'Chỗ dựa' để Vingroup đầu tư sản xuất ô tô thương hiệu VINFAST

06/09/2017 14:52

Kế hoạch VINFAST 3,5 tỷ USD đối với Vingroup là một cuộc chơi rất cam go nhưng sẽ là bản lề.

Ban đầu tôi cũng rất sửng sốt về ý tưởng sản xuất ô tô của Vingroup. Nghe về việc này từ mấy tháng trước, nhưng cứ nghĩ đây chỉ mới là ý tưởng, và Vingroup sẽ mua bán - sát nhập hay hợp tác chứ không nghĩ là tự làm. Tuy vậy, sau khi đọc kỹ những phát biểu và các động thái liên quan thì tôi hiểu rằng Vingroup nghiêm túc muốn làm.

Và nếu họ đã nghiêm túc muốn làm, thì chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, thay vì chỉ cảm tính “tự hào dân tộc”, “suy tôn cá nhân” hay chụp mũ bóp chết giấc mơ của người khác một cách hời hợt.

Trong phân tích này, tôi sử dụng những tiêu chí đánh giá rủi ro trong đầu tư vào ngành xe hơi của một tổ chức đánh giá tín dụng, các nghiên cứu về ba thị trường xe hơi nội địa tương đối thành công là Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia và chuỗi giá trị ngành xe hơi để dẫn dắt phân tích.

Trước tiên, đâu là những mấu chốt để thành công trong ngành sản xuất xe hơi? Có nhiều đề xuất khác nhau, tuy vậy không khó để tìm được đồng thuận từ các nhà nghiên cứu xoay quanh các điểm mấu chốt: Vị thế thị trường mạnh; Quản trị vận hành hiệu quả; Nhiều lựa chọn sản phẩm; R&D (nghiên cứu phát triển); Quảng bá và phân phối hiệu quả; Hình ảnh thương hiệu tích cực; Cấu trúc vốn; Dòng tiền ổn định và thanh khoản cao; Mức độ Hợp chuẩn cao.

Sáu khâu quan trọng trong chuỗi giá trị ngành: Các điều kiện tổng thể; R&D (Nghiên cứu - phát triển); Quản trị mua hàng/Nhà cung ứng; Quản trị sản xuất; Logistic (Quản lý hậu cần - vận tải; Quản trị chất lượng

Vị thế thị trường mạnh: Xác suất thành công (của dự án, hoặc của năm tài chính) sẽ càng cao nếu hiện tại thương hiệu đang có thị phần càng cao. Vị thế thị trường là thước đo trung thực nhất vì càng có thị phần, thì các khâu hậu mãi, sửa chữa bảo dưỡng càng tốt trong khi chi phí càng thấp. Chi phí vận hành của chủ xe (OPEX) cũng sẽ thấp hơn, khả năng bán lại xe cũ cũng sẽ vì thế mà dễ dàng hơn. Người mua vì vậy sẽ càng an tâm mua (rào cản tâm lý thấp). Đây chính là công thức thành công của Toyota ở Việt Nam trong 30 năm vừa qua.

Quản trị vận hành hiệu quả: Với năng lực quản trị vận hành tốt, doanh nghiệp sẽ có khả năng đưa ra thị trường sản phẩm trong thời gian ngắn hơn hoặc với chi phí thấp hơn. Doanh nghiệp nào có năng lực này tốt hơn, doanh nghiệp đó có khả năng thành công cao hơn. Trong phần này, Vingroup không chỉ chưa bao giờ sản xuất xe, mà còn chưa bao giờ sản xuất bất kỳ sản phẩm có độ chính xác cao nào.

Tuy vậy, chúng tôi đánh giá cao văn hoá doanh nghiệp, tư duy đúng ngay từ đầu và khả năng kiểm soát quy trình hoạt động ở mức độ cao của Vingroup trong các dự án bất động sản, du lịch và hy vọng họ sẽ mang được văn hoá ấy qua mảng xe hơi. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều nhân sự từ ngành công nghiệp xe hơi cũng sẽ mang về một số kinh nghiệm và tiết kiệm cho Vingroup đáng kể chi phí đi đến thành công.

