Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương

08/03/2019 23:13

Trước khi Công ty Golden Sun trở thành nhà phân phối độc quyền kim cương Korloff ở Việt Nam, không có ai muốn làm điều tương tự. Lý do là kinh doanh kim cương nhập khẩu từ nhiều nguồn đòi hỏi đầu tư ít hơn và lợi nhuận cũng đến nhanh hơn.


Trước khi Công ty Golden Sun trở thành nhà phân phối độc quyền kim cương Korloff ở Việt Nam, không có ai muốn làm điều tương tự. Lý do là kinh doanh kim cương nhập khẩu từ nhiều nguồn đòi hỏi đầu tư ít hơn và lợi nhuận cũng đến nhanh hơn.

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 1.

Khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Thanh Thủy chưa từng nghĩ mình sẽ làm kinh doanh sau này. Là sinh viên trường luật nhưng tính hơi khép kín, lại thiếu quyết đoán, Thủy cũng bất ngờ vì những ngã rẽ sau này của chính mình.

Tốt nghiệp đại học, Thủy vào công tác tại Công ty xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long. Làm ở bộ phận pháp chế nhưng do thiếu kiến thức về ngoại thương nên Thủy được công ty cử đi học văn bằng 2 Đại học Ngoại thương, khoa Kinh tế Ngoại thương.

Sau 5 năm làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu ở thời Nhà nước vẫn còn độc quyền chưa mở cửa cho tư nhân, Thủy cũng tích luỹ được một số vốn kiến thức nhất định. Trong thời gian khá dài nghỉ sinh con, Thủy thử sức với việc buôn bán quần áo nhập khẩu. Hết thời gian nghỉ sinh, Thủy xin thôi việc tại công ty cũ để tập trung hoàn toàn vào việc kinh doanh riêng.

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 2.

Vào những năm 2000, nhờ kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu, có cơ hội đi nước ngoài nhiều lần, Thủy phát hiện ra mô hình kinh doanh thời trang cao cấp theo chuỗi chưa xuất hiện ở Hà Nội. Doanh nhân này quyết định mở chuỗi thời trang cao cấp Sunny Fashion với địa điểm được đặt trên mặt tiền các con phố lớn của thủ đô như Quán Thánh, Chùa Bộc, Nguyễn Sơn….

"Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là mình đã đi nước ngoài nhập hàng về bán thì phải số lượng lớn mới có hiệu quả và nên làm nhiều cửa hàng. Nhưng sau này đi nhiều thì phát hiện ra đó là một mô hình kinh doanh thịnh hành quốc tế rồi và sự nhạy cảm của mình đã đi đúng xu thế", doanh nhân này cho biết.

Tại Hà Nội khi đó, Sunny Fashion là chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp hiếm hoi, bởi kinh doanh thời trang lúc đó hầu hết là tự phát. Mô hình chủ yếu trên thị trường là bán đủ mọi thứ mặt hàng thời trang và đủ các thương hiệu trong một cửa hàng.

Ngoài việc lập chuỗi, Nguyễn Thanh Thủy còn tạo hiệu ứng với việc tổ chức show, tham gia các chương trình thời trang lớn, liên kết chụp hình với các tờ báo đình đám thời đó như Hoa học trò, Tiền Phong, Thời trang trẻ… với nhiều tên tuổi nổi bật trong làng mẫu như Hồ Ngọc Hà, Thu Trang… Ngày ấy, hàng thời trang cao cấp ở Hà Nội rất khan hiếm, mỗi khi Sunny Fashion có bộ sưu tập mới về, khách hàng đến chọn mua đồ rất đông.

Sự kiện đáng nhớ nhất khi còn làm Sunny Fashion của Nguyễn Thanh Thủy là show diễn năm 2005 tại Triển lãm Giảng Võ. Những trang phục mang tới trình diễn được bán sạch dù đều là sản phẩm giá rất cao (hơn 5 triệu đồng cho một chiếc áo khoác lông). Thậm chí, ngay cả trang phục mà Thủy đang mặc khách hàng cũng rất thích và đòi mua cho bằng được.

