Con đường đưa tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

01/10/2019 21:56

Không đặt mục tiêu trở thành tỷ phú, chưa bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền cùng với guồng công việc có khi lên tới hơn 20 giờ đồng hồ đã trở thành thói quen có lẽ là những yếu tố giúp nữ tướng Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo luôn giữ được tầm nhìn lớn trong suốt hơn ba thập kỷ làm doanh nhân.

CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo

Là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất Đông Nam Á với tài sản ròng trị giá 2,5 tỷ USD, Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo mới đây đã được Forbes châu Á gọi tên trong nhóm 25 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2019, những người dám thách thức và phá vỡ mọi rào cản.

Bà Thảo còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sovico và Phó Chủ tịch thường trực ngân hàng thương mại CP Phát triển TP. HCM (HD Bank).

Riêng trong lĩnh vực hàng không vốn thuộc về phái mạnh, bà Thảo đã làm nên kỳ tích khi là nữ doanh nhân duy nhất trên thế giới khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại của riêng mình.

Gần bảy năm sau chuyến bay đầu tiên mang số hiệu SGN-HAN 6660 cất cánh với 120 hành khách, Vietjet Air đã đạt được 43% thị phần hàng không nội địa vào cuối năm 2017, trở thành hãng hàng không dẫn đầu Việt Nam, vượt cả 'ông lớn' Vietnam Airlines.

Năm tiếp theo, doanh thu của hãng tăng 27% khi vận chuyển 23 triệu hành khách, chiếm 46% thị phần ở Việt Nam. Từ một vài chặng bay nội địa khi mới ra mắt, Vietjet đã dần mở rộng khai thác 80 tàu bay trên 120 điểm đến.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra đầu năm nay, bà Thảo tự hào cho biết hãng hàng không tư nhân Vietjet đã đóng góp tới 70% kết quả tăng trưởng chung của cả ngành. Bà cho rằng những gì Vietjet đã làm trong sáu năm qua bằng cả ngành hàng không Việt Nam đã phát triển trong suốt hơn sáu thập kỷ.

Tại Hội nghị phụ nữ do Forbes tổ chức hơn hai năm về trước, nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam từng chia sẻ, bà lớn lên không thiếu thốn vật chất nên kiếm tiền chưa bao giờ là mục đích. Trong 30 năm làm doanh nhân, bà Thảo chưa bao giờ tính toán tài sản của bản thân và cũng chưa bao giờ đặt mục tiêu trở thành triệu phú hay tỷ phú.

Điều bà Thảo quan tâm là làm sao cho doanh nghiệp có chỗ đứng, chất lượng sản phẩm tốt cho người sử dụng, nhân viên được đãi ngộ tốt hơn; có như vậy, mọi người mới cùng làm việc, cùng cống hiến nhằm giúp Vietjet hướng tới mục tiêu tăng thị phần và nhanh chóng dẫn đầu.

“Bên cạnh tìm kiếm lợi nhuận thì mục tiêu cao hơn của kinh doanh là tạo ra giá trị, nhất là các giá trị mới cho cộng đồng”, bà Thảo nhấn mạnh.

Vượt lên trên giá trị về tiền bạc, vật chất dường như là yếu tố giúp nữ tướng Vietjet luôn giữ được một tầm nhìn lớn và xa.

Năm nay, Vietjet kỳ vọng phát triển hơn nữa, dự kiến chuyên chở 30 triệu hành khách, tăng 30% so với năm ngoái. Bà Thảo cho biết, chiến lược của hãng là mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kính 2.500 dặm, hướng tới phát triển các căn cứ nhằm mục tiêu phục vụ một nửa dân số thế giới.

Dù sự tăng trưởng của Vietjet Air khiến nhiều người phải ngỡ ngàng nhưng với bà Thảo tất cả đều nằm trong kế hoạch: "Ngay khi bắt đầu, chúng tôi đã định vị Vietjet là hãng hàng không của khu vực và quốc tế".

Nữ tỷ phú đặt mục tiêu một lần nữa ghi dấu lịch sử bằng việc biến Vietjet trở thành hãng hàng không toàn cầu đầu tiên tới từ Việt Nam.

"Nếu thành lập một hãng hàng không ở châu Âu, chúng ta có thể bay tới mọi quốc gia ở đó. Với lợi thế cạnh tranh về dịch vụ, tàu bay, khả năng quản lý, chi phí và cung cấp những dịch vụ mới, tôi hoàn toàn tự tin rằng chúng ta có thể cạnh tranh ở những thị trường khác như châu Âu hoặc Mỹ", bà Thảo nói.

Trong mắt hành khách từ trước đến nay, Vietjet được nhận diện như một hãng hàng không giá rẻ, nhưng quan điểm của lãnh đạo doanh nghiệp này là xây dựng một hãng hàng không thế hệ mới.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018, Tổng giám đốc Vietjet tự tin rằng "chúng tôi luôn có tinh thần dẫn đầu xu hướng và tạo ra xu hướng tiêu dùng mới".