Nhiều lựa chọn sản phẩm: Quan sát bình thường chúng ta cũng sẽ thấy rằng chi phí để thuyết phục khách hàng đến showroom, rồi thuyết phục họ mua xe chiếm tỷ trọng rất cao trong chi phí một chiếc xe. Do đó, doanh nghiệp với nhiều dòng sản phẩm hơn sẽ có khả năng có được khách hàng với chi phí thấp hơn, lọt sàng xuống nia.

Năng lực nghiên cứu & phát triển mạnh: Những người quan tâm đến ngành công nghiệp xe hơi biết rằng tỷ trọng chi phí nghiên cứu và phát triển trong ngành là cực cao. Đó là lý do mà các hãng xe lập các liên doanh hay ký các hợp đồng chia sẻ kết quả nghiên cứu, thậm chí sử dụng động cơ và khung gầm chung với các hãng khác. Các liên doanh/liên minh kiểu Nissan Renault, Mazda Ford, BMW Toyota, Toyota Suzuki, Honda Rover, Suzuki Volkswagen, Suzuki Fiat,… một phần là để giảm chi phí R&D trong cơ cấu giá thành của doanh nghiệp.

Cho dù chúng tôi hiểu được rằng Vinfast đang cố gắng đi tắt trong việc sử dụng nhân sự của Bosch (một trong những nhà cung cấp phụ tùng & sửa chữa bảo dưỡng lớn nhất), BMW (một trong những hãng xe lớn nhất)… là một phần để tận dụng mối quan hệ, hiểu biết, và thậm chí đặt mầm móng thiết lập những liên minh/liên doanh với các hãng ấy. Tuy vậy, trừ phi lấy nguyên một mẫu xe về, sửa sửa ngoại thất rồi gán cho một cái tên Việt Nam, còn nếu đã muốn làm nghiêm túc, cho dù đã đứng trên lưng người khổng lồ, thì câu chuyện nghiên cứu phát triển không phải là chuyện của 1-2 năm.

Quảng bá và Phân phối hiệu quả: Doanh nghiệp cần tạo được nhận biết tốt cho nhóm khách hàng mục tiêu, xây dựng được hệ thống phân phối hiệu quả đến từng nhóm khách hàng ấy, và có thông điệp/gói hỗ trợ hấp dẫn giúp phân khúc đó mua xe dễ dàng.

Dễ thấy rằng Vingroup đang có một danh sách khách hàng tiềm năng khổng lồ, những người đang sử dụng bất động sản, du lịch, khám bệnh hay có con đi học tại các doanh nghiệp thành viên. Vingroup cũng có quá nhiều địa điểm đẹp để mở các showroom phân phối. Do đó, Vingroup sẽ có một lợi thế nhất định.

Tuy vậy, Vingroup vẫn cần lưu ý về hoạt động marketing. Hiệu quả và thành công của Vingroup đến nhiều hơn từ tư duy trên tầm, khả năng chịu nhiệt, chất lượng sản phẩm dịch vụ vượt trội so với những nhà cung cấp nội địa khác hơn là từ khả năng marketing của họ. Nhiều dự án chưa được coi là thành công một phần vì marketing chưa tới: thời trang, Adayroi, VinMart,… cho dù họ chi không ít tiền.

Thêm vào đó, những người trong danh sách đó liệu có là khách hàng của VINFAST không còn phụ thuộc vào định vị thị trường của họ. Câu chuyện này có lẽ sẽ gần giống ở Trung Quốc khi mà phân khúc trung và giàu sẽ mua xe ngoại còn phân khúc trung thấp mua xe nội địa. Nhưng ai trong số phân khúc trung thấp đó ở nhà Vinhomes? Và nếu có, thì liệu chừng thông điệp “yêu hàng Việt Nam chất lượng cao” có đủ để họ chịu xuống tiền hay không?

Cũng cần lưu ý thêm rằng việc rất hiếm hãng xe trên thế giới sở hữu hệ thống phân phối không phải là không có lý do. Nhiều đất, nhiều danh sách khách hàng tiềm năng không quyết định hoàn toàn việc sẽ phân phối hiệu quả.

