Chiến dịch ‘đả hổ’ không vùng cấm của Chủ tịch Tập Cận Bình lập kỷ lục mới

03/01/2024 12:55

(VNF) - Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới vào năm ngoái, khi cơ quan giám sát chống tham nhũng của Đảng Cộng sản cầm quyền tiến hành điều tra 45 quan chức cấp cao, theo thống kê của South China Morning Post (SCMP).

z5035434794747-7c80fbbf2513ad6df1fc8c94f3a496f0-1704261174.jpg

Con số điều tra kỷ lục được lập ra 5 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “chiến thắng vang dội” trong cuộc chiến chống tham nhũng, một cuộc trấn áp sâu rộng được phát động vào năm 2013.

Cuộc điều tra đang diễn ra cho thấy ông Tập tiếp tục duy trì nỗ lực chống tham nhũng, làm sạch bộ máy quan chức. Số lượng cuộc điều tra các quan chức cấp cao được tiến hành vào năm 2023 đã tăng 40% so với năm 2022, khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, ghi nhận 32 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao, dựa trên các thông báo chính thức của CCDI.

Hầu hết các đối tượng bị điều tra (thường được gọi là “hổ”) thuộc nhóm quan chức được xem là “cán bộ quản lý trung ương”, nghĩa là họ có chức vụ từ cấp thứ trưởng trở lên. Một số ít hơn trong số họ giữ chức vụ thấp hơn nhưng chiếm giữ những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.

Không giống như cấp dưới được quản lý và giám sát bởi các cơ quan kỷ luật đảng ở địa phương, nhóm quan chức cấp cao chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cơ quan nhân sự cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi sai trái nào, họ sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra cấp cao nhất từ ​​CCDI.

Theo SCMP, 27 trong số 45 cán bộ cấp cao bị cơ quan giám sát kỷ luật giam giữ đã nghỉ hưu khi họ phải đối mặt với cuộc điều tra. Trong đó, có nhiều quan chức có hành vi sai trái vào thời điểm ông Tập chưa nắm quyền.

“Trong số các quan chức bị bắt những năm gần đây, không có nhiều người bị bắt vì tham nhũng khi đang tại vị. Thậm chí có những người bị bắt khi có hành vi phạm pháp hơn 10, 20 năm trước. CCDI không còn tuân theo quy tắc bất thành văn trước đây rằng các quan chức đã nghỉ hưu sẽ không bị điều tra”, ông Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập của Study Times cho hay.

“Hiện không ai được an toàn. Khi ông Tập đào sâu hơn, ông chỉ phát hiện thêm nhiều vấn đề tích tụ trong ba thập kỷ qua do sự phát triển kinh tế nhanh chóng và kỷ luật Đảng lỏng lẻo”, ông Deng chia sẻ thêm.

Theo thống kê của SCMP, tổng cộng 294 quan chức cấp cao đã bị CCDI sa thải trong 11 năm kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động.

Trước năm 2023, kỷ lục được lập vào năm 2014 khi số lượng quan chức cấp cao nhất bị CCDI điều tra lên tới 38 người.

Kể từ năm 2020 đến nay, số lượng quan chức Trung Quốc bị điều tra tăng dần đều hàng năm. Nếu trong năm 2022 là 18 quan chức, đến năm 2021 là 25 quan chức và 32 người vào năm 2022.

Một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Bắc Kinh cho biết có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc “săn hổ” của Trung Quốc sẽ còn mở rộng hơn nữa vào năm 2024.

CCDI sẽ bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ ba từ đầu tuần này để đưa ra các ưu tiên công việc trong năm mới cho hàng chục triệu thanh tra kỷ luật trên cả nước.

Xem thêm >> Ông lớn xe điện Trung Quốc ‘vượt mặt’ Tesla, tham vọng chiếm lĩnh toàn cầu

Theo Minh Đăng/VNF