Cú sốc đầu tiên của các nhà đầu tư chứng khoán F0

29/01/2021 10:25

Thảo Phương, người đã dốc vào chứng khoán nửa hoa hồng 3 năm làm môi giới bất động sản, giờ chỉ biết thốt lên "kinh khủng" khi nhìn vào bảng điện tử.

Thảo Phương, một môi giới bất động sản 27 tuổi, là một trong số rất nhiều nhà đầu tư mới - F0 - tham gia thị trường chứng khoán từ con số không (không kinh nghiệm, không kiến thức và không người hướng dẫn) đang loay hoay tìm cách xử lý danh mục hiện tại.

Cô vừa tập tành đầu tư chứng khoán từ tháng 9/2020 bằng những video chia sẻ kinh nghiệm trên Youtube. Gần một tháng quan sát thị trường và lân la trong các hội nhóm đầu tư, cô mới quyết định giải ngân 50 triệu đầu tiên. Những lần mua sau đó được thực hiện với số tiền lớn và tần suất dày đặc hơn. Danh mục của Phương đến cuối năm ngoái đã gần nửa tỷ.

Chốt lời những cổ phiếu VN30 trong đợt sóng cuối năm, Phương được tin gom SHB và ACV để chờ "game" chuyển niêm yết từ sàn chứng khoán Hà Nội vào TP HCM. "Biên độ dao động giá ACV 15%, SHB 10% mỗi phiên nên lời nhanh và nhiều hơn", Phương chia sẻ thêm lý do đầu tư vào đây và nói rằng lúc đó không nghĩ đến rủi ro là gì.

Cổ phiếu chưa về đến tài khoản, thị trường điều chỉnh mạnh, mất gần 61 điểm (tương đương 5,11%) trong phiên 19/1. HNX-Index và UPCoM-Index cũng mất xấp xỉ 3%. Thế nhưng, Phương vẫn tự tin và nhắc lại cách nói như báo cáo của các nhóm phân tích rằng, đây là phiên điều chỉnh cần thiết để tạo động lực đi lên tiếp tục.

Thực tế mọi thứ không đơn giản như viễn cảnh cô gái này vẽ ra. Thị trường sau đó hồi phục nhưng rồi đảo chiều nhanh và giảm sâu hơn. Từ vùng đỉnh một năm là 83.000 đồng, ACV hôm nay xuống 67.000 đồng còn SHB cũng rơi từ 19.000 đồng xuống 14.000 đồng.

Lần lượt mất hơn 19% và 26%, Phương bốc máy gọi một người bạn đang làm việc ở công ty chứng khoán để tìm lời khuyên nên mua bình quân giá, bán cắt lỗ hay tiếp tục nắm giữ để chờ thị trường hồi phục. Sau cuộc nói chuyện hơn 10 phút, cô vẫn chưa quyết định nổi.

Tài khoản chứng khoán của một nhà đầu tư đỏ rực sau phiên 28/1. Ảnh: Hoàng Anh.

Tài khoản chứng khoán của một nhà đầu tư đỏ rực sau phiên 28/1. Ảnh: Hoàng Anh.

Chia sẻ với VnExpress, giám đốc chi nhánh một công ty chứng khoán ở TP HCM cho biết câu chuyện của Phương là ví dụ điển hình về phản ứng của những nhà đầu tư thiếu sự va vấp với thị trường. Vì quá thăng hoa trong đợt sóng trước, cộng thêm thiếu thông tin thị trường, phán đoán sai thời điểm vào - ra nên những nhà đầu tư này phải chịu cảnh mua đỉnh nhưng chưa dám bán đáy.

Hai ngày qua, vị này tiếp xúc không ít nhà đầu tư có nhu cầu tư vấn tương tự Phương. Phần đông trong số đó là những người không cần môi giới quản lý tài khoản từ đầu, mà chọn cách tự đầu tư. "Tùy mức độ chịu đựng rủi ro và nền tảng cơ bản của những cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ mà chúng tôi khuyến nghị, nhưng thực sự công việc này rất khó khăn bởi thị trường diễn biến khó lường quá", ông nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nếu lướt sóng, Phương đã sai lầm khi không bán sớm hơn vì các vị thế ngắn hạn không được "gồng lỗ" sâu như vậy. Ngược lại, nếu việc đầu tư này cho mục tiêu trung và dài hạn thì có thể cân nhắc để mua quân bình giá và chờ đợi những thông tin tích cực vực dậy giá cổ phiếu.

Chuyên gia này thừa nhận việc đưa ra dự báo và khuyến nghị đầu tư lúc này không dễ dàng bởi diễn biến thị trường rất xấu. Ông chỉ tự tin khuyên những nhà đầu đang vay ký quỹ (margin) bán ngay để tránh rủi ro đè nặng.

"Thị trường chưa có đợt điều chỉnh đáng kể nào sau khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Nhà đầu tư vì vậy chưa tổn thương và chưa có kinh nghiệm hành xử trong những tình hướng đặc biệt, nên có thể coi đây là cú sốc đầu tiên với họ", giám đốc phân tích một công ty chứng khoán có vốn nước ngoài chia sẻ.

Tác động của cú sốc này thể hiện rất rõ ràng. Sau các phiên điều chỉnh, những nhà đầu tư F0 – động lực tăng trưởng chủ đạo của thị trường trong khoảng nửa năm qua -đã dè chừng hơn. Lực cầu mua ở vùng giá thấp khi giá cổ phiếu lao dốc đã không còn mạnh như trước để giúp chỉ số đảo chiều, hay ít nhất là thu hẹp biên độ giảm. Quyết định giải ngân sắp tới có thể không dễ dãi như trước. Vì thế, thanh khoản thị trường nhiều khả năng bị bó hẹp và dao động ổn định hơn.

"Những nhà đầu tư kinh nghiệm như chúng tôi cũng không dám bắt đáy lúc này, bởi chưa biết đâu là đáy. Nếu ai mua lúc này mà thắng thì do may mắn chứ không phải giỏi", ông Lân nói.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/cu-soc-dau-tien-cua-cac-nha-dau-tu-chung-khoan-f0-4227893.html