Chủ tịch thủy sản Minh Phú: Hành trình từ đại gia miền Tây thành 'vua tôm'

03/12/2018 11:18

Vợ của ông Lê Văn Quang là bà Chu Thị Bình - người vừa đòi lại được 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm suýt 'mất oan' tại ngân hàng Eximbank.

Vợ của ông Lê Văn Quang là bà Chu Thị Bình - người vừa đòi lại được 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm suýt 'mất oan' tại ngân hàng Eximbank.

Có thể nói, câu tục ngữ "tam nam bất phú, tứ nữ bất bần" khá chính xác đối với con đường sự nghiệp của tỷ phú Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã CK: MPC). Cái tên tập đoàn xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam cũng được đặt theo tên của "ái nữ" nhà ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình (Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc MPC).

Ông Quang và bà Bình có 4 người con gái là Lê Thị Diệu Minh, Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Quí và Lê Thị Minh Ngọc. Theo thống kê tài sản trên sàn chứng khoán (dựa theo số cổ phiếu các cá nhân sở hữu), tổng tài sản của nhà tỷ phú Lê Văn Quang là gần 4.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng thêm, dựa theo tiềm năng của giá cổ phiếu MPC thời gian tới.

Chủ tịch tập đoàn thủy sản Minh Phú sinh năm 1958, từng là cán bộ kỹ thuật thủy sản làm trong doanh nghiệp Nhà nước, nhưng với những cơ chế còn nhiều ràng buộc, năm 1988, ông quyết định rẽ sang con đường riêng: làm đại lý thu mua tôm cho một doanh nghiệp tư nhân.

Khi đó, phần lớn doanh nghiệp Nhà nước đều phải mua tôm theo giá quy định của bộ Thủy sản. Chẳng hạn, tôm thẻ loại từ 41-90 con mỗi kg có giá 8.000 đồng/kg. Ông nhận ra rằng từ loại tôm nguyên liệu này có thể chế biến tôm thành phẩm (còn vỏ, bỏ đầu) với 5 cỡ khác nhau, mỗi cỡ giá bán chênh nhau 1 USD. Chính suy nghĩ này đã đặt nền móng cho tập đoàn Minh Phú ngày nay nhờ việc xuất khẩu tôm thành phẩm ra nhiều nước trên thế giới với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Năm 1992, doanh nghiệp tư nhân Minh Phú được thành lập với số vốn vỏn vẹn 120 triệu đồng. Cho đến nay, Minh Phú đã tăng vốn liên tục, lên 90 tỷ đồng, 180 tỷ đồng, 600 tỷ, 700 tỷ và đến nay là 1.400 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, tập đoàn này đang cấp tập thực hiện các động thái “dọn đường" tăng vốn lên gần 2.200 tỷ đồng, bán vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Ông Lê Văn Quang là một đại gia khá kín tiếng, ít xuất hiện trên báo giới và truyền thông. Chủ yếu, ông thường có mặt trong những cuộc gặp mặt nhà đầu tư, họp đại hội đồng cổ đông của Minh Phú với chiếc áo đồng phục màu vàng đặc trưng của tập đoàn có gắn logo hình con tôm.

Bên cạnh ông trong các cuộc họp là bà Chu Thị Bình - hậu phương vững chắc trong gia đình có "tứ nữ" và cũng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc tập đoàn. Năm 2018, bà Bình được giới truyền thông nhắc đến nhiều qua vụ đòi 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank bỗng dưng "bốc hơi".

Vụ lùm xùm khiến bà Bình mất khá nhiều thời gian, đồng thời khối tài sản khổng lồ nhà đại gia thủy sản miền Tây này cũng được hé lộ phần nào, như "tảng băng chìm" đằng sau khối tài sản gần 4.000 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

So với các doanh nghiệp cùng ngành như "vua cá tra" Hùng Vương của đại gia Dương Ngọc Minh, tập đoàn thủy sản Vĩnh Hoàn của nữ tỷ phú Trương Thị Lệ Khanh..., Minh Phú được mệnh danh là "vua tôm" cả về vốn điều lệ lẫn quy mô doanh thu, lợi nhuận hàng năm.

Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước truyền thông, "vua tôm" Lê Văn Quang tâm sự: "Với vai trò là doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, chúng tôi đóng vai trò dẫn dắt, đầu đàn nên có ảnh hưởng rất lớn đến ngành tôm tại Việt Nam. Điều này có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng với mô hình như hiện tại thì không phát huy được nhiều, tốc độ phát triển sẽ chậm. Một trong những ưu tiên hàng đầu là phải tìm nhà đầu tư chiến lược để cùng Minh Phú tiếp tục "vươn ra biển lớn".

Theo Người đưa tin