Financial Times: 'Sự trỗi dậy của đế chế Vingroup'

05/07/2019 10:38

Vingroup kinh doanh vô số mặt hàng, từ smartphone, bất động sản cho đến trường học. Tuy nhiên không ít người lo ngại về tầm ảnh hưởng của tập đoàn này.

Vingroup kinh doanh vô số mặt hàng, từ smartphone, bất động sản cho đến trường học. Tuy nhiên không ít người lo ngại về tầm ảnh hưởng của tập đoàn này.

Vài tuần trước, từ Hà Nội, tôi đi tới cảng Hải Phòng. Tài xế đưa tôi tới đảo Cát Hải, nơi một công trình lớn đang thành hình. Đó là nhà máy ôtô VinFast, “thương hiệu xe hơi quốc gia” đầu tiên của Việt Nam.

Dự án có tổng đầu tư 3,5 tỷ USD, Vingroup - công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam - xây dựng một nhà máy lắp ráp xe hơi trên nền đất bồi lấn ven biển. Cơ sở hiện đại này được hoàn tất trong vòng 21 tháng, nhanh đến mức khi tôi mở Google Maps để kiểm tra địa điểm thì ứng dụng xác định tôi đang đứng trên mặt biển.

Ở Việt Nam, Vingroup được nhiều người đánh giá không khác gì một chaebol, tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc kiểu Hyundai hoặc Samsung, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Nhà máy VinFast tại Hải Phòng. Ảnh: Financial Times.

Thương hiệu Vingroup xuất hiện khắp nơi tại Việt Nam. Vingroup khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh mì gói ở Ukraine, xây dựng uy tín trong ngành bất động sản và resort trước khi mở rộng kinh doanh ở những lĩnh vực như cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện và gần đây nhất là điện thoại thông minh và xe hơi.

Hồi tháng 4, Vingroup khai trương khách sạn 5 sao tại Landmark 81, tòa nhà cao nhất Đông Dương, một địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn các tòa nhà cao tầng làm thay đổi đường chân trời TP.HCM.

Khi giải đua xe Công thức 1 bắt đầu tại Hà Nội vào năm tới, Vingroup sẽ là nhà tài trợ độc quyền.

Ở thời điểm này, tại Việt Nam chắc chắn có không ít người giàu có sống trong khu dân cư Vinhome, cho con cái học ở Vinschool (và từ năm 2020 Đại học VinUni), nghỉ mát ở resort Vinpearl và sạc xe điện VinFast tại một cửa hàng VinMart.

Tốc độ mở rộng chóng mặt

Phó chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy mô tả tập đoàn này cung cấp dịch vụ và hàng hóa “đầu cuối” cho một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

“Nhờ uy tín cao của Vingroup, bất cứ sản phẩm nào chúng tôi tung ra thị trường cũng bán chạy”, bà Thủy, cựu giám đốc ngân hàng Lehman Brothers, khẳng định khi tiếp tôi tại văn phòng của VinFast.

Có thể nói sự phát triển của Vingroup cũng phần nào đó tương tự đất nước Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Nhà sáng lập Vingroup là người giàu nhất trong nhóm 5 tỷ phú USD của Việt Nam với khối tài sản ròng 7,6 tỷ USD, theo ước tính của tạp chí Forbes.

Phó chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy. Ảnh: Financial Times.

Đất nước Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, mức lương trung bình của người Việt Nam tăng 17%, thu nhập sau thuế tăng 29% từ năm 2014 đến 2018. Mức lương trung bình sẽ tăng thêm 30%, thu nhập sau thuế 26% vào năm 2022.

Nielsen cho biết số lượng người giàu tại Việt Nam tăng rất nhanh, bao gồm số triệu phú USD. Dự kiến tới năm 2025, số triệu phú USD tại Việt Nam sẽ tăng 170% lên 38.600 người.

Trong vòng vài tháng nghiên cứu Vingroup, tôi đã quan sát được sự thay đổi của Việt Nam một cách rõ ràng hơn. Tôi di chuyển liên tục giữa Hà Nội và TP.HCM, tới đảo Phú Quốc nơi Vingroup đang xây một công viên safari và hàng nghìn phòng khách sạn.

Tôi nói chuyện với những người đã theo dõi chặt chẽ sự vươn lên của Vingroup, từ các giám đốc công ty và cố vấn, nhà phân tích, nhân viên cũ mới cho tới các nhà hoạt động xã hội.

