Đồng hồ của ông Park

16/12/2018 08:30

Tôi có một thói quen sau nhiều năm viết bình luận, là soi đồng hồ trên tay nhân vật. Bằng cách này, đôi lúc ta có thể đọc được “tín hiệu” về tính cách của một con người ngay cả khi nhìn ảnh họ trên báo. Thói quen này phát huy hiệu quả tốt trong nhiều trường hợp, đặc biệt là với quan chức.

Nhưng có một lần tôi bối rối. Đó là ở giai đoạn đầu của U23 châu Á, khi cái tên Park Hang-seo bắt đầu nổi lên trong tư cách một "ngôi sao". Tôi không thể tìm được mác đồng hồ ông Park đang đeo. Thoạt nhìn, trông nó có kiểu cách của một cái Hublot, khá điệu đà và gắn đá trắng. Ngay lúc nhìn thấy cái đồng hồ ấy, tôi đã tin rằng nó sẽ là một gợi ý tốt cho tính cách người đàn ông này.

Nhưng tôi lục tung catalogue hiện tại của Hublot và vài nhãn đồng hồ Thụy Sĩ khác, cũng không tìm được cái nào giống đồng hồ ông Park. Tôi phóng to cái ảnh ông Park ôm Xuân Trường trên sân (cánh tay vòng ra phía sau, lộ đồng hồ rất rõ), gửi cho bạn bè, giới chơi đồng hồ hàng hiệu ở thủ đô. Không ai nhận ra.

Và lần đầu tiên gặp ông Park, tôi đã hỏi ông về cái đồng hồ. Đó là ngày đầu tiên ông trở về từ giải U23 châu Á, và dành buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên cho báo VnExpress.

"Nhiều khán giả thắc mắc rằng cái đồng hồ ông đang đeo là loại gì. Nó là một cái đồng hồ rất đẹp" - tôi cười và hỏi để phá băng, trong lúc chờ đội kỹ thuật hoàn tất quá trình lên sóng.

Park Hang-seo cười ngượng: "Tôi chỉ là một ông già thôi, không biết gì về thời trang đâu". Hóa ra nó đúng là một cái đồng hồ Thụy Sĩ thật, và đó là lý do ông Park cười hơi ngượng: nó không hợp lắm với phong cách giản dị của ông. Nhưng giới chơi đồng hồ trẻ ở Hà Nội không nhận ra, vì mẫu đồng hồ ấy đã quá cũ rồi. "Sau vòng chung kết World Cup 2002, một hãng đồng hồ Thụy Sĩ tặng cho tôi và ông Hiddink mỗi người một cái đồng hồ. Và tôi vẫn đeo nó cho đến tận hôm nay".

Tôi đã nghĩ đúng: cái đồng hồ đúng là có nói lên tính cách của Park. Nhưng không phải theo cái cách thông thường ta nhận định về một người đeo đồng hồ Thụy Sĩ. Ông đã đeo một cái đồng hồ suốt 16 năm, như kỷ vật và chứng tích của một thời kỳ. Năm ấy, Hàn Quốc gây địa chấn toàn cầu vì lọt vào bán kết World Cup, với HLV trưởng là Guus Hiddink và trợ lý là Park Hang-seo. Ông Guus Hiddink không đeo cái đồng hồ đó sau này. Thỉnh thoảng người ta thấy Hiddink xuất hiện với một cái Rolex, mà hình như là cái được cầu thủ Chelsea tặng, giá mấy chục nghìn USD. Đồng hồ, trong trường hợp này, ngược với lối nghĩ thông thường, lại phản ánh sự giản dị của ông Park, và cách ông trân trọng công việc của mình.

Mười sáu năm. Và bạn vẫn có thể nhìn thấy nó trên tay Park Hang-seo đêm qua, khi ông cởi áo khoác lên bục nhận cúp từ Thủ tướng.

Hôm nay thì sự nghiệp của ông đã có một mốc mới. Đài SBS của Hàn Quốc đã hủy phát phim "giờ vàng" để phát sóng một trận đấu của Park Hang-seo, trận chung kết AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình.

