Donald Trump 'tấn công khắp mặt trận', doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau tìm đường di tản

15/09/2018 00:13

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do tổng thống Donald Trump phát động đang ngày thêm gay cấn, hàng hóa made in China đang phải hứng chịu những đòn thuế quan nặng nề, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tính chuyện di dời sản xuất sang nhiều nước khác để né tránh các hậu quả của cuộc chiến. Trong số các điểm mà người Trung Quốc nhắm đến có Việt Nam.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do tổng thống Donald Trump phát động đang ngày thêm gay cấn, hàng hóa made in China đang phải hứng chịu những đòn thuế quan nặng nề, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tính chuyện di dời sản xuất sang nhiều nước khác để né tránh các hậu quả của cuộc chiến. Trong số các điểm mà người Trung Quốc nhắm đến có Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không khoan nhượng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Nhận thấy bị thâm hụt quá lớn trong làm ăn với người khổng lồ mới nổi ở châu Á, từ tháng 7 vừa qua Washington đã áp mức thuế 25% nhằm vào các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá lên tới 50 tỷ USD mỗi năm và còn đang chuẩn bị đánh thuế bổ sung vào khối lượng hàng hóa lên tới 200 tỷ USD. Chưa hết ông Donald Trump vẫn tiếp tục cuộc tấn công trên mặt trận thương mại.

Mới đây, ông Trump dọa sẽ còn sẵn sàng đánh tiếp vào 267 tỷ USD hàng Trung Quốc, tức là gần như toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc với trị giá lên đơn 500 tỷ USD.
Không chỉ đánh trực tiếp vào hàng nhập từ Trung Quốc. Ông Donald Trump mở mặt trận mới nhắm tới cả các sản phẩm Mỹ có dính bàn tay gia công của người Trung Quốc. Ngày 8/9 vừa qua, ông Trump tỏ ra không khoan nhượng với nhà khổng lồ công nghệ Mỹ Apple, cảnh báo hãng này nên sản xuất các sản phẩm của mình tại Mỹ để tránh bị đánh thuế nặng.

Ông Trump tung ra dòng Twitter: "Giá thành của Apple có thế sẽ bị tăng vì mức thuế chúng tôi áp đối với hàng Trung Quốc. Nhưng có một giải pháp đơn giản mà không bị thuế gì hết, thậm chí còn được hưởng lợi thuế. Hãy chế tạo sản phẩm của quý vị tại Mỹ thay vì Trung Quốc. Các vị hãy bắt đầu ngay từ giờ xây dựng các nhà máy mới đi".

Trước đó nhà khổng lồ về thiết bị tin học Apple cho biết là một phần lớn các sản phẩm của hãng có thể sẽ bị dính đòn thuế quan đánh vào Trung Quốc. Lãnh đạo tập đoàn gửi thư lên chính phủ Mỹ tỏ lo ngại chính sách thuế đánh vào Trung Quốc có thể sẽ làm giảm tăng trưởng và sức cạnh tranh kinh tế Mỹ, giảm sức tiêu dùng nội địa khi giá cả hàng hóa tăng. Thế nhưng có vẻ như không gì có thể lay chuyển quyết tâm của ông Trump.

Đến lúc này Trung Quốc chỉ có thể đáp trả bằng những tuyên bố sẽ "trả đũa tương xứng" hay "kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp" của mình… Về phần mình các công ty Trung Quốc không thể ngồi chờ các nhà chính trị đã phải tính đường lo giảm thiểu thiệt hại.

Cách duy nhất của họ để tránh đòn tấn công của Donald Trump là tìm đường lắp ráp sản phẩm của mình ở nơi khác, tránh Trung Quốc ra. Theo AFP, đã có rất đông các công ty Trung Quốc sản xuất lốp xe, đồ nhựa hay dệt may bắt đầu triển khai việc di dời nhà xưởng sản xuất sang nước khác.

Tháng trước, HL Corp, một nhà sản xuất phụ tùng xe đạp thông báo chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Tập đoàn giải thích lý do đơn giản là địa điểm sản xuất mới sẽ tránh hoặc chí ít là giảm bớt tác động của thuế Mỹ. Trong các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, ông Trump đặc biệt nhắm vào sản phẩm xe đạp điện Trung Quốc.

