Chân dung người đàn ông '40 nghìn tỷ USD' đang đảm đương công việc khó nhằn nhất trong giới tài chính toàn cầu

28/11/2019 13:07

Là người giám sát hệ thống ngân hàng Trung Quốc, Guo Shuqing có nhiệm vụ loại bỏ các rủi ro vượt quá mức cho phép mà không kìm hãm sự tăng trưởng.

Hai tháng trong nhiệm kỳ của mình với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban giám sát hệ thống ngân hàng Trung Quốc, Guo Shuqing đã làm những điều mà các nhân viên của ông chưa bao giờ chứng kiến.

Trong buổi đối thoại tại Bắc Kinh với các quan chức và bộ trưởng các ngành của cả nước, Guo Shuqing cam kết sẽ từ chức nếu ông thất bại trong việc loại bỏ những khoản thừa đã tích lũy trong hệ thống ngân hàng 40 nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong gần một thập kỷ. “Đây là trách nhiệm của người đứng đầu”, Guo cho biết.

Những bình luận của ông khiến công chúng bất ngờ. Bởi đây là điều hiếm thấy khi một quan chức cấp cao của Trung Quốc thừa nhận về khả năng thất bại và cho thấy tầm quan trọng của công việc mà Guo đang thực hiện.

Chân dung người đàn ông 40 nghìn tỷ USD đang đảm đương công việc khó nhằn nhất trong giới tài chính toàn cầu - Ảnh 1.

Đối mặt với nhiều thách thức, Guo Shuqing vẫn cam kết sẽ từ chức nếu thất bại

Là người quản lý của hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới - gấp đôi hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ, người đàn ông 63 tuổi này đang đối mặt với công việc khó khăn nhất trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Công việc ấy càng khó khăn hơn mỗi ngày bởi Trung Quốc đang đứng trước môi trường kinh tế không ổn định nhất là kể từ khi suy thoái kinh tế toàn cầu cách đây một thập kỷ, tình trạng còn phức tạp hơn nữa do sự bất ổn dân sự tại Hồng Kông.

Giờ đây, sự ưu tiên của Guo là giữ cho hệ thống tài chính của Trung Quốc ổn định và làm suy yếu dần những “tài sản thế chấp ngầm”, thứ đang chống đỡ tất cả từ các sản phẩm quản lý tài sản đến tiền gửi ngân hàng, không để chúng đối nghịch nhau.

Để tạo ra một hệ thống bền vững hơn, trong đó rủi ro tài chính và lợi nhuận luôn song hành, ông phải thuyết phục các nhà đầu tư, người cho vay và chính quyền địa phương rằng Bắc Kinh sẽ không giải cứu khi giá tài sản giảm hoặc người vay vỡ nợ. Michael Pettis, giáo sư tài chính tại đại học Bắc Kinh và cựu chủ tịch ngân hàng Bear Stearns Cos bình luận về việc này: “Việc loại bỏ sự hỗ trợ của Chính phủ có thể tạo ra một rủi ro lặp lại với tốc độ nhanh và hỗn loạn hơn thứ mà chính Guo đang tìm cách ngăn chặn”.

Đó là một việc khó khăn ngay cả trong thời kỳ tốt nhất nhưng Guo đang đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại và gánh nặng nợ cao kỷ lục đè nén xuống nền kinh tế 13 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Hơn nữa, Guo cần phải hoàn thành nó vào khoảng năm 2021 bởi mặc dù trước đó có ngoại lệ thì rất có thể ông ấy sẽ phải về hưu ở tuổi 65.

Trước những bất ổn đang diễn ra khắp nơi ở Trung Quốc, dường như Guo đang thực hiện các hoạt động để bình ổn. Kể từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc vào đầu năm 2017, ông đã công bố các quy tắc sâu rộng cấm tài sản thế chấp ngầm đối với các sản phẩm quản lý tài sản, ngành có trị giá 14 nghìn tỷ đô la, đóng cửa hàng ngàn người cho vay ngang hàng đang gặp khó khăn, cho phép các công ty địa phương vỡ nợ với tốc độ nhanh và áp đặt thua lỗ cho các chủ nợ của một ngân hàng gặp khó khăn kể từ lần đầu chính sách này được áp dụng vào năm 1998.

Chân dung người đàn ông 40 nghìn tỷ USD đang đảm đương công việc khó nhằn nhất trong giới tài chính toàn cầu - Ảnh 2.

Mọi kế hoạch cần phải hoàn thiện sớm vì theo kế hoạch Guo sẽ về hưu vào năm 2021

Mặc dù chiến dịch nhằm kiềm chế rủi ro đạo đức chưa từng có của ông gây ra những bất ổn về tài chính và khiến cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong thập kỷ qua, song vẫn chưa có khủng hoảng nghiêm trọng nào xảy ra tại đây.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 6% trong quý III, thấp hơn so với ước tính nhưng vẫn nằm trong phạm vi mà chính phủ đề ra. Tất nhiên, nếu tăng trưởng diễn biến theo chiều hướng trở nên tồi tệ, Guo sẽ có ít cơ hội để điều động hơn. Nhưng hiện tại, triển vọng về những cải cách tiếp theo đang đi theo hướng tích cực. Các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và các học giả đã từng làm việc với Guo nói rằng cuộc đại tu tài chính này sẽ còn kéo dài.

Theo David Loevinger, giám đốc điều hành các thị trường mới nổi tại TCW Group Inc. và cựu điều phối viên cao cấp về các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ, “vẫn còn rất nhiều việc phải làm và chặng đường thay đổi sẽ còn kéo dài”.

Trong khoảng thời gian làm việc tại Kho bạc từ năm 2006 đến 2012, Loevinger đã nhiều lần gặp gỡ và nói chuyện với Guo. Ông mô tả Guo là một người “kỷ luật thép và chu đáo”, đồng thời là người “hiểu biết sâu sắc về những thách thức tài chính của Trung Quốc”. Guo nhận ra rằng: “Không thể bắt chước y hệt hay áp dụng hệ thống quản lý của phương Tây vào hệ thống tài chính của Trung Quốc”.

theo Bloomberg

Link bài gốc: http://ttvn.vn/kinh-doanh/chan-dung-nguoi-dan-ong-40-nghin-ty-usd-dang-dam-duong-cong-viec-kho-nhan-nhat-trong-gioi-tai-chinh-toan-cau-52019281183855131.htm