Hình ảnh thương hiệu tích cực: Người mua xe cảm thấy an tâm hơn với một doanh nghiệp gắn liền với an toàn, trách nhiệm và chất lượng cao. Ở khía cạnh này, Vingroup tương đối tạo được hình ảnh rất tốt nhất là trong các lĩnh vực bất động sản và sản phẩm nghỉ dưỡng. Tuy vậy, xe hơi là một sản phẩm đặc biệt với độ chính xác cực cao, cần làm tốt ngay từ đầu. Và xe hơi cũng không đứng yên một chỗ.

Cấu trúc vốn: Ngành xe hơi là một ngành hút vốn khổng lồ, và đặc thù khác hẳn với ngành bất động sản. Trong ngành bất động sản, nhiều nhà phát triển có thể mua một mảnh đất nông nghiệp với giá khoảng vài tô phở/m2, xây dựng dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng và định giá lại với giá 20-30 triệu/m2, thế chấp cho ngân hàng để lấy tiền thực hiện dự án. Làm chưa xong hoặc cùng lắm là vừa xong móng, đã bán cho khách hàng (nhiều khi còn giúp khách hàng vay tiền ngân hàng để mua, tức là một tài sản được thế chấp 2 lần). Trong ngành xe hơi, bạn phải có xe rồi thì mới bán được (ngoại trừ Tesla bây giờ và Toyota tại Việt Nam hồi 15 năm trước). Thậm chí, xe phải nằm ở showroom kha khá thời gian đồng nghĩa với ngốn vốn rất dài.

Số tiền đầu tư vừa nhiều, vừa dài nên cấu trúc vốn khác nhau là ngay lập tức hiệu quả sẽ khác hẳn. Hãy hình dung số tiền 1-2 tỷ USD vay bằng ngoại tệ, liệu chừng trong suốt 5 - 7 năm vay ấy liệu có bị rủi ro gì về biến động tỷ giá hay không? Do đó, phát biểu của lãnh đạo Vingroup về việc muốn huy động nguồn trong nước, cho dù phải trả lãi suất cao hơn cũng là một hướng đi khá hợp lý.

Dòng tiền ổn định và thanh khoản cao: Như đã phân tích ở phần trên, ngành công nghiệp xe hơi đòi hỏi số tiền lớn trong thời gian dài. Do đó, nếu doanh nghiệp không đủ "trường vốn”, hoặc không có dòng thu tốt thì sẽ là thảm hoạ.

Trong trường hợp của VINFAST, họ sẽ còn tệ hơn các doanh nghiệp hiện hữu trong ngành vì họ mới bắt đầu và chưa có dòng thu đáng kể trong ít nhất 3-4 năm nữa. Tuy vậy, nếu nhìn trong ngữ cảnh của Vingroup thì họ được hỗ trợ bởi những dòng tiền tươi của mảng du lịch, và thậm chí chiếm dụng được vốn (của nhà cung cấp ở Vinmart, hay của khách hàng ở mảng bất động sản). Nhưng cho dù như vậy thì cũng sẽ vẫn là một áp lực lớn cho bộ phận tài chính của Vingroup để xoay nguồn.

Mức độ hợp chuẩn cao: Việc tương thích với các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và môi trường nghiêm ngặt là bắt buộc để gia nhập nhiều thị trường. Với việc mới đầu tư công nghệ và với tầm nhìn hướng đến tương lai, Vingroup có nhiều lợi thế hơn các hãng hiện hữu khi không phải chịu gánh nặng hệ thống hiện tại. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng: những gì hứa, tuyên bố hay theo đuổi chỉ mới là một vế của vấn đề, vế còn lại là phải sản xuất được sản phẩm thực sự đạt được tiêu chuẩn ấy. Việc này thì Vingroup sẽ phải còn cố gắng nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể. Nhất là khi liên hệ với những gì họ đã làm được trong các ngành khác.

Quản trị Mua hàng/Nhà cung ứng - Quản lý hậu cần - Vận tải: Không ai sản xuất xe mà lại đi làm từng con ốc nhỏ. Ngành xe hơi luôn cần ngành công nghiệp hỗ trợ rất mạnh. Với hơn 30 ngàn phụ tùng khác nhau để tạo nên một chiếc xe, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ là rất yếu thì ai ở Việt Nam sản xuất xe rồi cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Thế nên, cho dù năng lực Quản trị mua hàng & Quản lý nhà cung ứng của Vingroup là rất tốt thì thách thức cũng không hề ít.

