Chuyện lạ: Tuy là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng Mỹ lại đang có triệu chứng giống các quốc gia đang phát triển

18/03/2019 16:47

Mỹ vẫn là một quốc gia giàu có – giàu hơn các quốc gia như Đức, Thụy Điển, Nhật Bản. Nhưng sự giàu có đó che giấu một số lĩnh vực mà Mỹ tệ hơn so với các đất nước trên.


Mỹ vẫn là một quốc gia giàu có – giàu hơn các quốc gia như Đức, Thụy Điển, Nhật Bản. Nhưng sự giàu có đó che giấu một số lĩnh vực mà Mỹ tệ hơn so với các đất nước trên.

Mỹ đang có dấu hiệu thụt lùi?

Vào tháng 2/2019, giao thông của toàn thành phố San Francisco đã bị tắc nghẽn, vì những khối bê tông từ tầng trên của cầu Richmond-San Rafael bắt đầu rơi xuống. Tuy nhiên, đây không phải là một sự cố lần đầu mới xảy ra. Vào năm 2016, cầu Bay Bridge đã bị đóng cửa sau khi các khối bê tông bắt đầu rơi xuống từ các bức tường của một đường hầm. Không chỉ dừng lại ở các cây cầu, Trung tâm trung chuyển Transbay trị giá 2,2 tỷ USD cũng đã bị đóng cửa vào cuối năm 2018, sau khi các dầm trong tòa nhà bắt đầu xuất hiện các vết nứt.

Chuyện lạ: Tuy là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng Mỹ lại đang có triệu chứng giống các quốc gia đang phát triển - Ảnh 1.

Những trường hợp trên thường xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, nơi các công trình thường sử dụng vật liệu rẻ hoặc được xây dựng cẩu thả. Nhưng California có chi phí xây dựng rất cao. Thống đốc bang Gavin Newsom gần đây đã phải hủy bỏ hầu hết các kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc của California do mức giá tăng vọt từ 45 tỷ USD lên 75 tỷ USD.

Đây cũng là tình hình chung trên toàn nước Mỹ. Chi phí xây dựng của cả khu vực công và tư nhân đã tăng lên do năng suất bị đình trệ hoặc giảm. Chi phí xây dựng mỗi dặm đường tàu Mỹ thậm chí còn cao hơn Pháp, một đất nước có tỷ lệ công đoàn cao.

Theo Bloomberg, Mỹ dường như đang bị thách thức bởi tham nhũng, đấu thầu không hiệu quả, chi phí thu hồi đất cao, thừa nhân công, rào cản pháp lý, bảo trì kém, phụ thuộc quá nhiều vào các chuyên gia tư vấn…Hệ quả là phần lớn cơ sở hạ tầng của quốc gia này đang trong tình trạng xuống cấp.

Liệu một quốc gia giàu có có thể đi thụt lùi hay không?

Mỹ vẫn là một quốc gia giàu có – giàu hơn các quốc gia như Đức, Thụy Điển, Nhật Bản. Nhưng sự giàu có đó che giấu một số lĩnh vực mà Mỹ tệ hơn so với các đất nước trên. Một trong số đó là chi phí xây dựng. Một lĩnh vực khác là chăm sóc sức khỏe. Hệ thống chăm sóc sức khỏe kết hợp giữa nhà nước và tư nhân của Mỹ thực tế lại có chi phí (16,4% GDP tương đương 9.402 USD/người, số liệu năm 2014) cao hơn rất nhiều so với hệ thống bị chính phủ chi phối ở các quốc gia khác.

Chuyện lạ: Tuy là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng Mỹ lại đang có triệu chứng giống các quốc gia đang phát triển - Ảnh 2.

Chi phí cho chăm sóc sức khỏe tại một số quốc gia năm 2014 (Nguồn: World Bank)

 

Chi phí thì ngày càng tăng lên, nhưng nhiều chỉ số sức khỏe ở Mỹ đang có xu hướng tệ đi. 5 năm trước, tuổi thọ, một chỉ số đang tăng lên ở hầu hết các quốc gia khác, bắt đầu giảm ở Mỹ. Ở hầu hết các nước, tỷ lệ phụ nữ tử vong sau khi sinh đã giảm, nhưng ở quốc gia Bắc Mỹ, tỷ lệ này đã tăng lên trong những năm gần đây.

Chuyện lạ: Tuy là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng Mỹ lại đang có triệu chứng giống các quốc gia đang phát triển - Ảnh 3.

Do chi phí xây dựng cao và một phần do hạn chế phát triển nhà ở, Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nhà ở do tiền thuê và mua nhà quá đắt đỏ.

Chuyện lạ: Tuy là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng Mỹ lại đang có triệu chứng giống các quốc gia đang phát triển - Ảnh 4.

Chỉ số giá tiêu dùng tiền thuê nhà so với các mặt hàng khác (2008 – 2018) (Nguồn: Federal Reserve Bank of St. Louis)

Danh sách các vấn đề ở Mỹ tiếp tục kéo dài: cuộc chiến cam go với ma túy, tỷ lệ tự tử tăng đáng kể, nước uống tại nhiều thành phố bị nhiễm chì, các chỉ số tham nhũng gia tăng. Một vài vấn đề khác có tác động lâu dài hơn. Mỹ có số lượng tù nhân cực kỳ lớn, tỷ lệ tội phạm bạo lực cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác. Tình hình nghèo đói cũng tồi tệ hơn.

Một số người cho rằng Mỹ thực chất là 2 quốc gia trong một – 1 quốc gia phát triển dành cho người giàu và 1 quốc gia đang phát triển của người nghèo. Mỹ không nên chờ đợi để xem xu hướng hiện tại có còn tiếp diễn hay không. Thay vào đó, chính phủ cần phải tập trung giảm chi phí đắt đỏ trong các ngành công nghiệp chính, cải thiện sức khỏe người dân, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng và giảm tham nhũng, lãng phí trong cả khu vực công và tư nhân. Nếu Mỹ muốn duy trì là một quốc gia phát triển, thì quốc gia này cần nhìn nhận và hành động đúng với vị thế của mình.


K Nguyễn

Theo Nhịp Sống Kinh Tế