Đang rất thành công với chuỗi thời trang cao cấp, Nguyễn Thanh Thủy gặp một biến cố trong đời sống cá nhân. Người phụ nữ vốn không có tính quyết đoán năm xưa lại trở nên rất quyết liệt vào thời điểm đó. Sau 10 năm gắn bó, Thủy quyết định rút khỏi Sunny Fashion, từ bỏ tất cả để ra đi…

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 3.

Khởi nghiệp lần thứ 2, Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu gần như "tay trắng" với vốn mở cửa hàng vay từ gia đình và bạn bè. Một số bạn bè trước đây từng được Thủy giúp đỡ, chủ động liên lạc và đề nghị hỗ trợ khi biết Thủy quay lại kinh doanh thời trang.

Ở lần trở lại này, Thủy không làm thời trang nữ nữa mà chọn Barishidi Paris (một thương hiệu thời trang Pháp cao cấp chuyên dành cho nam giới) với một showrom tại Trung tâm thương mại The Garden vào năm 2011. Thuỷ tâm sự: "Đó là một dấu mốc quan trọng với tôi về mặt tinh thần nhiều hơn là kinh doanh. Bởi vì sau này, không có gì khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng được nữa... Trước đó, thiếu vốn, thiếu nhân sự hỗ trợ, cộng với những biến động quá lớn từ đời tư đã khiến tôi không ít lần có suy nghĩ rất tiêu cực về cuộc sống".

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 4.

Thực tế, việc lựa chọn thời trang nam cao cấp của Pháp cũng bắt nguồn từ một phát hiện khác của Thủy, tương như như việc lập chuỗi với Sunny Fashion ngày trước.

Thời điểm đó, nhu cầu về thời trang cao cấp của nam đang tăng nhưng hàng hoá trong nước không đủ đáp ứng. Hàng dạng xách tay chủ yếu tập trung vào xuất xứ Ý, Mỹ, Hàn Quốc và Hồng Kông.  Riêng thời trang Pháp chỉ tập trung ở mặt hàng dành cho nữ giới. "Ý thức thương hiệu của người Việt ngày càng nâng cao và đó là lý do để Barishidi Paris xuất hiện tại Việt Nam", Thủy chia sẻ.

Thế nhưng, câu chuyện thời trang của Nguyễn Thanh Thủy không chỉ có thành công. Mondo là một thương hiệu thời trang được Thủy đánh giá rất cao về chất lượng, phong cách, mẫu mã và quyết định đưa về Việt Nam. Thế nhưng, chỉ đến khi phân phối, tiếp cận thực sự với thị trường trong nước, Thủy mới nhận ra size của hãng quá lớn so với người Việt Nam.

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 5.

"Sai lầm này không chỉ tôi mắc phải, một số hãng khác cũng bị vướng vấn đề quan trọng này. Hàng hoá rất được ưa chuộng, thương hiệu tốt nhưng mua về chỉ để đi tặng, người này tặng lại người kia và sử dụng thực sự được thì rất ít. Và tôi nhanh chóng quyết định chấm dứt sai lầm này, chấp nhận khoản lỗ lớn với 2 showroom lớn ở Hà Nội và TPHCM".

Cũng kể từ đó, công ty phân phối thời trang do Thủy đứng đầu trở nên rất cẩn trọng với vấn đề "châu Á hoá size". Đây trở thành một điều khoản bắt buộc đối với hãng thời trang mà Thủy hợp tác.

Đến nay, Công ty Golden Sun do Thủy làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đã có hệ thống 8 cửa hàng phân phối Barishidi Paris ở phía Bắc và khá đông khách. Không ít khách hàng nam đã gắn bó với thương hiệu này từ khi Golden Sun bắt đầu phân phối chính thức tại Việt Nam. Hiện giờ, họ quen thuộc với thương hiệu này đến mức không cần ra cửa hàng để thử nữa chỉ cần xem mẫu mới, màu, kiểu và chọn đặt mua luôn...