Không khó để ngưỡng mộ Vingroup. Công ty này đã thành công trong việc tuyển dụng hàng loạt nhân sự Việt Nam và ngoại quốc có kinh nghiệm và trình độ để mở rộng hoạt động. CEO của VinFast là Jim DeLuca, cựu Phó chủ tịch General Motors.

Mở rộng quá đà?

Tuy nhiên tốc độ mở rộng chóng mặt của Vingroup cũng dẫn tới nhiều câu hỏi. Một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại công ty này đang mở rộng quá đà ra khỏi ngành bất động sản để kinh doanh trong lĩnh vực xe hơi có tính cạnh tranh và độ mạo hiểm quá lớn.

Nhiều người Việt Nam bày tỏ lo ngại Vingroup và các công ty tư nhân lợi dụng mối quan hệ để mở rộng kinh doanh. Điều đó có thể dẫn tới nguy cơ các tập đoàn lớn sở hữu quá nhiều quyền lực, giống như các chaebol ở Hàn Quốc.

“Để thành công tại Việt Nam, bạn phải nuôi dưỡng mối quan hệ tốt”, chuyên gia Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

Ảnh: Financial Times.

Khi viết bài báo này, tôi đọc được thông tin rằng nhiều khách hàng Vingroup đã gặp rắc rối sau khi lên tiếng chỉ trích tập đoàn này. Các bài chỉ trích Vingroup sau khi được đăng đột ngột biến mất trên các trang web và cả Facebook.

Đặng Hoàng Giang, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ, cho biết người dân Việt Nam có quan điểm khá mâu thuẫn về Vingroup.

“Một phần họ ngưỡng mộ Vingroup về những hạ tầng như khu dân cư, resort… Một phần khác, mà tôi là một trong số đó, lo ngại về những tác động tiêu cực tới môi trường từ các hoạt động kinh doanh của Vingroup, về chuyện tài sản công trở thành tài sản của Vingroup, về việc họ tìm cách lèo lái truyền thông và ngăn ngừa những chỉ trích”.

Tỷ phú kín tiếng

Ông chủ Vingroup là Phạm Nhật Vượng, còn được nhiều người gọi là “Vượng Vin”. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam là một người kín tiếng. Tôi được biết ông ấy chỉ trả lời phỏng vấn báo chí một lần mỗi năm.

Ông Vượng sinh năm 1968 và lớn lên tại Hà Nội. Thời thập niên 1980, ông được đi học tại Đông Âu. Sau khi học đại học tại Moscow, ông chuyển tới Kharkiv ở Ukraine.

Giai đoạn Liên Xô tan rã tạo ra những cơ hội kinh doanh béo bở cho bất kỳ ai đủ nhanh nhạy để nắm bắt. Ông Vượng ban đầu hợp tác với Lê Viết Lam, một sinh viên Việt Nam, người sau này trở thành ông chủ tập đoàn Sungroup.

Năm 1993, hai người thành lập công ty Technocom, sử dụng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, để thành lập Mivina, thương hiệu mì gói bán chạy nhất Ukraine.

10 năm trước, ông Vượng bán công ty này cho Nestle với giá 150 triệu USD và đem số tiền này về nước để đầu tư. Đó là thời điểm hoàn hảo, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tấn công Ukraine trong khi các cải cách thị trường thúc đẩy tăng trưởng ở Việt Nam.

Dự án lớn đầu tiên của ông Vượng là khu nghỉ dưỡng Vinpearl nằm trên một hòn đảo hoang sơ ở Nha Trang. Hiện nay, thỉnh thoảng các nhân viên Vingroup vẫn nói về việc ông Vượng vượt qua hàng loạt khó khăn về kỹ thuật để xây hệ thống cáp treo nối liền thành phố Nha Trang với Vinpearl.

Sau thành công bước đầu đó, ông Vượng xây khu phức hợp văn phòng - căn hộ đầu tiên tại Hà Nội, Vincom Center Bà Triệu và một số khu dân cư ở Hà Nội cũng như TP.HCM. Phần lớn được xây dựng với sự hỗ trợ của cơ chế “xây dựng - chuyển giao”, nghĩa là nhà đầu tư được cấp đất để phát triển dự án, đổi lại phải xây dựng đường sá, hạ tầng.

Năm 2012, ông Vượng sáp nhập Vinpearl, công ty kinh doanh khu nghỉ dưỡng, với Vincom, công ty bất động sản, để thành lập Vingroup. Một năm sau, Forbes xác định ông Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam.

“Câu chuyện của ông Vượng phản ánh sự phát triển của Việt Nam thời kỳ hậu chiến”, tạp chí này khen ngợi.

