Cuộc khủng hoảng thừa kế trị giá 22.000 tỷ USD ở châu Á

06/10/2018 17:11

Có một người ông nhưng có đến 4 người bà là nguyên nhân nảy sinh nhiều vấn đề thừa kế hết sức phức tạp. Cheong Wing Kiat đã trải nghiệm qua điều đó khi ông điều hành công ty dược phẩm của gia đình tại Singapore vài năm trước.

Ông nội của Cheong cùng với 3 nhà đồng sáng lập công ty khác có đến hơn 20 người thừa kế với nhiều ý định khác nhau. Việc phân chia tài sản có thể giúp giải quyết phân nửa vấn đề nhưng nó cũng liên quan đến những cuộc đàm phán căng thẳng cũng như mâu thuẫn trong nội bộ gia đình.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cổ đông của công ty tiếp tục tăng trở lại và ông Cheong, năm nay 59 tuổi, đang cảm thấy rất lo lắng cho thế hệ tiếp theo ở công ty.

Ông Cheo Wing Kiat. Ảnh: Bloomberg

“Trong vòng 10 năm tới, chúng tôi sẽ phải cắt giảm số lượng cổ đông. Nhưng đó sẽ không phải là nhiệm vụ của tôi và tôi lấy làm vui mừng vì điều đó”, ông Cheong chia sẻ.

Sau khi gây dựng nên những đế chế khổng lồ, giới nhà giàu châu Á lần đầu tiên phải đối mặt với nhiều vấn đề gây nhức nhối khi họ chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao thế hệ đầy chông gai, về cả phương diện tài sản cũng như hoạt động kinh doanh.

Trong báo cáo ra ngày 25/9, UBS Group AG và Campden Wealth đã dự đoán một “sự thay đổi chấn động” cận kề khi các khối tài sản thừa kế được truyền lại cho thế hệ sau trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, sự cần có một kế hoạch thừa kế lại đang là một vấn đề rất cấp bách tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chỉ có 39% các công ty gia đình đã có sẵn đường đi nước bước trong tay. Đây là tỷ lệ là thấp nhất trên toàn cầu.

“Nguyên nhân chính dẫn đến kế hoạch thừa kế bị ngó lơ ở châu Á đó là việc một gia tộc gây dựng tài sản trong thời gian không quá dài, chỉ bắt đầu từ một đến hai thế hệ trở lại đây”, Karim Mrani Alaoui, trưởng bộ phận đầu tư một công ty gia đình tại Singapore, chia sẻ.

“Chính việc tài sản được làm ra trong thời gian không quá dài, những người trực tiếp làm ra của cải thường vẫn còn sống. Do đó, nhiều gia đình chưa nghĩ đến lập kế hoạch thừa kế”, ông chia sẻ thêm.

Tổng giá trị tài sản ở Châu Á đã đạt ngưỡng 22 nghìn tỷ USD, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng tài sản cao nhất trên toàn cầu, theo công ty tư vấn Capgemini.

“Thậm chí khu vực này còn đối diện với một vấn đề lớn hơn trong việc thừa kế, đó chính là không có sự phân chia rõ ràng giữa tài sản và hoạt động kinh doanh”, Benoy Philip đến từ công ty tư vấn Taproot Family, Singapore, nói.

Nhiều đế chế tại khu vực này tiếp tục được sở hữu và điều hành bởi các thế hệ tiếp theo trong gia đình, điều này dấy lên lo ngại khi mà việc thừa kế và kế hoạch quản lý tài sản có vẻ đang chồng chéo lên nhau.

Tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh nhất trên thế giới.

Trong vài năm trở lại đây, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện trong các gia tộc quyền quý cùng với những bất đồng liên quan đến quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Mukesh Ambani, người giàu nhất châu Á thời điểm hiện tại, và anh trai Anil, đã chia đôi Reliance Group vào năm 2005. Đó là hệ quả của cuộc tranh giành quyền kiểm soát tập đoàn sau khi cha của họ qua đời nhưng không để lại di chúc.

Tại Hong Kong, một ví dụ cho mâu thuẫn sâu sắc trong gia đình về quyền kiểm soát là ở Sun Hung Kai Properties,công ty đầu tư lớn nhất đặc khu. Đây là hệ quả của việc Walter Kwok bị trục xuất khỏi công ty bởi chính những người trong gia đình.

