Chủ mới Xe đạp Thống Nhất và 'hệ sinh thái' VSD Holdings

20/03/2019 21:43

Doanh nhân năm nay bước sang tuổi 30 với năng lực của bản thân và nền tảng vững chắc của gia đình đang dần gây dựng được tên tuổi trong giới đầu tư.
xe-dap-thong-nhat-va-nhung-manh-dat-vang-say-ngu

Trụ sở Xe đạp Thống Nhất tại 10B Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chủ tịch 27 tuổi

Tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu của CTCP Thống Nhất Hà Nội diễn ra ngày 26/12/2016, không ít đại biểu cảm thấy tò mò với sự hiện diện của một nam thanh niên trẻ tuổi ngồi ở hàng ghế trang trọng.

Sự tò mò xen lẫn khó hiểu được giải đáp phần nào, khi người thanh niên thời điểm đó mới 27 tuổi được bầu làm Chủ tịch HĐQT Thống Nhất, thay cho đại diện của nhà nước là ông Nguyễn Hữu Sơn (xuống làm Thành viên HĐQT).

Danh tính của tân Chủ tịch HĐQT Thống Nhất là ông Vũ Ngọc Tú - được giới thiệu là Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng Long.

Đại Hoàng Long - một doanh nghiệp thuộc hàng "ngáo ộp" ở Bắc Ninh, lúc này đã là cổ đông chiến lược, giữ 41,69% vốn của công ty gắn liền với thương hiệu xe đạp Thống Nhất. Dù ít hơn tỷ lệ sở hữu của UBND TP. Hà Nội (45%), song diễn biến ông Vũ Ngọc Tú dễ dàng thế chân "người" của Nhà nước trong Đại hội cổ đông cuối năm 2016 là tín hiệu cho thấy số lẻ 13% cổ phần còn lại trong Thống Nhất nhiều khả năng cũng đã được nhóm cổ đông đến từ Bắc Ninh "gom" nốt. Lưu ý rằng người đại diện theo pháp luật của Đại Hoàng Long cũng là một doanh nhân họ Vũ - ông Vũ Quốc Hùng.

Kể từ thời điểm đó, thông tin về Xe đạp Thống Nhất "nhạt" dần, dù theo quy định, doanh nghiệp này phải đại chúng hoá và niêm yết cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, doanh nhân trẻ tuổi gây tò mò năm nào nhanh chóng trở thành cái tên đáng chú ý trong giới đầu tư tài chính.

Đề cập thêm về Chủ tịch mới của Xe đạp Thống Nhất, ông Vũ Ngọc Tú sinh tháng 12/1989 tại Tân Yên, Bắc Giang. Ông có thời gian khá dài (4 năm) tu luyện và lấy bằng cử nhân tài chính kế toán ở Đại học Newcastle (Australia).

Về nước năm 2012, ông Tú có 1 năm công tác ở Chứng khoán MaritimeBank, rồi làm Trợ lý Hội đồng thành viên tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi Sao Xanh cho tới tháng 5/2014. Từ giữa năm 2014 đến tháng 5/2016, ông là Giám đốc Tài chính cho CTCP Môi trường Thuận Thành.

Với kiến thức và kỹ năng tích luỹ được trong 4 năm về nước, tháng 6/2016, ông thành lập CTCP Đầu tư VSD, đặt trụ sở tại phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh.

Công ty riêng của ông Vũ Ngọc Tú hoạt động theo mô hình holding, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó mình ông Tú bỏ ra 499,5 tỷ đồng, chiếm 99,9%, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thoa góp 250 triệu đồng (0,05%).

Một trong những thương vụ "đầu tay" của VSD Holdings là mua 1,57 triệu cổ phần CTCP Cấp thoát nước Long An (mã chứng khoán: LAW) vào đầu tháng 9/2016. Bên bán chính là...ông Vũ Ngọc Tú. Tháng 6/2017, VSD Holdings lại sang tay toàn bộ cổ phần cho CTCP Đầu tư Ngành nước DNP.