Tham vọng xe hơi

Ở thời điểm này, chiến lược kinh doanh của ông Vượng vẫn được thực hiện theo đúng ý đồ này. Vingroup là môi trường làm việc đầy áp lực. Công ty áp dụng quy định trang phục nghiêm ngặt, nhân viên vi phạm sẽ bị trừ lương.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Vượng mô tả văn hóa của công ty được xây dựng dựa trên 3 giá trị là “lòng yêu nước, kỷ luật và văn minh”. Ông yêu cầu các nhân viên đọc cuốn Good to Great: Why Some Companies Make the Leap… and Others Don’t của Jim C. Collins.

Vingroup đang tiếp tục mở rộng kinh doanh trong các ngành khác và liên tục tung ra sản phẩm mới. VinFast mới giới thiệu xe máy điện, nhưng đặt cược rằng nhiều người Việt Nam sẽ bỏ tiền ra mua xe hơi. Hoạt động sản xuất mẫu sedan đầu tiên của VinFast đã bắt đầu trong tháng này.

Năm ngoái Việt Nam đưa ra các quy định mới hạn chế nhập khẩu xe hơi nước ngoài. Những quy định này có lợi cho các nhà sản xuất xe hơi ở Việt Nam. Chính phủ cũng công bố kế hoạch hạn chế xe máy gây ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM.

Bên trong nhà máy của VinFast. Ảnh: Financial Times.

Khi tôi hỏi bà Thủy rằng Vingroup có tác động đến các chính sách giao thông, bà phản bác: “Chúng tôi không bao giờ vận động hành lang”.

Nói về kế hoạch của ông Vượng với Vingroup, bà Thủy cho biết công ty này có nhiệm vụ “dẫn dường” trong nhiều ngành công nghiệp với mục tiêu trở thành người dẫn đầu.

“Chúng tôi rất may mắn bởi trong những năm qua, chính quyền đã hỗ trợ khu vực tư nhân mạnh mẽ. Chúng tôi may mắn vì ở vị trí chính xác và đang làm tất cả vì lợi ích của đất nước”, bà Thủy nói.

Giấc mơ AI

Sự xâm nhập của Vingroup vào tất cả các lĩnh vực của đời sống tại Việt Nam sẽ còn tiếp diễn. Năm ngoái công ty gây ngạc nhiên khi tuyên bố thành lập doanh nghiệp kinh doanh điện thoại VinSmart và cơ sở nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu.

Ông Vượng tuyển hàng loạt nhân tài cho các chi nhánh này, bao gồm một số Việt kiều. Giáo sư Vũ Hà Văn, từng học tiến sĩ tại Đại học Yale, trở thành cố vấn về AI cho Vingroup.

Tôi nói chuyện với giáo sư Văn tại khu căn hộ Times City ở Hà Nội. Nơi đây ngoài các căn hộ còn có bệnh viện Vinmec, trường Vinschool, trung tâm mua sắm Vincom Mega Mall và Thủy cung Vinpearl Aquarium.

Trong văn phòng của Vingroup, nơi có treo ảnh Bill Gates và Steve Jobs, giáo sư Văn cho biết hoạt động nghiên cứu dữ liệu sẽ giúp Vingroup phát triển thêm nhiều dịch vụ khi mở rộng kinh doanh ở các mảng điện thoại, tivi, nhà thông minh và xe hơi.

Ví dụ chuỗi siêu thị VinMart có thể sử dụng “máy quay thông minh” để xác định khoảng thời gian khách hàng dừng lại ở một khu vực nào đó của cửa hàng.

Ông Văn nói rằng nhóm AI đang thực hiện những nghiên cứu “để giúp cộng đồng khoa học nói riêng và xã hội nói chung”. Một dự án của họ là lập bản đồ gen của người Việt Nam.

Thông qua một chương trình có thể đem lại lợi ích cho ngành công nghệ cao còn non trẻ của Việt Nam, Vingroup cấp học bổng cho các sinh viên tài năng mà không kèm điều kiện là phải trở về làm việc cho công ty.

“Đằng nào thì chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi khi lực lượng lao động của cả đất nước phát triển”, ông Văn khẳng định.

Tuy nhiên, khi Vingroup và các công ty tư nhân khác mở rộng tầm ảnh hưởng và đầu tư vào các công nghệ mới, nhiều người cho rằng cần phải có cơ chế giám sát họ.

Giám sát mạng xã hội

Khi tôi lần đầu viết về VinFast cho Financial Times hồi năm 2018, công ty liên hệ với tôi chỉ vài phút sau khi bài báo của tôi xuất hiện trên mạng. Họ đề nghị tôi xóa một câu về mối quan hệ giữa Vingroup với BMW. Vingroup không phủ nhận thông tin này và Financial Times từ chối yêu cầu đó.

