Đại gia Trịnh Văn Quyết chia sẻ về bí mật 'đường bay vàng' siêu lợi nhuận

26/07/2018 21:29

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, 'cha đẻ' của hãng hàng không Bamboo Airways vừa bật mí về 'đường bay vàng' siêu lợi nhuận của các hãng hàng không tại Việt Nam.

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, 'cha đẻ' của hãng hàng không Bamboo Airways vừa bật mí về 'đường bay vàng' siêu lợi nhuận của các hãng hàng không tại Việt Nam.

 

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, “cha đẻ” của hãng hàng không Bamboo Airways.

Tại buổi Hội thảo “Phát triển hàng không - Chắp cánh du lịch Việt Nam” đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa chiều 26/7, doanh nhân Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, “cha đẻ” của hãng hàng không Bamboo Airways vừa bật mí về “đường bay vàng” siêu lợi nhuận của các hãng hàng không tại Việt Nam.

Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ, hiện nay các hãng hàng không ở Việt Nam chỉ muốn chọn “đường bay vàng” để bay vì lợi nhuận mang lại của đường bay này là rất lớn. Điển hình là đường bay Hà Nội – Sài Gòn.

"Đường bay vàng" mang lại lợi nhuận rất lớn cho các hãng hàng không tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Lấy một ví dụ đơn giản, một vé máy bay khứ hồi 5,4 triệu đồng (tùy từng thời điểm), một cái máy bay Airbus bay từ Hà Nội vào Sài Gòn với 3 lượt/ngày (6 lượt cả đi và về) và một máy bay vào khoảng 200 chỗ ngồi.

Theo tính toán, một chiếc máy bay FLC chuẩn bị thuê sẽ vào khoảng 400 nghìn USD/tháng (nhiều nhất thì khoảng 500 nghìn USD/tháng). Con số 400 nghìn USD ở đây là đầy đủ chỉ việc bay và 10 cái máy bay đưa vào sử dụng sẽ là 100 tỷ/tháng.

Với con số 5,4 triệu đồng/vé khứ hồi thì bình quân thu về khoảng 1,1 tỷ/chuyến. Như vậy một ngày sẽ thu về là 3,3 tỷ đồng. Lấy con số trên nhân với 1 tháng máy bay thì sẽ thu về khoảng 100 tỷ hoặc thấp hơn là khoảng 99 tỷ đồng. Trong khi chi phí chỉ có 10 tỷ tiền thuê máy bay, cộng thêm khoảng 1 triệu USD tiền xăng dầu, tức thêm 24 tỷ đồng/tháng.

Như vậy, 34 tỷ cộng với chi phí khác khoảng 6 tỷ cho 1 chiếc máy bay, vậy sẽ vào khoảng 40 tỷ đồng tiền chi phí. Trong khi thu về tới 99 tỷ đồng. Đây là nếu tính lấp đầy, còn trong trường hợp nếu không tính lấp đầy thì sẽ rơi vào khoảng 60 tỷ đồng chi phí. Do đó có thể thấy, một chiếc máy bay thu về khoảng 1 đến 1,5 triệu USD và 10 cái máy bay nhân lên sẽ là trên 10 triệu USD.

Với dự định 40 chiếc máy bay trên đường bay vàng như vậy, lợi nhuận không phải tính toán gì nữa. Do đó, có thể thấy “đường bay vàng” mang lại “siêu lợi nhuận” khiến hãng hàng không nào cũng chỉ chăm chăm vào đường bay này.

Nói về cơ chế chính sách cho hàng không phát triển và giảm ách tắc, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, với số lượng cảng hàng không hiện nay đã rất đủ, nhưng cơ quan quản lý nhà nước bỏ ngỏ việc quản lý, không có sự phân luồng. Tại sao vậy?

Ông Quyết lý giải: “Nếu như có sự phân luồng ví như cảnh sát hàng không, tôi tin rằng cảng hàng không của Nội Bài hay Tân Sơn Nhất sẽ không bị tắc như bây giờ”. Tại sao cần phân luồng? Theo ông Quyết, đó là cần phải tạo ra cơ chế chính sách, thậm chí phải cưỡng chế các hãng hàng không phải bay những tuyến bay giảm áp lực của Hà Nội và TP.HCM.

“Cụ thể, muốn đi Cần Thơ, hay Cà Mau mà bay từ Thanh Hóa, Ninh Bình đều phải ra Hà Nội. Ngược lại các tỉnh miền Tây, miền Đông muốn đến Thanh Hóa đều phải ra TP.HCM. Như vậy “đường bay vàng” mang lại siêu lợi nhuận khiến các hãng hàng không tại Việt Nam khai thác triệt để”, Chủ tịch FLC cho biết.

Lê Ngà/VietnamFinance