Chàng nông dân 'khùng' và giấc mơ ống hút tre

15/10/2018 10:19

Đắp nhà đất sét, đi hái cỏ bàng sáng sớm, làm ống hút tre bằng tay... là những công việc hiện tại của chàng giáo viên táo bạo bỏ phố trở về với làng quê.

Đắp nhà đất sét, đi hái cỏ bàng sáng sớm, làm ống hút tre bằng tay... là những công việc hiện tại của chàng giáo viên táo bạo bỏ phố trở về với làng quê.

"Tự nhiên dệt nên một tấm vải sinh thái, làm cho sinh mệnh của vạn vật đều liên quan đến nhau. Con người là ký sinh trùng của thiên nhiên, thiên nhiên là gốc rễ duy trì cuộc sống của con người", tác giả Takuji Ishikawa đã viết như thế trong cuốn Quả táo thần kỳ của Kimura.

Đức Huệ đang vào mùa mưa, trên mảnh ruộng còn sót lại sau những cuộc công nghiệp hóa ồn ào, vội vã, cỏ bàng dại mọc tràn lan. Một người nông dân mảnh khảnh với khuôn mặt đầy nếp nhăn chưa đến tuổi đang ôm bó cỏ mới cắt to bằng người, đi trên mô đất ven ruộng, ngù ngờ nhìn về phía cơn giông sắp tới hay là những nhà máy phía xa chẳng rõ, miệng lẩm bẩm: "Chẳng biết cánh đồng này còn sống bao lâu nữa, rồi biết đi tìm cỏ bàng ở đâu…".

Chàng trai đó là Trần Minh Tiến, giáo viên công nghệ bỏ nghề về quê nhà Long An làm ống hút từ cỏ bàng dại. Chuyện của thầy giáo Tiến ngộ tới mức những người hàng xóm hiền lành đã quen cả đời với đồng ruộng gọi anh là Tiến "khùng".

Một mình đắp nhà đất sét đến... còng lưng

"Có phải hỏi thằng Tiến 'khùng' suốt ngày ôm tre với cỏ đi lang thang không?Nó ở trong cái nhà đất sét ngay kia kìa", chú bán nước cười to khi phóng viên hỏi tìm nhà của thầy giáo Trần Minh Tiến (30 tuổi, sản xuất ống hút cỏ).

Qua lối đi lầy lội vì mưa nhiều ngày, lẩn khuất dưới đám cỏ cây um tùm là căn nhà bằng đất sét với mái lá mát rượi được dệt bằng cỏ bàng và tre. Tiến đón tôi bằng nụ cười hiền lành cùng dáng dấp của người nông dân chính hiệu tới nỗi không thể nghĩ anh từng là thầy giáo.

Trong khu vườn tự nhiên không một hạt hóa chất, không khí trong veo, chúng tôi chọn một tán cây lớn ngồi trò chuyện về con đường từ thầy giáo công nghệ trở thành nông dân của Tiến.

Sinh ra và lớn lên ở Đức Huệ (tỉnh Long An), đến năm 22 tuổi, chàng trai tốt nghiệp ngành Công nghệ, Cao đẳng Sư phạm tay nải rời nơi chôn rau cắt rốn tìm đến quê ngoại Tây Ninh để theo đuổi nghề gõ đầu trẻ. Tự nhận mình là kẻ mộng mơ, Tiến hăm hở lao đi xây dựng cuộc đời mới, tham gia năng nổ mọi hoạt động và được nhiều hàng xóm, đồng nghiệp yêu quý.

Thời gian 5 năm đủ dài để chàng trai giải đáp những băn khoăn của bản thân về ý nghĩa của cuộc đời. Tiến ngày càng nhận ra mình không ở nơi mình thuộc về, dù rất yêu mảnh đất này. Do từ nhỏ sinh ra ở nông thôn, gần gũi với mảnh vườn của ông, lũ gà của bà nên "chỉ khi gần gũi với mảnh vườn, cây cối, tui mới cảm giác được sống là mình".