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 6.

Công ty Golden Sun do Nguyễn Thanh Thuỷ làm Chủ tịch HĐQT có nhiều mảng kinh doanh như phân phối hàng thời trang cao cấp, đồ trang sức, kim cương, đồng hồ. Ngoài ra, nữ doanh nhân này còn tham gia góp vốn vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, xuất bản sách… Trong số đó, kim cương là lĩnh vực mà Thủy dành sự kiên trì nhiều nhất và cũng khó khăn nhất.

Trở thành nhà phân phối độc quyền kim cương Korloff từ năm 2015, Thủy mất 2 năm đầu tiên vật lộn để tìm hướng đi cũng như đau đầu với khoản lỗ không nhỏ từ mảng kinh doanh mới. Hai năm đầu tiên, Golden Sun chỉ bán được các đồ trang sức được coi là "lặt vặt" với thương hiệu kim cương cao cấp hàng đầu thế giới (giá trị dưới 500 triệu đồng). Trong khi đó, chi phí để thuê địa điểm, nhân viên, vốn, chi phí marketing… lại lớn hơn nhiều so với các sản phẩm hàng hiệu khác.

Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ, kim cương Korloff thuộc phân khúc rất cao cấp nên đối tượng cực hẹp. Họ khó tính và cân nhắc rất kỹ khi mua. Thêm nữa, nhiều người mua cũng không muốn người khác biết cũng như giấu nguồn gốc nơi mua hàng nên việc truyền thông cho sản phẩm là rất khó khăn.

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 7.

Chủ tịch Golden Sun bổ sung: "Với hàng hóa khác thì việc mời khách khi tổ chức sự kiện không quá khó. Trong khi đó, với Korloff thì siêu khó vì những người thuộc tầng lớp mua được sản phẩm không thích xuất hiện ở chỗ bị người khác thấy".

Chưa hết, điểm mạnh của Korloff là thương hiệu với huyền thoại kim cương đen duy nhất thế giới nặng 88 carats, công nghệ cắt độc quyền 73 và 88 mặt cắt… nên giá cao hơn, lại không phải là sản phẩm theo trào lưu nên càng khó bán.

Thế nhưng, sau hơn 2 năm tìm nhiều cách, nữ doanh nhân này đã bắt đầu tìm thấy đường đi. Từ cuối năm 2017, Golden Sun đã bán được những sản phẩm trên 500 triệu đồng và gần đây là bộ trang sức trị giá gần 20 tỷ đồng.

Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi phải kiên trì với Korloff, Thủy nói: "Giai đoạn 2015- 2017 có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những người kinh doanh hàng cao cấp đều thấm thía rằng ngành hàng này ngốn rất nhiều ngân sách để duy trì.  Nếu không vững ý chí, không thực sự say mê thì không có cách gì trụ được. Với Korloff, tôi hiểu rằng mình phải kiên nhẫn từ 3 năm trở lên để thuyết phục được thị trường. Sự kiên nhẫn của tôi cho đến nay đã có kết quả".

Người phụ nữ "cứng đầu" với kim cương chia sẻ: "Thực tế, nếu không đầu tư vào Korloff, cơ hội kiếm lợi nhuận của tôi ở các ngành khác cao hơn rất nhiều, chứ không phải lỗ. Tuy nhiên, khi làm mảng kim cương, tôi không kỳ vọng quá nhiều vào kết quả kinh doanh trong ngắn hạn và khá thoải mái vì đó là ngành hàng mà mình thích làm".

"Cũng có người nói đùa tôi là bị hâm khi cứ cố gắng mãi với một mảng kinh doanh quá khó nhằn và rất khó đem lại lợi nhuận. Tuy nhiên, tôi thì thấy là được làm điều mình thích thì dù có thiệt thòi đôi chút cũng vẫn làm. Còn nếu phải làm điều mình không yêu thích thì có lợi nhuận cao tôi cũng không mặn mà. Cuối năm nay, tôi sẽ mở thêm một Boutique cho Korloff tại thành phố Hồ Chí Minh...".