Sự tham gia của Vietjet đã làm thay đổi thói quen kinh doanh, tiêu dùng trên thị trường; kích thích ngành hàng không đổi mới, liên tục mở rộng sân bay, đổi mới phương thức quản lý, thay đổi chính sách để ngày một tiệm cận hơn với thế giới phẳng và toàn cầu hoá.

Ngay từ khi khởi đầu trên ý tưởng về một hãng hàng không giá rẻ cho đến khi định vị như một hãng hàng không thế hệ mới, bà Thảo cho biết ,Vietjet Air đã đi đầu trong ngành hàng không về công nghệ số và tự động hoá nhằm mang đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng.

Theo lãnh đạo Vietjet, hãng này luôn nỗ lực dẫn đầu xu thế, hướng đến một công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hoá; kết nối toàn cầu và lựa chọn các đối tác hàng không hàng đầu thế giới để hành khách có thể kết nối mạng bay tới bất kỳ quốc gia nào trên thế giới thông qua công nghệ cũng như các chuẩn hoá quốc tế về dịch vụ.

Hãng còn kết hợp thương mại điện tử và logistics để tạo nên hàng không phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người khi hợp tác với các đối tác toàn cầu và trong nước như Facebook, Google, Viettel.

Nữ tướng Vietjet còn chia sẻ về nỗ lực mang những người nông dân không hề biết tiếng Anh hay thậm chí là không biết chữ ra khỏi “luỹ tre làng” và kết nối với các quốc gia trên thế giới để có sự tiếp cận và đời sống văn minh hơn thông qua công cụ duy nhất là chiếc điện thoại thông minh.

Vietjet Air đã phải mang từ châu Mỹ về một giải pháp công nghệ nhằm đơn giản hóa các thủ tục mua vé, thanh toán và check-in qua mạng, ki-ốt tự động và thiết bị di động.

"Điều tôi học được từ những giáo sư của mình là biến những điều phức tạp thành đơn giản bởi chỉ có sự giản dị vĩ đại nhất mới có khả năng lan toả mạnh mẽ nhất", bà Thảo cho biết.

Đối với nữ doanh nhân quyền lực, không phải công nghệ làm thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người đã làm thay đổi thế giới. Công nghệ chỉ là công cụ, chỉ được sáng tạo từ những ước mơ của con người.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo lọt vào danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực châu Á 2019 của Forbes

Khác với mô hình giá rẻ, Vietjet cũng có những dịch vụ riêng của mình, như dịch vụ skyboss có phòng chờ, xe đưa đón; đồng thời cung cấp thêm dịch vụ cao cấp để mở rộng đối tượng khách hàng là những người có khả năng chi trả cao.

Trong một lần trả lời Forbes, bà Thảo cho biết khi kinh doanh, bà luôn nhắm tới những thương vụ làm ăn lớn, không muốn làm những việc cò con. Khi mọi người giao dịch một container hàng hoá, bà đã giao dịch với khối lượng lên đến hàng trăm chiếc container. Hoặc nếu người khác dùng một toa tàu để chở hàng bằng đường sắt thì bà dùng cả đoàn tàu.

Hiện tại, bà Thảo đang lên kế hoạch mua thêm máy bay để tận dụng lợi thế từ sự bùng nổ thị trường du lịch hàng không trong khu vực và đưa Vietjet ra toàn cầu. Thách thức của bà và Vietjet phải đối mặt là làm sao có thể khắc phục điểm yếu về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, sự thiếu hụt phi công trên toàn cầu và những vấn đề trong qui chế hàng không của khu vực Đông Nam Á.

Thách thức lớn nhất của Vietjet là đàm phán các vị trí hạ cánh tại các điểm đến khác nhau của châu Á do Chính phủ các nước phân bổ cẩn thận các tàu bay vào sân bay của họ.

Để hạ cánh được ở nhiều điểm quốc tế hơn, những hãng hàng không như Vietjet thường hợp tác với các hãng hàng không nội địa tại các quốc gia. Đến nay, Vietjet đã hình thành một liên danh tại Thái Lan, hiện đang khai thác tám tàu bay tại thị trường rất cạnh tranh này.

Đối mặt với những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, nữ tỷ phú cho biết, Vietjet mong muốn tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp tháo gỡ khó khăn và hiện vẫn đang chờ Chính phủ có quyết định cuối cùng.

Dù nhiều khó khăn nhưng bà Thảo dường như không nản lòng. Vietjet trước đây cũng đã từng bước nhẫn nại vượt qua rào cản của một thời gian dài ngành hàng không 'đóng cửa' với tư nhân.

Đối mặt với thời buổi kinh tế có nhiều xáo trộn, nữ tướng Vietjet khẳng định không hề sợ hãi mà còn nhìn đó như là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân khi thị trường được sắp xếp lại: “Vietjet đã trải qua rất nhiều thời điểm còn khó khăn hơn hiện tại, vậy mà chúng tôi vẫn sống sót, nên không việc gì phải sợ”.

The Leader