Cứ mỗi khi có thời gian, Tiến lại tìm đến các khu rừng để được gần với thiên nhiên hơn một chút. Dần dà tiếng gọi từ tự nhiên, từ những kỷ niệm về mảnh vườn thời thơ ấu cứ lớn dần, để rồi sau 5 năm giảng dạy, Tiến nộp đơn xin nghỉ về quê và... thất nghiệp.

Về tới quê, đất đã cho thuê, vườn thì xin mẹ không cho, con đường đi học ngày nào đầy cây hai bên giờ bê tông phủ trắng, chẳng còn một bóng râm. 27 tuổi, chàng trai thất nghiệp cứ suốt ngày lang thang lên các khu vườn tự nhiên của bạn bè, xin làm để học hỏi cách tiếp cận gần hơn với nông nghiệp.

Bỗng một hôm đang dạo chơi dưới vườn nhà cô Bé Sáu, Tiến đột ngột trở về xin mẹ dọn đồ sang đó vì chàng trai tin rằng được sống giữa khu vườn hoang dại mới chính là điều mình tìm kiếm.

Mọi người ai cũng không khỏi bất ngờ kèm theo cái lắc đầu ngao ngán khi biết nam giáo viên công nghệ đã quyết định tự tay đắp nhà đất sét để ở giữa vườn cây bỏ hoang.

Hành trình xây ngôi nhà đất sét của Tiến không có bạn đồng hành. Học được cách xây nhà sau thời gian lang thang, Tiến tự tay hòa từng xô đất sét thành bùn nhão, đem rơm về trộn, lột vỏ cây làm cọc nhà...

Mỗi ngày 10 tiếng, từng nắm đất sét đắp thành hình thân ngôi nhà, chỉ sau một cơn mưa đã san bằng tất cả.

Cứ thế hơn hai tháng ròng rã với kiến, muỗi và hàng đống bọ trong vườn, ngôi nhà hoàn tất cũng là lúc Tiến kiệt sức. Sau công cuộc xây nhà, Tiến bị còng lưng đi trông thấy.

Đêm đầu tiên được nằm trong ngôi nhà đất sét đầu tiên của đời mình, ngắm sao qua cửa sổ, Tiến bảo: "Cảm giác như đêm tân hôn". Đến nửa đêm, mưa rào, ngôi nhà của Tiến dột liền ba chỗ.

Tiến bắt đầu cuộc sống thuận tự nhiên của mình như người nông dân địa phương, tự trồng rau, ăn những thức ăn từ vùng mình sống: Bông sung, rau hẹ, điên điển trong vườn nhà, cá ở bờ kênh, nấu nướng cũng chỉ sử dụng củi gỗ...

Khu vườn Tiến ở không một giọt hóa chất, hạn chế đồ nhựa, không khí trở nên trong mát, nhẹ nhàng hơn. Thay vì "cưỡng bức tự nhiên" bằng hóa chất, Tiến chọn cách hài hòa sống với mọi sinh mệnh trong khu vườn, để đất lấy lại sự cân bằng vốn có của nó.

Có đêm rắn bò vào nhà, Tiến nằm im không động đậy rồi cũng chẳng sao. Bây giờ, anh quá quen với việc đêm nào cũng có rắn trong vườn.

Đất lành chim đậu, khi khu vườn cây cối um tùm, đất đai màu mỡ trở lại cũng là lúc ngôi nhà đất sét của chàng giáo viên có thêm tiếng cười. Từ khắp nơi, những người bạn cùng ý tưởng và tình yêu thiên nhiên tìm đến nhau, ngôi nhà của Tiến giờ không chỉ có một người.

Ai cũng nghĩ giữa thời cách mạng công nghệ 4.0, một thanh niên trẻ với bằng cấp đầy đủ mà đi đắp nhà đất sét vỏn vẹn 15 m2, chui vào đó ở với mấy con kiến, con bọ như Tiến là điên lắm.

