Di tích lầu Bảo Đại bị cạo trọc, hoang tàn lạnh lẽo

10/07/2019 15:09

Di tích lầu Bảo Đại được xây dựng cách nay gần 100 năm với 5 biệt thự mang nhiều giá trị lịch sử. Tuy nhiên, di tích này đang bị đào bới để xây khu nghỉ dưỡng.

Di tích lầu Bảo Đại được xây dựng cách nay gần 100 năm với 5 biệt thự mang nhiều giá trị lịch sử. Tuy nhiên, di tích này đang bị đào bới để xây khu nghỉ dưỡng.

Cảnh hoang tàn, lạnh lẽo ở di tích lầu Bảo Đại Cả ngọn núi Cảnh Long bị "cạo" nham nhở, từ một nơi quanh năm cây xanh tốt nay di tích lầu Bảo Đại hoang tàn, cây cối xơ xác, 5 ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng.

Khu di tích lầu Bảo Đại (tên gọi khác là biệt thự Cầu Đá) nằm trên núi Cảnh Long bên vịnh Nha Trang (ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Nơi đây được người Pháp xây dựng năm 1923, gồm 5 biệt thự để các nhà nghiên cứu hải dương học ở, làm việc. Thời gian sau đó khu này được vua Bảo Đại dùng làm nơi nghỉ dưỡng cùng gia đình.

Tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6 ha đất, gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà (thuộc Tập đoàn Hà Đô) thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Sau khi được giao dự án, Công ty CP đầu tư Khánh Hà cho máy đào, ủi, cạo trọc cả ngọn núi Cảnh Long để xây biệt thự, khách sạn, nhà hàng, quán bar...

Việc san gạt, xẻ núi Cảnh Long để tạo mặt bằng thi công các hạng mục móng biệt thự, khách sạn... Trong đó, một số vị trí được đào sâu vào lòng đất để xây công trình ngầm. Một số chuyên gia lo ngại việc khoét núi sẽ làm kết cấu địa chất nơi đây bị thay đổi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các ngôi biệt thự cổ.

Theo thiết kế, khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại sẽ xây mới 36 căn biệt thự, 5 căn biệt thự cổ hiện hữu được cải tạo, thay đổi công năng. Ngoài ra, ở đây sẽ có các hạng mục khác như nhà hàng, quán bar, khách sạn cao 5 tầng.

Sau 5 năm thi công, khu di tích lầu Bảo Đại từ một ngọn núi quanh năm rợp bóng cây xanh trở nên trơ trọi với đất đá, sắt thép, bê tông. Do ngưng đón khách nhiều năm nên khu vực này không được vệ sinh, trông rất nhếch nhác.

Bỏ hoang nhiều năm, không được chăm sóc, trùng tu nên 5 ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng. Trong ảnh là biệt thự Phượng Vĩ được chủ đầu tư làm trụ sở công ty.

Chủ đầu tư đóng cửa để thi công nhiều năm nay nên cả khu di tích hoang tàn, lạnh lẽo.

Nhiều hạng mục công trình trong khu di tích xuống cấp nghiêm trọng, nhìn không khác gì những ngôi nhà hoang.

Lan can ở biệt thự Cây Bàng hoen gỉ.

Hệ thống cửa lâu năm không được trùng tu nên bị bung, gãy phải gia cố bằng cách lấy thanh gỗ khác đóng đinh ép lại.

Tình trạng xuống cấp ở tất cả các ngôi biệt thự tồn tại nhiều năm nay. "Không tin được đây từng là nơi vua Bảo Đại ở và là di tích lịch sử", chị Dương Thị Lài, du khách đến từ Đồng Nai xót xa khi tham quan lầu Bảo Đại.

Vài vị trí bị đập phá để lộ tường gạch ở biệt thự Cây Bàng. "Di tích bị đào bới tan hoang, các ngôi biệt thự xuống cấp, không giống như tôi tưởng tượng", anh Trần Văn Dương, du khách từ Hà Nội, tỏ ra thất vọng.

Bên trong biệt thự Cây Bàng, tường bị khoan chi chít để bắt ốc vít, giăng dây phơi khăn tắm, ga trải giường.

Cánh cửa ở biệt thự Vọng Nguyệt bị bắt móc sắt để cài ổ khóa.

Một số hạng mục bằng gỗ ở 5 ngôi biệt thự nhiều năm không được trùng tu, sửa chữa đã bong tróc.

Sau nhiều năm đóng cửa, giữa tháng 4, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo chủ đầu tư dọn dẹp 2 biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt để du khách tham quan. Tuy nhiên, nhiều người đến đây tỏ ra thất vọng vì di tích bị đào bới tan hoang, các hiện vật cổ còn lại rất ít.

Bức ảnh hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại ở biệt thự Nghinh Phong cũng không có chú thích, chỉ dẫn liên quan. "Ở đây chỉ có 2 tạp vụ dọn dẹp 2 biệt thự để đón khách. Một vài khách có hỏi về lịch sử hiện vật nhưng mình không rành và chỉ nói theo kinh nghiệm mấy chục năm làm việc ở đây", nhân viên tạp vụ ở di tích lầu Bảo Đại cho biết.

Di tích lầu Bảo Đại, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Google Maps.

An Bình

Theo Zing