Kiến trúc sư Sơn Đặng ở Nha Trang cho biết ông phát hiện Công viên Safari Phú Quốc của Vingroup được xây lấn vào vườn quốc gia. Ông viết bài về vấn đề này và đăng trên Facebook, sau đó được BBC Việt ngữ dẫn lại. “Sau khi tôi đăng bài, có rất nhiều bình luận chỉ trích tôi và bênh Vingroup xuất hiện”, ông nói. Ông còn cho biết bị quấy rối ngay tại nhà.

Tại Hà Nội, tôi gặp một nhóm doanh nhân. Năm người mua căn hộ ở khu Vinhomes Skylake cho biết họ đã trả mức giá trên mỗi m2 thuộc vào loại cao nhất Hà Nội để mua căn hộ mà họ không muốn chuyển đến ở. Họ bức xúc vì đến giờ dự án vẫn chưa có hồ điều hòa và đường xá như đã hứa.

Và các nhà đầu tư này rất ngạc nhiên vì phản ứng của Vingroup. Hồi tháng 1, khoảng 250 khách hàng mua nhà ở khu Skylake gặp đại diện Vingroup để chất vấn về sự chậm trễ này. Sau cuộc gặp đó, một số khách hàng cho biết họ nhận tin nhắn điện thoại với nội dung “đe dọa sự an toàn” của các thành viên gia đình họ.

Khi tôi hỏi Vingroup về những vấn đề này, công ty trả lời “thông tin đó là không chính xác, không có cơ sở thực tế, chỉ là tin đồn vô căn cứ”.

Khi được hỏi về tranh chấp Skylake, Vingroup giải thích UBND Hà Nội sẽ thực hiện các công trình công cộng và “chúng tôi không thể can thiệp”. Họ nói vấn đề này “đã được ghi rõ trong hợp đồng mua bán nhà” và đã giải thích cho khách hàng, “nhưng một số không chịu hiểu”.

Đỗ Thanh Huyền sống ở Hà Nội cho biết một nhân viên Vingroup đã liên hệ với cô khi cô viết trạng thái than phiền chuyện một máy trộn xi măng nằm chình ình trên vỉa hè tại một khu Vinhomes, khiến người đi bộ phải đi xuống đường.

Nhân viên Vinhomes nói đang xử lý vấn đề và đề nghị cô gỡ dòng trạng thái đó, nhưng cô từ chối. “Chuyện Vingroup không phải là chuyện xe hơi, xe máy điện, AI hay trường học. Đó là chuyện họ muốn kiểm soát xã hội. Chúng ta cần học bài học từ các chaebol (ở Hàn Quốc)”, cô nhấn mạnh.

Vingroup xác nhận họ có theo dõi mạng xã hội với mục tiêu “phản ứng nhanh để bảo vệ lợi ích của khách hàng”. “Thông thường những người viết than phiền trên mạng xã hội sẽ tự nguyện sửa hoặc gỡ bài viết”, đại diện Vingroup nói với tôi.

Quá lớn để sụp đổ?

Cuộc tranh luận về Vingroup diễn ra trong một thời điểm quan trọng. Các chaebol là nền tảng của “phép màu phát triển kinh tế” Hàn Quốc, nhưng các tập đoàn này cũng liên tục khiến hệ thống tài chính Hàn Quốc chấn động và dính líu tới nhiều vụ scandal.

Một chuyên gia Hàn Quốc nói có nguy cơ các công ty mới nổi ở Việt Nam có thể trở thành “quá lớn để sụp đổ”, dẫn tới nhiều hậu quả với nền kinh tế và xã hội.

“Nếu Vingroup và các công ty khác kiểm soát phần lớn hệ thống sản xuất của Việt Nam và tuyển dụng phần lớn nguồn nhân lực, chính quyền có thể phải dựa vào họ khi xem xét các chính sách kinh tế”, giáo sư Woochan Kim thuộc Đại học Hàn Quốc (Seoul) nói.

“Quản trị doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn, và truyền thông sẽ bị phụ thuộc nặng nề vào doanh thu quảng cáo. Khi đó, truyền thông sẽ không dám đưa tin về scandal của những công ty này”, giáo sư Kim phân tích.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng và thị trường bất động sản luôn nóng, Vingroup có nhiều điều kiện để tiếp tục phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, sự phát triển của các công ty không bao giờ đi theo một đường thẳng, kể cả những tập đoàn lớn nhất.

Theo Zing