúc sư đã bỏ ra.

Tuy nhiên, khái niệm kiến trúc sư đang bị biến tấu lệch lạc bởi chính thị trường nội thất.

Trong những năm qua XHOME đã làm việc với rất nhiều khách hàng. Trong quá trình tiếp xúc thì hầu hết các khách hàng đều mặc định người thiết kế nội thất nhà cho họ gọi chung hết là kiến trúc sư. Tại sao lại như vậy ?

Trong lĩnh vực thiết kế đã định hình ra rất rõ ràng các vai trò dựa trên quá trình đào tạo cũng như công việc thực hiện mà phân ra: “Kiến trúc sư” , “Người thiết kế nội thất” , “Người trang trí nội thất”. Trong đó Kiến trúc sư là đối tượng được đào tạo ở trình độ cao nhất, có khả năng triển khai và bao quát toàn bộ một công trình. Tuy nhiên giữa vòng xoáy của thị trường nội thất phổ thông lộn xộn, đã tạo ra một lượng lớn các cá nhân “Mượn danh Kiến trúc sư” trong quá trình làm việc với khách hàng.

Bên cạnh nhóm “Người thiết kế nội thất”, việc khách hàng hiểu sai khái niệm đôi khi buộc họ phải theo do điều kiện công việc, tồn tại một số đông nhóm “Những họa viên” – những người không hề được đào tạo về chuyên môn, chỉ học qua các lớp diễn họa, sử dụng vài phần mềm rồi cũng lao vào thị trường với vai trò Kiến trúc sư để tư vấn khách hàng. Chính “Những họa viên” này với trình độ chuyên môn yếu kém, cùng với một số ít các “Kiến trúc sư”, các “Nhà thiết kế nội thất” thiếu tâm đã tạo ra cho khách hàng những không gian bất hợp lý, thẩm mỹ kém, nhồi nhét vào đó các sản phẩm với công năng dư thừa gây mất thời gian và lãng phí cho khách hàng. Thiết kế thi công với giá rẻ, làm bào mòn giá trị của ngành nội thất và làm hỏng giá trị của nghề “ Kiến trúc sư”. Một vài “Kiến trúc sư chân chính” mà tôi biết thậm chí đã rời bỏ thị trường và chuyển sang làm lĩnh vực khác cũng vì những nguyên nhân này.

Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Vậy đây cũng chính là nhóm “Các kiến trúc sư nhồi nhét đồ vào trong nhà khách hàng" mà anh đã nói đến trong bài đăng?

Đúng vậy, khi XHOME thành công trong việc phát triển hình thức bán lẻ sản phẩm mới, tạo ra được trào lưu này trên thị trường nội thất phổ thông, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia để có thể giải quyết một lượng lớn nhu cầu của khách hàng thì nhóm “Kiến trúc sư mượn danh" sẽ không còn nhiều đất để phát triển. Họ khó có thể tiến lên phân khúc sản phẩm cao hơn vì ở phân khúc này đòi hỏi trình độ của một Kiến trúc sư thực sự, một Người thiết kế nội thất thực sự. Và tất nhiên 3 chữ “Kiến trúc sư” sẽ được dần trả lại giá trị vốn có.

Trong câu content của XHOME Store nếu chỉ cần thay cụm từ “Các Kiến trúc sư" bằng “Một số kiến trúc sư” thì có thể đã không gây hiểu lầm. Đây là sai sót của chúng tôi vì muốn rút ngắn content. Ngoài ra chúng tôi đứng trên lập trường khách hàng là người đọc nên mới dùng cụm từ “Kiến trúc sư" để mô tả.

Bên cạnh các “Kiến trúc sư mượn danh”, anh cũng đã nhắc tới các “Kiến trúc sư mang danh" trong bài đăng của mình. Anh có thể nói rõ hơn về khái niệm này?

Kiến trúc sư mang danh” là số ít những kiến trúc sư thực sự, có đào tạo, có bằng cấp. Tuy nhiên họ đã chạy theo lợi ích cá nhân riêng mà bất chấp mọi cách trục lợi từ khách hàng, bỏ qua phạm trù đạo đức nghề và bán rẻ giá trị của 3 chữ Kiến trúc sư…… Thôi cái này tôi nghĩ không nên nói vào sâu, không thì ngày mai nhà tôi lại đầy gạch đá mất (cười).

Trong bài đăng của anh, anh cũng đã nhắc đến việc “Gột rửa thị trường nội thất “. Theo như chúng tôi nắm được thì đây cũng là một nội dung gây bức xúc trong cộng đồng kiến trúc sư. Anh có thể nói rõ hơn về điều này?

Tôi đã nói rằng “Không chỉ có XHOME Store. Với XHOME Eco sắp tung ra trên diện rộng - TÔI SẼ GỘT RỬA LẠI THỊ TRƯỜNG NỘI THẤT".

XHOME store thì rõ rồi, như tôi đã nói ở trên. Hai chữ “gột rửa” chủ yếu là tôi dùng để mô tả về nhiệm vụ của XHOME Eco theo đúng nghĩa đen. XHOME Eco là định hướng sản phẩm mới của XHOME hướng đến khái niệm “Nội thất sạch”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Câu này của tôi có thể gây bức xúc cho các Kiến trúc sư vì họ đã hiểu lầm sẵn từ bên trên rồi, đến câu cuối thì có thể họ chỉ quan tâm đến cái họ muốn hiểu (cười)

Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Việc phát triển Mô hình bán lẻ XHOME Store liệu có gây ảnh hưởng đến các sản phẩm của XHOME hiện tại? Vì theo chúng tôi được biết sản phẩm chính của XHOME trong nhiều năm qua là thiết kế thi công nội thất trong phân khúc phổ thông này.