Tìm hiểu của người viết cho thấy đây thực chất là một "công đoạn" trong quá trình mua gom cổ phiếu LAW hậu cổ phần hoá của một nhóm nhà đầu tư. Hiện nay, Đầu tư Ngành nước DNP đang nắm 37,15% vốn LAW, chỉ xếp sau UBND tỉnh Long An (60%).

Bản thân ông Vũ Ngọc Tú và Ngành nước NDP đã cùng nhau xuất hiện trong danh sách chào mua 93% phần vốn của CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình hồi đầu năm, đã được Nhadautu.vn thông tin trong một bài viết gần đây.

Một thương vụ đáng chú ý nữa của VSD Holdings là thâu tóm Nhựa Đồng Nai, sẽ được đề cập cụ thể trong một dịp khác.

dnp4 (2)

Đằng sau những thương vụ của VSD Holdings là tham vọng rất lớn trong mảng cấp nước của một nhóm nhà đầu tư đến từ Bắc Ninh - Bắc Giang

"Rơi vãi" đất vàng

Trở lại với Xe đạp Thống Nhất, trước khi về tay Đại Hoàng Long, doanh nghiệp này cũng đã mang tài sản có giá trị nhất của mình - lô đất gần 18.000m2 tại 82 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) góp vốn làm dự án với Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt - công ty con của Đại Hoàng Long. Biết thêm rằng Bắc Việt không phải cái tên đầu tiên "vào" lô đất vàng này, mà là Tập đoàn Đầu tư Tài chính Thái Bình (trước là Công ty TNHH Nhân Hoà) - đối tác của Xe đạp Thống Nhất tại dự án 198B Tây Sơn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, tờ trình do ông Vũ Ngọc Tú ký đã đề xuất thoái hết 30% vốn của Thống Nhất trong liên doanh với Bắc Việt. Lý do khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả, dù đã bỏ ra 117 tỷ đồng song chưa nhận được lợi tức, cổ tức sau cổ phần hoá.

Không rõ tờ trình có được ĐHĐCĐ (hay cụ thể hơn là người đại diện phần vốn của UBND TP. Hà Nội) thông qua hay không. Lô đất gần 1,8ha là điển hình cho thực trạng "rơi vãi" đất vàng ở Hà Nội: Các doanh nghiệp nhà nước góp đất làm dự án với tỷ lệ vốn thấp, không đủ quyền phủ quyết (ít nhất 36%), để rồi âm thầm thoái vốn bằng nhiều cách thức.

Trước đó, Xe đạp Thống Nhất cũng đã mang 441m2 đất tại 198B Tây Sơn (Đống Đa) góp vốn với Tập đoàn Thái Bình, 329,7 m2 đất tại số 10 Tràng Thi (Hoàn Kiếm) góp vốn thành lập liên doanh CTCP Địa ốc Viha.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu nhiều lô đất có giá trị lớn khác như 800 m2 tại số 10B Tràng Thi (Hoàn Kiếm), 454,7 m2 tại số 4 ngõ 260 Cầu Giấy (Cầu Giấy), hai lô đất lần lượt 17.428 m2 và 4.469 m2 tại xã Thanh Liệt (Thanh Trì), 10.000 m2 Lô A2CN3 Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm. Tất cả đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá.

Hé lộ thân thế

Quá trình học tập ở nước ngoài cùng nhiều năm làm việc trong nước phần nào chứng minh cho năng lực của ông Vũ Ngọc Tú. Dù vậy, việc có được nguồn tiền lên tới nửa nghìn tỷ đồng để thành lập VSD Holdings khiến không ít người băn khoăn về thân thế của doanh nhân đời cuối 8x này.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, ông Tú là con trai đầu của doanh nhân Vũ Văn Đắc - chủ sở hữu CTCP Môi trường Thuận Thành và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh - hai "ông trùm" trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở Bắc Ninh. Đây cũng là những đơn vị mà ông Vũ Ngọc Tú đã có nhiều năm làm việc sau khi du học về nước.