Dự án của tập đoàn Vingroup phải tạm dừng, chờ chỉ đạo mới của Chính phủ

09/07/2019 14:58

Hôm nay (9/7), tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về một số nhóm vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.

Liên quan đến các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, Thành phố đã giao Sở nghiên cứu thực hiện một số dự án đường sắt đô thị theo hình thức PPP.

Du an cua tap doan Vingroup phai tam dung, cho chi dao moi cua Chinh phu
Quang cảnh kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV

Sở đã hoàn thiện dự thảo về các quy định đối với lĩnh vực này, chuẩn bị trình Thành phố xem xét. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ có ban hành một số nghị định, quyết định thay thế quy định cũ, đặc biệt là thay đổi quy định về lựa chọn nhà thầu, do đó, Sở phải rà soát lại.

Sở đã tham mưu cho UBND Thành phố công bố danh mục kêu gọi đầu tư tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, 2018. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận và cân đối nguồn lực, UBND Thành phố chỉ đạo trước mắt tập trung vào ba tuyến là tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 5 Văn Cao - Hồ Tây và tuyến số 3 đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng.

Du an cua tap doan Vingroup phai tam dung, cho chi dao moi cua Chinh phu
 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn

Hiện cũng có hai nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và T&T đang quan tâm đến các dự án này. Do dự án liên quan đến một số cơ chế đặc thù, các nhà đầu tư đang hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các dự án theo hình thức PPP để hoàn thành quy định của pháp luật. Do đó các dự án phải phải dừng chờ cơ chế, chính sách mới.

Các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã báo cáo với Thành phố và Chính phủ, hai nhà đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tính khả thi để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ tạm dừng các dự án đầu tư theo hình thức PPP để tiếp tục rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung. Cụ thể, ông Quyền cho hay UBND Thành phố giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các cơ chế chính sách để triển khai thực hiện đối với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, xe buýt... theo hình thức PPP.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định mới, đặc biệt là việc sửa đổi Nghị định số 30 về lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án. Do vậy Sở đã báo cáo, kèm theo dự thảo xin ý kiến UBND Thành phố cho phép lui lại thời gian để hoàn thiện cơ chế chính sách này.

Sau khi Chính phủ sửa đổi Nghị định số 30, Sở sẽ hoàn thiện và báo cáo UBND Thành phố ban hành quy định này. "Chúng tôi đang chờ các văn bản từ Trung ương sau đó sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố để hoàn thiện cơ chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này", ông Quyền nói.

Trước đó, ngày 28/3, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình số 27 gửi Thủ tướng đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Theo đó, Hà Nội dự báo có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong vòng 8 năm (2018 - 2025) cho 3 dự án. Trường hợp không huy động đủ vốn từ các nguồn trên, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

B.T.Q
Theo Phụ nữ TP.HCM