Nhưng câu chuyện lạ lùng của Tiến không chỉ dừng lại ở ngôi nhà đất sét và mảnh vườn không hóa chất. Một ngày đẹp trời sau khi lang thang ở bờ kênh, Tiến chợt nảy ra ý định sẽ tự tay làm ống hút tre và ống hút cỏ từ những nguyên liệu tự nhiên mọc sẵn ở đây để dần dần thay thế hết ống hút nhựa ở quê mình.

Từ một thầy giáo dạy công nghệ, Tiến bỏ hết tất cả về quê làm ống hút tre.

Từ sinh thái tạo ra sinh nhai và mang lại sinh kế

Ban đầu, tìm đến với ống hút tre là bởi Tiến đơn giản muốn tự tạo công việc và nguồn thu nhập cho chính mình. Bắt tay vào làm anh mới thấy mọi việc khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng.

Buổi sáng, Tiến phải lang thang khắp nơi tìm từng bụi tre một, lựa chọn những thân tre phù hợp để làm nguyên liệu. Tối về, Tiến lại lên các trang web nước ngoài học cách làm ống hút tre, mày mò quy trình sản xuất đúng chuẩn.

Loay hoay suốt hơn một tháng ròng rã, cầm chiếc ống hút tre đầu tiên tự tay mình làm ra, Tiến vô cùng sung sướng. Nhưng cũng đúng lúc ấy, anh nhận ra nếu không dựa vào cộng đồng mà sống tách biệt với mọi người, sẽ chẳng thể đi đường dài.

Những người hàng xóm nghe chuyện làm ống hút bằng tre, ai cũng hoang mang rồi lắc đầu: "Chắc thằng này khùng". Bởi theo họ, "bây giờ ai mà xài ba cái đó làm chi cho cực rồi bán cho ai?".

Ánh mắt hoài nghi của mọi người lần nữa đổ dồn về Tiến khi cứ thấy nam thanh niên ngày ngày miệt mài chặt tre về phơi rồi làm ống hút. Dần dà bằng sự nhiệt tình và chân thành, Tiến cũng nhận được cái gật đầu "ừ thì làm đại đi" của những cô hàng xóm.

Vậy là những bó tre ở nhà cô Tư Phượng được Tiến chở về để cô Bé Sáu đem phơi. Tre khô, Tiến cắt thành nhiều ống mang sang nhà cô Hai Ríp và bác Hai Cò chà đầu, chà ruột, cạo vỏ xong lại mang về nhà ngâm muối, phơi khô lần nữa là đóng gói chuyển cho khách.

Mỗi người một việc, mỗi người một công đoạn và tiền công sẽ tính theo đầu sản phẩm. Đó là cách dây chuyền sản xuất ống hút tre kỳ lạ cửa hàng của Tiến đang vận hành.

"Tiến nó nhờ hoài, năn nỉ luôn, cuối cùng tôi mới đồng ý đó chớ. Làm cái này với nó vậy mà cũng vui. Hồi đầu làm chưa có hiểu, nó hay bắt mình làm lại, mình cũng bực, mà riết rồi biết ý nó nên làm cũng quen dần", bà Hai Ríp - một trong những người làm ống hút tre cùng Tiến - chia sẻ.

Sau khi làm ống hút tre ổn định, Tiến lại phát triển thêm sản phẩm nữa là ống hút cỏ bàng. Lần này, việc kêu gọi mọi người làm đã dễ dàng hơn nhiều.

Từ ống hút, cửa hàng của Tiến cũng thuyết phục được nhiều cô chú hàng xóm làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Như nhà cô Tư Phượng chuyên các sản phẩm từ cỏ bàng như chiếu, nón, túi xách... hay nhà chú Chín là những món đồ làm từ tre nứa (nón, rổ, võng...).

Tiến sẽ là người thu mua lại rồi phân phối cho khách hàng. Nhờ vậy, anh tạo được việc làm cho nhiều người ở quê mình.

Không ít người thắc mắc về việc mở rộng quy mô sản xuất, Tiến thẳng thừng lắc đầu: "Tui muốn từng sản phẩm làm ra có cái hồn của người làm nên nó. Bạn nhìn những chiếc ống hút tre sản xuất máy với ống hút tre mà mấy cô ở đây làm sẽ thấy khác. Một điều nữa là nếu có máy móc, nó sẽ cướp đi việc làm của con người, tui không muốn như vậy, với lại sức tôi cũng chỉ có vậy thôi nên cố làm gì".