Chuyên gia Christopher Roger, thuộc văn phòng thông tin thương mại Panjiva đóng trụ sở tại New York nhận xét: "Mức thuế mới của Mỹ dẫn tới điều không tránh khỏi là các công ty phải điều chỉnh nguồn cung ứng khi họ bất ngờ bị giảm sức cạnh tranh 25%".

Thực tế thì xu hướng di dời sản xuất sang nước khác không phải là mới đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh thị trường lao động trong nước bão hòa, giá nhân công địa phương tăng, các quy định về chuẩn mực môi trường bị thắt chặt hơn, công nghiệp Trung Quốc nói chung đã tìm đường di dời một phần sản xuất sang nước khác, chủ yếu là trong khu vực Đông Nam Á.

Những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giờ đây trở thành chất xúc tác thúc đẩy xu hướng này cho dù cuộc di cư có thể để lại hệ quả là làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp tại Trung Quốc, theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc.

Trước cuộc chiến thương mại, đã có nhiều công ty đa quốc gia như Hasbro, chuyên về đồ chơi, Olympus (máy ảnh) hay Decker (giày dép) đã di rời nhà xưởng ra khỏi Trung Quốc. Giờ đây các công ty của Trung Quốc theo chân các công ty trên ra đi.

Một thí dụ khác được AFP dẫn ra, đó là công ty Hailide New Material của Trung Quốc, có nhà máy lớn đóng ở Chiết Giang chuyên sản xuất sợi công nghiệp chủ yếu để xuất khẩu sang Mỹ.

Tháng trước lãnh đạo tập đoàn này đã thông báo với các cổ đông: "Hiện tại chúng ta sản xuất toàn bộ tại Trung Quốc. Để tránh rủi ro từ các biện pháp chống phá giá và bị đánh thuế cao, sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định xây dựng một nhà máy tại Việt Nam".

Để thực hiện dự án này, tập đoàn đã bỏ ra khoản đầu tư 155 triệu USD. Nhà máy mới ở Việt Nam giúp tăng 50% sản lượng của công ty, sẽ được dùng như là cơ sở xuất hàng sang Mỹ.

Những ví dụ tương tự không thiếu hiện nay ở Trung Quốc. Đó là một công ty chuyên về may mặc chuyển sang đóng ở Miến Điện, một nhà sản xuất đệm giường vừa khánh thành xưởng sản xuất ở Thái Lan, một nhà chế tạo động cơ vừa mua một nhà máy ở Mêhicô…

Trong khi đó Linglong Tyre, tận dụng nguồn tín dụng rẻ đã xây dựng một nhà máy làm lốp xe hơi với giá trị đầu tư gần 1 tỷ USD tại Serbia, ngay cửa ngõ vào Liên Hiệp Châu Âu. Tập đoàn cho rằng xây nhà máy ở nước ngoài giúp họ có tăng trưởng gián tiếp nhờ tránh được hàng rào thương mại.

Trở lại với mặt hàng xe đạp. Ngành công nghiệp này đã không còn đặt trong tâm vào Trung Quốc từ lâu và họ đã triển khai di dời sản xuất sang Việt Nam.

Giải thích với AFP, Alex Lee, phụ trách bán hàng quốc tế của hãng HL Corp cho biết : Các loại xe đạp "made in Vietnam" sẽ không bị áp thuế chống phá giá của Mỹ cũng như của châu Âu, giá nhân công địa phương thấp hơn Trung Quốc.

Xe đạp điện Trung Quốc là đối tượng của thuế quan Mỹ cũng như châu Âu. Từ tháng 7, châu Âu đã áp dụng thuế chống phá giá tăng từ 24 lên 84% đánh vào mặt hàng này vì cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc được Nhà nước trợ giá cho vật liệu nhôm sản xuất xe.

Thế nhưng HL quả quyết vẫn tiếp tục hưởng hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc ngay cả sau khi đã dời một phần sản xuất ra nước ngoài.

Cuộc đấu thương mại Mỹ -Trung dường như không có dấu hiệu đình chiến cho đến lúc này mà còn thậm chí có chiều phát triển thành cuộc chiến tổng lực không thể dự báo bên nào thắng, bên nào thua. Điều có thể thấy ngay là tác động của cuộc chiến này không chỉ giới hạn ở hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này.

Phú Lộc

Theo VietTimes