Cho dù ta đã thấy được tầm nhìn của Vingroup khi xây nhà máy ngay cảng nước sâu, thuận lợi giao thông cho hàng hoá nhập và xuất, gần nhà máy lốp xe và nhiều đơn vị phụ trợ khác (trung tâm xe hơi Nhật ở Vĩnh Phúc cũng chỉ cách hơn 2h xe chạy) thì hiệu quả cũng sẽ khó cao được. Nhất là ngành xe hơi là ngành mà quy mô kinh tế khá ảnh hưởng, biểu hiện qua giá cả vật tư, phụ tùng, sẽ rất cao nếu không đạt đến mức đặt hàng tối thiểu.

Các điều kiện tổng thể: Công nghiệp cơ khí trước đây, và công nghiệp ô tô bây giờ, thường được coi là biểu hiện của một nền kinh tế mạnh (cho dù điều ngược lại là không hẳn sẽ đúng). Và do đó, nhiều quốc gia và địa phương tìm cách ưu đãi để phát triển các ngành này. Những ưu đãi về cấp đất, giao thông, đào tạo nguồn lực lao động, ưu đãi thuế hay các khoản vay lãi suất thấp dưới các lý do nào đó… là luôn có.

Cách đây chưa lâu, Toyota doạ sẽ rút khỏi Việt Nam để nếu không được đánh đổi bởi những khoản ưu đãi đến nhiều tỷ USD cũng là một biểu hiện như vậy. Do đó, nếu VINFAST hay ngành ô tô nội địa Việt Nam có thương lượng được điều khoản có lợi thì cũng không đến mức ngỡ ngàng, và sẽ cực kỳ ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của dự án này.

Lời kết:

Tham vọng làm xe của Vingroup không phải là không có căn cứ.

Khả năng sản xuất ra xe hơi của Vingroup là hoàn toàn có. Nhất là nếu họ sử dụng lại khung gầm, động cơ và một số phần cấu kiện quan trọng từ các hãng khác và tập trung vào phần “nội - ngoại thất”.

Chiếc xe của Vingroup sẽ khó cạnh tranh được với các lựa chọn tương đương khác do giá còn chát và hàng rào chống thâm nhập cao. Nếu Vingroup sử dụng đồng bộ hệ thống của Bosch thì xe của VINFAST có thể được chẩn đoán, sửa chữa và bảo dưỡng, thay phụ tùng ở các cửa hàng/đại lý của Bosch và tương thích. Điều này cực kỳ quan trọng với Vingroup trong thời gian đầu. Nhưng điều đó cũng không đủ giúp cho VINFAST thành công.

Sử dụng hiệu quả (và/hoặc) kết hợp sẽ là nơi mà Vingroup. Hãy hình dung xem việc gì sẽ xảy ra nếu mức thuế tiêu thụ đặc biệt (hay thuế môi trường) cho các xe có tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở xuống rất cao (VINFAST tuyên bố hợp chuẩn Euro 5). Và cũng đừng quên rằng VINFAST không chỉ sản xuất xe hơi mà còn có cả những xe đạp điện. Việc gì sẽ xảy ra nếu xe máy bắt đầu bị hạn chế trong các thành phố lớn? Việc gì nếu ngành quốc phòng hay an ninh sử dụng xe của VINFAST vì lý do đặc biệt logic nào đó?

Tất cả điều đó đều hợp lý và có khoa học, mấu chốt chỉ ở thời điểm triển khai mà thời điểm thì thực ra càng sớm càng tốt hơn cho đất nước này mà thôi.

Nếu tôi là Vingroup, tôi sẽ không bao giờ đầu tư vào làm động cơ mà sẽ mua sử dụng lại trong khoảng vài chu kỳ đầu, học tập và tích luỹ rồi đợi đến lúc động cơ ô tô điện trở nên rẻ và phổ biến hơn thì đầu tư thẳng vào. Lúc đó, xác suất thành công trong thị trường nội địa là cao. Còn thị trường khu vực thì không phải là không có khả năng.

Cho dù như vậy, cuộc chơi này cũng rất cam go nhưng sẽ là bản lề.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI)tại Việt Nam, Chuyên gia tư vấn cao cấp & Tổng giám đốc Đông A Solutions