“Sẽ quá muộn nếu những vấn đề này không được cân nhắc kỹ lưỡng”, Goh Siow Hui, lãnh đạo khối doanh nghiệp gia đình ASEAN, đồng thời là đối tác dịch vụ thuế quan của Ernst & Young Solution LLP, chia sẻ. “Mâu thuẫn gia tăng và chúng ta phải nhìn thấy những kết cục không ai mong muốn trên mặt báo, khi mà những người thân trong gia đình kiện nhau ra tòa”.

Tại châu Âu và Mỹ, những đế chế như Rothschilds hay JPMorgan khởi đầu từ những công ty gia đình vào thế kỷ 19 trên cơ sở của sự tin tưởng, ý chí cũng như có những điều luật rõ ràng về vấn đề thừa kế. Ở châu Á thì ngược lại. Tư tưởng ngại đề cập đến cái chết là nguyên nhân làm cho những sự chuẩn bị thừa kế trở nên không phổ biến.

“Chủ đề này có thể dễ dàng được đưa ra bàn luận ở châu Âu”, Noor Quek, nhà sáng lập NQ International- công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty gia đình tại Singapore, chia sẻ. “Nó là một vấn đề rất khó nói ở châu Á vì nó liên quan đến tư tưởng văn hóa”.

Gia đình Cheong Wing Kiat chụp ảnh năm 1969. Ảnh: Cheong Wing Kiat,

Điều đó cũng một phần là do ở các nước phương Tây, tài sản thường không tự động được chia cho các thành viên trong gia đình mà được để lại cho các trường đại học, các tổ chức công cộng hoặc vì mục đích nhân đạo.

“Tôi biết trường hợp về một cụ ông 90 tuổi người Indonesia, rất giàu có, sở hữu cơ nghiệp đồ sộ. Ba người con của ông ấy đều đã ở tuổi 60, đang làm việc cho công ty gia đình và hưởng lương đều đặn hàng tháng. Nhưng tuyệt đối không ai dám đề cập đến chuyện thừa kế”, Phillip chia sẻ.

Trải nghiệm của Cheong ở Wen Ken Group- công ty thuốc cổ truyền ở Singapore được thành lập bởi ông nội của ông và 3 người khác vào năm 1937, cho thấy một góc nhìn với những thách thức mà nhiều gia đình tại châu Á đang gặp phải xung quanh việc thừa kế.

Với việc có một gia đình lớn cũng như nhiều đối tác kinh doanh, việc cắt giảm số lượng cổ đông ở Wen Ken Group là không hề dễ dàng.

“Chúng tôi đã có rất, rất nhiều cuộc họp cũng như tranh cãi. Có rất nhiều bất đồng về giá trị công ty và bên cạnh đó cũng có rất nhiều nghi ngờ”. Cheong, nắm vai trò điều hành công ty từ năm 1995 đến 2011, phát biểu.

Ông thậm chí còn yêu cầu cha, người luôn muốn giữ lại công ty, bán một phần nhỏ lượng cổ phần mà ông đang nắm giữ để chứng minh cho việc phân chia tài sản được công bằng.

Việc điều hành công ty trở nên dễ dàng hơn sau giai đoạn đó. Giờ đây, nhiều thành viên khác trong gia đình cùng tham gia điều hành công ty và Cheong cũng không còn giữ vai trò lãnh đạo. Với tư cách là một cổ đông, ông tin rằng công ty sẽ cần đến một cuộc tinh gọn bộ máy trong tương lai.

Báo cáo mới nhất của UBS/Campden Wealth Global Family cho thấy 32% các gia tộc tại châu Á đang tiến hành xây dựng các kế hoạch thừa kế. Khoảng 21% nói rằng họ không có bất kỳ một kế hoạch nào và 7% cho biết họ không hề biết gì về vấn đề này.

“Điều đó sẽ trở thành một mối đe dọa thực sự nghiêm trọng đối với giới nhà giàu châu Á nếu như không có cơ chế nào cho việc lập kế hoạch thừa kế được triển khai. Nếu không ai hành động, vấn đề này sẽ không khác gì một quả bom nổ chậm”. theo Phillip, Taproot.

Trọng Đại/NDH (Thep Bloomberg)