Sống thuận tự nhiên, cách làm của Tiến là dựa hoàn toàn vào hệ sinh thái. Câu châm ngôn anh tâm đắc là: "Có sinh thái sẽ tạo được sinh nhai, từ sinh nhai phát triển nên sinh kế".

Gắn hoạt động với thiên nhiên, mọi việc Tiến làm đều bắt nguồn từ gốc rễ. Trên nền có sẵn, anh nuôi dưỡng hệ sinh thái để phát triển dựa trên chính hệ sinh thái đó. Nhờ suy nghĩ này, Tiến luôn tìm cách khai thác thiên nhiên xung quanh mình theo hướng bền vững nhất.

Tre làm ống hút chỉ đục lấy đúng những thân già, không chặt trụi cả bụi, cỏ bàng thì nhổ từng ống, không cắt hết một lượt. Anh quý từng vuông cỏ bàng, từng bụi tre, gốc tràm... Với Tiến, những gì tự nhiên ban tặng cho cuộc sống của con người là thứ đáng quý nhất và anh muốn tôn vinh nó.

Khi hỏi về những phong trào bảo vệ môi trường hay lối sống thuận tự nhiên của giới trẻ gần đây, Tiến nhẹ nhàng chia sẻ: "Tui không muốn tuyên truyền giáo điều gì hết. Tui cũng không muốn thay đổi ai hết, đó là điều không thể với tui. Làm các sản phẩm ống hút, tre nứa là tui chỉ muốn mang đến cho mọi người thêm một lựa chọn, một lựa chọn từ thiên nhiên.

Tui cứ làm mọi việc trong khả năng của mình, tạo nên những sản phẩm và chia sẻ những câu chuyện phía sau đó. Tui thấy muốn thật sự hiểu về giá trị của một điều gì, mọi người phải hành động trước đã".

Sản phẩm ống hút của Tiến và những cô hàng xóm nay đã có mặt ở nhiều nơi trên cả nước.

Hiện tại, cửa hàng của Tiến hoạt động khá ổn định, mỗi ngày bán hơn 3.000 sản phẩm ống hút các loại cho khắp nhà hàng trên cả nước. Bên cạnh đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nhờ được chăm chút khéo léo từ bàn tay của những cô hàng xóm đã thu hút nhiều khách hàng.

Tiến phải từ chối không ít cuộc điện thoại gọi tới đặt số lượng lớn vì anh muốn giữ đúng cái hồn sản phẩm làm thủ công, không muốn mở rộng quy mô hay đưa máy móc vào sản xuất. Dù cho mức thu nhập hàng tháng chỉ dăm ba triệu đồng, nhưng chàng thầy giáo trẻ tuổi đã phần nào thực hiện được một phần mong ước là tạo được sinh kế cho các bà, các chị bằng chính sản phẩm của quê hương mình.

Mấy tháng sắp tới, Tiến sẽ đi học thêm về nghề nông, cách tạo ra sản phẩm từ thiên nhiên và đặc biệt là học về cách trồng, sử dụng những cây thuốc dân gian. Bên cạnh vườn rau xanh mướt mát, Tiến hy vọng mình sẽ có thêm khoảnh vườn nhỏ trồng cây thuốc nam. Đây là niềm ấp ủ từ rất lâu của nam giáo viên công nghệ.

Sống cuộc sống gần gũi thiên nhiên, Tiến thấy mình giống như ông bà, như cha mình thời xưa, những người đã truyền cảm hứng rất nhiều cho anh theo đuổi lựa chọn này. Dành thời gian đời mình tìm về với thiên nhiên, Tiến bảo sẵn sàng đi với nó đến cùng bởi anh tin vào điều mình làm là đúng và hiểu được những giá trị mình tạo nên.

Hoàng Việt

Video: Hoàng Quỳnh

Theo Zing