'Cha đẻ' Bphone: 'Phải gặp 1.7 triệu người mới có cơ hội gặp Covid-19'

16/03/2020 13:50

'Cha đẻ' của Bphone - CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đưa ra những phép tính cùng phân tích giúp củng cố thêm lòng tin cho nhiều người trong thời gian chống dịch Covid-19.

'Cha đẻ' của Bphone - CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đưa ra những phép tính cùng phân tích giúp củng cố thêm lòng tin cho nhiều người trong thời gian chống dịch Covid-19.

Mới đây, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng có bài viết trên trang cá nhân chia sẻ những suy nghĩ của mình xung quanh "con virus corona" đang khiến nhiều người trăn trở.

Bằng những phép tính đầy thuyết phục, cùng hình ảnh so sánh hài hước, "cha đẻ" của Bphone khẳng định chiến đấu với Covid-19 là "cuộc kháng chiến trường kỳ" của cả cộng đồng. Hơn nữa, nếu vững vàng trong giai đoạn khó khăn, đây có thể sẽ là cơ hội để Việt Nam vươn lên.

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng củng cố thêm lòng tin cho nhiều người trong thời gian chống dịch Covid-19 bằng bài viết trên trang cá nhân.

VTC News xin đăng tải bài viết của CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng:

"Bao trùm xã hội mấy tháng qua là tâm lý lo sợ, khiến cho mọi sinh hoạt bị đảo lộn và điều này chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại. Hệ lụy với từng người dân và cả xã hội sẽ vô cùng lớn.

Tôi từng nói chống virus máy tính hay virus sinh học thì cũng cần sự logic cao độ. Phân tích logic đã giúp tôi thay vì 'lo sợ', giờ chỉ còn 'lo lắng' thôi.

Hãy suy nghĩ như dưới đây, hy vọng có thể giúp mọi người vững tin và bình tĩnh hơn trong đợt dịch có lẽ sẽ kéo dài này.

Dân số Việt Nam là 97 triệu, trong 2 tháng qua Việt Nam phát hiện 57 ca nhiễm. Như vậy xác xuất để khi ta gặp một ai đó và họ là người nhiễm Covid-19 sẽ là 57/97 triệu = 1/1.7 triệu. Tức là bạn phải gặp 1.7 triệu người thì mới có "cơ hội" gặp Covid-19.

Nếu tính trên phạm vi một địa phương, ví dụ Hà Nội đang có số nhiễm nhiều nhất và là 12, dân số Hà Nội là 8 triệu. Bạn phải gặp 0.7 triệu người thì mới có "cơ hội" gặp Covid-19. Ngoài ra, có gặp cũng không chắc chắn sẽ nhiễm.

Tôi không nhớ xác suất trúng Vietlott là bao nhiêu, nhưng theo logic trên thì khả năng bạn gặp người nhiễm Covid-19 rồi sau đó bị nhiễm có lẽ cũng phải cỡ như trúng Vietlott vậy.

Nếu xét thêm, theo thống kê từ các nước, có dưới 10% người nhiễm là ở mức độ nguy kịch, thì nguy cơ còn phải giảm xuống 10 lần nữa.

Mỗi khi cảm thấy 'lo lắng' khi tiếp xúc, vì 'nhìn đâu cũng thấy virus', tôi lại nghĩ tới những logic trên và thấy yên tâm. Các bạn hãy thử, biết đâu sẽ giúp yên tâm sinh hoạt bình thường trở lại.

Có ai đó sẽ nói biết đâu ngoài những người đã nhiễm còn nhiều người chưa được phát hiện thì tỷ lệ trên sẽ lớn hơn lên. Thực tế là hoàn toàn có thể, tuy nhiên với sự kiểm soát chặt chẽ theo các F như chúng ta đang làm thì số 'bỏ lọt' đó sẽ không đáng kể và cũng sẽ được phát hiện ngay thôi, không làm cho các tỷ lệ trên thay đổi về bản chất.

Kể cả vì một lý do đặc biệt nào đó, số nhiễm có tăng lên 10x lần thì khả năng gặp nguy cũng vẫn cỡ như 'trúng' độc đắc và nếu tình huống đó có xảy ra thì chúng ta chuyển sang 'lo sợ' để đề phòng cao hơn cũng chưa muộn.

Việt Nam đã làm quá tốt việc chống dịch, tuy nhiên chúng ta lại có phần phí phạm trong việc 'tận hưởng' thành quả đó. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm sinh hoạt bình thường song song với việc chống dịch một cách bài bản.

Việc cách ly các F ở các mức độ khác nhau như đang làm là cần thiết. Ngoài ra các biện pháp cơ bản như đeo khẩu trang nơi công cộng, không sờ tay lên mặt và rửa tay vẫn nên áp dụng.

Nó giống như trường kỳ kháng chiến vậy. Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và xã hội vẫn phải phát triển. Nếu làm tốt đây còn là cơ hội để Việt Nam vươn lên.

Chúng ta vẫn 'lo lắng' để luôn cảnh giác, tuy nhiên đừng 'lo sợ' để tránh hệ lụy lâu dài. Hãy vững tin, tiếp tục những sinh hoạt bình thường để nắm lấy cơ hội mới!".

Theo VTC News