Có chứ, chắc chắn ảnh hưởng rồi. Tuy nhiên ngay từ cuối năm 2017 khi họp các công ty trên hệ thống tại Hạ Long, lúc đó chúng tôi đã lên đến đỉnh về thị phần trong phân khúc, tôi đã nói với lãnh đạo các công ty là: Chúng ta đang kinh doanh không đúng, những giá trị chúng ta tạo ra không còn đủ tốt dành cho khách hàng và nếu cứ thế này chung ta khó có thể tồn tại chứ đừng nói là phát triển. Nội dung này XHOME đã đưa ra rất nhiều lần trên các kênh truyền thông của mình, chúng tôi không giấu. Lúc đó chẳng lãnh đạo chi nhánh nào tin vào những gì tôi nói (cười). Tuy vậy tôi vẫn tập trung lên kế hoạch chuẩn bị cho XHOME Store và XHOME Eco từ đó đến nay và liên tục truyền tải tinh thần này đến với các thành viên XHOME trong gần 2 năm qua với mục tiêu là những dòng sản phẩm mới này sẽ đem lại diện mạo mới cho XHOME trong tương lai, hướng tới là thương hiệu vì cộng đồng. Cái gì mình làm sai mình phải sửa, không sửa được phải bỏ, không thể cố chấp nhận, che giấu sai lầm này bằng cách tạo ra các sai lầm khác.

Với tôi, giá trị tạo ra cho cộng đồng là ưu tiên hàng đầu và tôi tôn trọng bất cứ ai có cùng cách tư duy này.

Với thực trạng như hiện nay, thì tương lai nội thất Việt Nam sẽ đi về đâu ?

Tôi tự thấy mình còn chưa đủ tư duy và kinh nghiệm để chỉ ra tương lai của thị trường nội thất. Tuy nhiên, nếu được phép chia sẻ quan điểm thì theo tôi, thị trường nội thất Việt Nam trong thời gian tới sẽ chia làm 3 phân khúc chính:

Phân khúc phổ thông: Mô hình bán lẻ sẽ lên ngôi đi cùng với một ngành nghề mà khách hàng sẽ làm quen dần đó là “ Trang trí nội thất “. Chính XHOME Store của tôi sẽ góp phần thúc đẩy điều này

Phân khúc trung lưu: Đây là phân khúc bắt đầu có sự tham gia của các Kiến trúc sư và những người thiết kế nội thất. Tuy nhiên sản phẩm phải tạo ra được các giá trị khác ngoài vấn đề chỉ là tính thẩm mỹ. Ví dụ như là Thân thiện môi trường, tốt cho sức khỏe hoặc chất lượng đặc biệt tốt (so với phân khúc bình dân)

Phân khúc cao cấp và siêu cao cấp: Phân khúc này hội tụ tinh hoa của nghề thiết kế, tập trung những kiến trúc sư, Những người thiết kế nội thất, trang trí ở trình độ cao nhất. Họ là những người tâm huyết với nghề và phục vụ khách hàng với chuẩn mực dịch vụ cao, trong khi vẫn giữ được phẩm chất và sự tự tôn của cá nhân.

Bảo vệ một ngành nghề phải trên cơ sở những giá trị tốt đẹp mang lại cho cộng đồng - 6

Nhấn để phóng to ảnh

Và cuối cùng anh có thể có vài lời dành cho cộng đồng kiến trúc sư sau “sự cố” vừa rồi?

Đối với những Kiến trúc sư thực sự bị ảnh hưởng bởi nội dung bài đăng thì tôi muốn gửi lời xin lỗi. Cụm từ “Các kiến trúc sư” tôi sử dụng đã vô tình mang tính chất chụp mũ, đây là sai sót của tôi – Sai sót duy nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là sự hiểu lầm, tâm của tôi đủ thẳng và sáng để tôi có thể đối diện trực tiếp với bất cứ kiến trúc sư nào trong tương lai.

Bên cạnh đó tôi cũng muốn nói thêm rằng, bản thân tôi không phải là một kiến trúc sư. Tuy nhiên, khi nghề thiết kế nội thất và giá trị của 3 chữ “Kiến trúc sư” bị bào mòn, tôi đã đứng trên lập trường lợi ích của ngành nghề và đặc biệt là lợi ích của thị trường để bảo vệ và xây dựng lại các giá trị, bất chấp phản ứng tiêu cực của nhóm đối nghịch về lợi ích. Còn các “Kiến trúc sư chân chính”, các bạn đã có hành động gì để bảo vệ giá trị nghề của mình hay chỉ bàng quan, hài lòng với giá trị hiện có của cá nhân và giữ riêng cho mình cái tự trọng, cái tôi lớn. Nếu các bạn nghĩ việc ngồi ở nhà và dùng bàn phím cùng nhau chửi bới một ai đó khi các bạn cảm thấy bị động chạm tự ái nghề là một dạng “Hành động” thì tôi không ý kiến thêm.

Tôi vẫn xin nhắc lại một câu mà tôi đã nói trong bài đăng trước đây: Muốn giữ được giá trị của một ngành nghề thì phải trên cơ sở những điều tốt đẹp, những lợi ích mang lại cho cộng đồng, chứ không phải dựa trên việc bảo vệ giá trị của các cá nhân.

Tôi rất lấy làm tiếc vì những khó chịu mà tôi đã vô tình gây ra cho các bạn trong những ngày qua.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn.

Theo Dân Trí.