Tôi nhìn đồng hồ trên tay ông Park ở Mỹ Đình hôm nay và nghĩ về giá trị của những dấu mốc trong cuộc đời: ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp những triết thuyết, rằng thành tích không quan trọng bằng việc bạn đã phấn đấu như thế nào. Điều đó chưa bao giờ sai. Hành trình quan trọng hơn đích đến. Nhưng hành trình cũng cần những cột mốc đánh dấu.

Bạn có thể đọc lại về sự nghiệp thăng trầm của Park Hang-seo ở đây: đã có những nốt trầm cay đắng, khi ông trở thành "người gánh tội" cho Hiddink và bị Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc sa thải. Sự nghiệp cũng đã trải qua những lúc cực kỳ khó khăn. Thể thao nói riêng và cuộc sống nói chung thì khắc nghiệt, và khả năng vùi dập của nó mạnh tới mức có thể khiến chính chúng ta hoang mang rằng mình từng là ai và sẽ là ai. Đó là khi ta cần những dấu mốc. Để nhớ rằng mình đã từng là ai và có thể làm được gì.

Đêm nay, ở Mỹ Đình, sự nghiệp của nhiều con người có thêm một dấu mốc và cả một nền bóng đá có thêm một dấu mốc. Thành tích, tất nhiên, về lý thuyết, có thể nâng tầm được một nền bóng đá: khán giả sẽ đến sân xem V-League nhiều hơn và xã hội đầu tư cho thể thao hứng khởi hơn. Nhưng cũng như sự nghiệp của Park Hang-seo hay mọi sự nghiệp thể thao khác, không ai biết bước lùi sẽ đến vào lúc nào; không ai biết rồi một năm nữa các "anh hùng bàn phím" có thể dành các phê bình chua chát thế nào với những người chiến thắng hôm nay nếu họ mắc sai lầm; không ai biết những vinh quang trụ được bao lâu. Những người trên đỉnh thế giới như Jose Mourinho hay Del Bosque cũng đã có những ngày cay đắng. Trong thể thao không ai nói hay được.

Trí nhớ của chúng ta ưu tiên thất bại hơn là thành công. Nhưng nếu những điều đó xảy ra, chính là khi chúng ta học cách trân trọng những kỷ niệm hôm nay để biết rằng mình là ai.

Khán giả học cách nhớ về những giây phút thăng hoa tột cùng của năm 2018 này, những giá trị mà trái bóng mang lại cho cảm xúc của họ, trước khi đặt tay lên bàn phím, biết tin tưởng vào vị thế của nền bóng đá, vào vẻ đẹp của thể thao, vào mục tiêu World Cup. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển của thể thao.

Cầu thủ học cách nhớ về những khoảnh khắc thiêng liêng họ đã có, sự tôn trọng họ đã nhận, để giữ sự tự tôn và thế đứng của những nhà vô địch. Trong quá khứ, đã có nhiều nhà vô địch không thể đi xa hơn những cột mốc cũ, thậm chí lao dốc, vì họ quên mất mình từng là ai.

Và tất nhiên là các lãnh đạo ngành, cũng phải học cách chịu trách nhiệm cho tư cách một nền bóng đá số 1 khu vực. Việt Nam không phải chưa từng vô địch, nhưng sau chức vô địch vẫn không xác lập được vị thế. Sau chức vô địch chỉ có những kỷ niệm ngắn ngủi và bồi hồi.

Kỷ niệm hôm nay có thể là dăm ba giây phút xúc động khi nhớ lại những năm về sau; nhưng cũng có thể là thứ giúp chúng ta tự xác lập rằng mình là ai, đẳng cấp của mình ở đâu, để bước tiếp.

Lần tới gặp Park Hang-seo, tôi sẽ hỏi ông một câu, rằng việc đeo cái đồng hồ kỷ niệm từ World Cup 2002 ấy trên tay, trong suốt 16 năm qua, có giúp ông vượt qua những lúc khốn khó nhất trong nghiệp cầm quân của mình?

Đức Hoàng/Vnexpress 

Bạn đang đọc bài viết "Đồng hồ của ông Park" tại chuyên mục Công nghệ.