Đại gia Hải Dương giàu thứ 2 Việt Nam, vượt qua bà chủ Vietjet là ai?

15/11/2018 10:55

Trong danh sách người giàu sàn chứng khoán, ông Trần Đình Long – đại gia gốc Hải Dương hiện đang xếp vị trí thứ 2, với tổng tài sản hơn 19 nghìn tỷ đồng.

Trong danh sách người giàu sàn chứng khoán, ông Trần Đình Long – đại gia gốc Hải Dương hiện đang xếp vị trí thứ 2, với tổng tài sản hơn 19 nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông Long hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HPG liên tiếp rơi vào tình trạng mất điểm trong những phiên giao dịch gần đây. Trong phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tiếp tục giảm 1,1% xuống còn 35,8 nghìn đồng. Đây là phiên thứ 7 liên tục mã này giảm giá.

Với thị giá 35,8 nghìn đồng/cp, do sở hữu lượng lớn 534.179.993 cp HPG, khối tài sản trên sàn tương ứng của ông Trần Đình Long hiện là 19.124 tỷ đồng.

Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: Forbes

Khối tiền trên giúp ông Trần Đình Long giữ vững vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán nhiều tháng qua, vượt qua bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.

Diễn biến bất lợi của HPG diễn ra trong bối cảnh quỹ ngoại Penm III Germany cũng như nhiều cổ đông ồ ạt bán ra hàng chục triệu cổ phiếu HPG, giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát. Điều này có thể ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Hòa Phát cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát quý III/2018 đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Hòa Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy có một điểm đáng chú ý là khoản nợ phải trả của Hòa Phát tính đến thời điểm 30/9/2018 tăng vọt lên mức hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10 nghìn tỷ so với cùng kỳ năm trước, trong đó khoản vay và nợ thuê tài chính chiếm khối lượng lớn.

So với thời điểm cùng kỳ năm trước, khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Hòa Phát tăng vọt hơn 7 nghìn tỷ đồng, kéo khoản nợ cho hạng mục này tăng lên mức hơn 22 nghìn tỷ.

Có khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát hiện mở rộng sang các lĩnh vực nội thất (1995), ống thép (1996), thép (2000), điện lạnh (2001), bất động sản (2001).

Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là Công ty mẹ cùng các Công ty thành viên và Công ty liên kết.

Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG. Đến tháng 3/2017, Hòa Phát có 11 công ty thành viên.

Về ông Trần Đình Long, cho đến nay, ông được đánh giá là doanh nhân giàu có và thành công nhất ngành thép Việt Nam. Hồi đầu năm 2018, ông Long lần đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú năm 2018 của Forbes với khối tài sản 1,3 tỷ USD. Trong danh sách này, ông Long xếp ở vị trí thứ 1.756.

Lâm Anh

Theo VietQ