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 8.

Đầu năm 2018, Korloff công bố chính thức về kim cương K-cut - một công cụ đầu tư tài chính. Sau khi tìm hiểu, Thuỷ đề xuất hãng được học nâng cao về kim cương và kim cương đầu tư. Cuối năm 2018, sau khi tham dự khoá học do Korloff mở tại trung tâm kim cương thế giới tại Bỉ, Nguyễn Thanh Thuỷ đã quyết định mở thêm một nhánh khác cho việc kinh doanh sản phẩm của Korloff: kim cương đầu tư.

Giải thích về quyết định của mình, Thuỷ cho biết: Không ít người Việt Nam mua những viên kim cương tự nhiên khá lớn (trên 7 carat) để gắn lên trang sức. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng viên đá đó có thể đem lại lợi nhuận cho họ khi bán ở sàn giao dịch kim cương trên khắp thế giới chứ không phải chỉ bán lại được với 95-97% giá đã mua cho người bán.

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 9.

"Tôi nhìn thấy một cơ hội thị trường không nhỏ cho kim cương đầu tư mà những khách hàng tiềm năng nhất chính là những người từng mua kim cương tự nhiên cỡ lớn gắn trên trang sức", Thuỷ tiết lộ.

Doanh nhân này phân tích, lâu nay, hầu hết mọi người mua kim cương chỉ để làm trang sức, kể cả người mua viên cỡ lớn. Nếu giờ họ biết là các sản phẩm này còn có thể tăng giá trong tương lai và có thể bán lại dễ dàng với giá cao hơn ở sàn giao dịch kim cương thì góc nhìn của họ sẽ thay đổi.

Ở Việt Nam, nếu nói đến kim cương rời, cỡ lớn được phân phối chính hãng thì Korloff đang là thương hiệu duy nhất. Nhiều công ty khác cũng có kim cương cỡ lớn nhưng chủ yếu dành cho việc gắn lên trang sức chứ không tập trung như một sản phẩm đầu tư.

Cách đây vài năm, một người kinh doanh kim cương có thâm niên ở Việt Nam đã bán một viên 6,5 carat cho khách hàng với giấy chứng nhận và cam kết mua lại 95% giá trị. Thế nhưng, người khách khi đi bán lại viên kim cương đó ở sàn giao dịch Singapore mới phát hiện ra, đó không phải là kim cương tự nhiên. Giấy tờ đảm bảo thì đúng nhưng viên kim cương thì đã bị đánh tráo…

"Trên thế giới, kim cương là một loại hình đầu tư có độ an toàn cao, với triển vọng lợi nhuận ổn định dù không cao. Đầu tư vào kim cương cũng đã phát triển và thịnh hành ở nhiều quốc gia châu Á, châu Âu. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể đầu tư thành công nếu bạn mua được kim cương tự nhiên thật và việc chọn các thương hiệu có uy tín, chính hãng là điều nên làm để tránh rủi ro", Chủ tịch HĐQT Golden Sun cho biết.

 Chủ tịch HĐQT Golden Sun: Người đàn bà “cứng đầu” với kim cương - Ảnh 10.

Những khách hàng đầu tiên cho mảng kim cương đầu tư của Golden Sun cũng đến nhanh hơn so với dự kiến của Thuỷ. Đó là những vị khách vốn có quá nhiều tài sản nhưng cần thêm một hình thức đầu tư tài sản an toàn, gọn nhẹ và dễ dàng chuyển thành tiền mặt ở nhiều nơi. Và viên kim cương lớn nhất của Korloff mới được bán ra thị trường có trị giá tới 46 tỷ đồng....


Theo Hoàng Ly

Trí Thức Trẻ