Đã có 6 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện nhà nước Việt Nam

11/11/2019 17:46

 Đó là thông tin do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đưa ra tại báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”.

Đã có 6 vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện nhà nước Việt Nam

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại đã chỉ ra các hạn chế, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, pháp luật chưa quy định điều chỉnh một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn như sáp nhập, hợp nhất, mở rộng dự án, cơ chế quyết toán vốn đầu tư; giám định giá, chất lượng máy móc thiết bị nhập khẩu, tài sản cố định;

Chưa xây dựng danh mục ngành nghề không thu hút hoặc hạn chế áp dụng riêng áp dụng đối với đầu tư nước ngoài, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong thực thi pháp luật và cam kết quốc tế; thiếu hệ thống các tiêu chí, điều kiện làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc phù hợp với định hướng, yêu cầu phát triển địa bàn, lĩnh vực.

Báo cáo cũng chỉ ra pháp luật Việt Nam chưa quy định khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ con quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đối với trường hợp bổ sung ngành nghề kinh doanh của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, mà ngành nghề kinh doanh dự kiến bổ sung đó thuộc trường hợp phải xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Nghị định số 118/NĐ-CP.

Ngoài ra, thủ tục mua cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bị đánh giá là vẫn chưa đủ rõ, không thể tiên đoán và hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan cấp phép;

Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau nhưng chưa phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên.

Theo báo cáo, việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp ngày một gia tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư quy định đơn giản về thủ tục; không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư gây khó khăn cho cơ quan nhà nước quản lý việc góp vốn tại doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”.

Các vụ khiếu kiện, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước và với Chính phủ gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tốn kém về thời gian và nguồn lực xử lý.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải thuê đất từ nhà nước. Quy định này dẫn đến việc dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế không thể thực hiện được nếu không thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

Ủy ban Đối ngoại cũng nhấn mạnh việc kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của một số doanh nghiệp nước ngoài chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng. Hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài kê khai, báo lỗ khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có hành vi chuyển giá.

Trong khi đó, Luật Quản lý thuế hiện hành chưa có quy định về hoạt động chuyển giá, các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, các biện pháp chống suy thoái nguồn thu. Hoạt động chuyển giá, việc quản lý thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới hiện nay chưa được quy định tại Luật Kế toán năm 2015, Luật Quản lý thuế năm 2019 và Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Người nước ngoài có thể lách luật để kéo dài thời gian sở hữu nhà

Theo Ủy ban Đối ngoại, từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, có gần 800 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung tại các địa phương: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long.

Hiện, Luật Nhà ở năm 2014 quy định cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa không quá 50 năm và có thể được gia hạn 01 lần với thời hạn tối đa không quá 50 năm.

Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại chỉ ra: pháp luật lại chưa làm rõ việc một cá nhân nước ngoài sau khi đã bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước (do hết thời hạn sở hữu), có được mua lại chính nhà ở đó để được sử dụng thêm 50 năm nữa hay không.

“Như vậy, quy định về thời hạn sở hữu cho người nước ngoài, số lần được gia hạn là rất hình thức”, Ủy ban Đối ngoại đánh giá.

Cũng theo quy định của Luật Nhà ở, người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà. Ủy ban Đối ngoại cho rằng quy định này “chưa thu hút được người nước ngoài sở hữu loại tài sản này để đầu tư”.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật đã cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng số lượng người thực hiện quyền này còn rất hạn chế.

Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, theo đó từng bước tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại những thị trường bất động sản có tiềm năng thu hút người nước ngoài mua nhà, một số thành phố lớn mà không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh trên địa bàn.