Cơn Đại khủng hoảng kinh tế những năm 1930 của Mỹ diễn ra như nào?

12/05/2020 18:37

Trong thời kỳ Đại khủng hoảng vào những năm 1930, nền kinh tế của nước Mỹ suy thoái nghiêm trọng. Năm 1933, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới 25%.

Trong thời kỳ Đại khủng hoảng vào những năm 1930, nền kinh tế của nước Mỹ suy thoái nghiêm trọng. Năm 1933, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới 25%.

Theo Insider, Đại khủng hoảng là thảm kịch kinh tế tồi tệ trong lịch sử nước Mỹ, xảy ra vào những năm 1930. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và người dân lâm vào tình cảnh đói nghèo, tuyệt vọng thời kỳ đó. (Nguồn ảnh: Insider)

Sau thời kỳ thịnh vượng bùng nổ vào những năm 1920, cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào năm 1929. Ảnh: Rất đông người tập trung ở phía đối diện Sở giao dịch chứng khoán New York trong ngày "Thứ năm đen tối" 14/10/1929.

Những ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng có thể cảm nhận được cả vào đầu những năm 1940 và trong suốt thập kỷ đó, hơn 15 triệu người Mỹ mất việc. Ảnh: Robley D. Stevens, 30 tuổi và là một nạn nhân của cuộc Đại khủng hoảng, cầm tấm biển có dòng chữ với nội dung "Tôi phải có công việc hoặc chết đói" khi đứng trên vỉa hè ở Baltimore tháng 8/1931.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng với tốc độ kinh hoàng. Từ năm 1929 đến 1930, số người thất nghiệp tăng từ dưới 3 triệu lên 4 triệu. Năm 1931, số người thất nghiệp tăng gấp đôi, lên 8 triệu và đến năm 1932, con số này lên tới 12,5 triệu người. Ảnh: Hàng nghìn người thất nghiệp xếp hàng dài trên đường phố New York ngày 24/11/1933.

Vào năm đó, cứ 4 người lao động Mỹ thì có 1 người thất nghiệp. Hàng nghìn người Mỹ mất nhà cửa và hàng trăm nghìn người đi khắp đất nước để tìm việc làm.

Những người may mắn vẫn có việc làm thì thường bị giảm lương và cắt giảm giờ làm. Vào năm 1932, 75% người lao động làm việc bán thời gian. Ảnh: Cuộc tuần hành trên đường phố ở Lancaster, Massachusetts, ngày 26/4/1932.

Các gia đình bị đuổi ra khỏi nhà vì không thể trả tiền thuê. Nhiều người lang thang tìm kiếm việc làm trên đường phố.

Nhiều người phải sống trong những lán trại đông đúc, thậm chí là hang động hay ống cống, vì không kiếm được việc làm. Ảnh chụp một khu ổ chuột ở Mỹ những năm 1930.

Trong mùa đông năm 1932 và 1933, ước tính có 1,2 triệu người vô gia cư ở Mỹ. Dân số của nước Mỹ lúc đó là khoảng 125 triệu người.

Để tiết kiệm tiền, các gia đình tự làm vườn, sử dụng thực phẩm đóng hộp hay ngừng mua các mặt hàng như sữa,...Nhiều người cũng không dám đến cơ sở chăm sóc y tế và nha khoa vì không có tiền. Ảnh: Người dân xếp hàng dài nhận soup miễn phí tại một địa điểm ở Mỹ ngày 30/1/1934.

Trong bức ảnh chụp năm 1932 này, đông đảo người vô gia cư và thất nghiệp xếp hàng dài để nhận bữa ăn miễn phí trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ.

Khi cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Herbert Hoover trấn an người dân rằng thời kỳ này sẽ kéo dài không quá 60 ngày, và không tin vào việc cung cấp viện trợ liên bang cho những người nghèo khổ.

Tuy nhiên, người Mỹ sau đó trở nên giận dữ, và đổ lỗi cho ông Hoover vì sự hỗn loạn kinh tế này. Nhiều người nghèo phải sống trong các khu ổ chuột và họ gọi chúng là "Hoovervilles".

Những người Mỹ tuyệt vọng bắt đầu các cuộc tuần hành và bạo loạn.

Cuộc Đại khủng hoảng khi đó cũng tác động tiêu cực đến cuộc sống gia đình. Nhiều cặp đôi trì hoãn kết hôn hoặc hoãn việc sinh con. Trong suốt thập kỷ đó, tỷ lệ ly thân tăng lên.

Lúc đỉnh điểm, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên tới 25% vào năm 1933. Trong thời kỳ đó, tỷ lệ tự tử ở nước này cũng gia tăng.

Nước Mỹ hiện cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế vì dịch COVID-19. Đến nay, hơn 33 triệu người Mỹ mất việc làm. Theo Insider, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Mỹ kể từ cuộc "Đại suy thoái" hàng chục năm về trước.

Mời độc giả xem thêm video: Công sở Trung Quốc vắng vẻ giữa bão dịch nCoV (Nguồn video: VTC1)

Thiên An

Theo Vietnamdaily