Giá điện, xăng cùng tăng: Cá, rau quả, đến cả vàng mã cũng tăng giá; tiểu thương khổ

05/05/2019 12:26

Giá điện, xăng cùng tăng liên tiếp khiến nhiều mặt hàng khác phải tăng theo. Nhưng không chỉ có người mua khổ sở, mà người bán cũng than trời vì cảnh chợ ế ẩm hơn khi buộc phải tăng giá bán...

Giá điện, xăng cùng tăng liên tiếp khiến nhiều mặt hàng khác phải tăng theo. Nhưng không chỉ có người mua khổ sở, mà người bán cũng than trời vì cảnh chợ ế ẩm hơn khi buộc phải tăng giá bán...

Tại nhiều cửa hàng, khu chợ ở TP.HCM, không chỉ có người mua khổ, mà cả người bán cũng khốn đốn trong “bão giá”! - Ảnh: HOÀI NHÂN

Tiểu thương khổ sở vì giữ giá thì lỗ, tăng giá thì ế

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại nhiều khu chợ lớn nhỏ ở TP.HCM, nhiều tiểu thương ngán ngẩm cho biết, giá xăng dầu, điện đồng loạt tăng khiến họ lâm vào tình trạng khá bi đát: nếu không tăng giá các sản phẩm mình bán thì cũng khó lời, mà tăng giá đột ngột thì mất hẳn một lượng khách vì ai cũng đang thắt chặt chi tiêu hàng ngày (trong đó có tiền đi chợ).

Tại hàng cá ở chợ Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) của ông Đặng Văn Quang (50 tuổi), khách có phần ít đi kể từ khi giá điện, xăng "leo thang". Đây là một hàng chuyên bán cá tươi trong ngày, tức cá được vận chuyển trực tiếp từ biển về và chỉ bán trong ngày, không bảo quản. Vì vậy khi giá xăng tăng, chi phí vận chuyển hàng ngày tăng, khiến ông không thể giữ giá cũ.

“Cá tươi là mặt hàng tăng giảm giá tùy theo biển êm hay biển động, dao động trong khoảng 20 – 30%, nhưng dù sao vẫn theo mùa. Còn giá xăng mới trong vòng 30 ngày tăng 3 lần, làm mỗi thùng hàng chuyển vô tăng mấy chục nghìn. Vậy là giá cá tôi phải đẩy lên khoảng 10%. Cụ thể, cá ngừ từ 90 nghìn đồng/kg phải lên 100 nghìn. Cá dứa hiện cũng đã 250 nghìn đồng/kg. Đột ngột tăng nên khách đến mua cứ lần lựa, nhưng không tăng là không lời nổi”, ông Quang cho biết.

Ông cũng ngán ngẩm vì hóa đơn tiền điện ở nhà tháng này lên tới 2,2 triệu đồng, trong khi tháng trước đó chỉ có hơn 1 triệu đồng. Lý do là giá điện tăng, TP.HCM lại hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt phải sử dụng nhiều thiết bị điện. Giờ đây, gia đình ông Quang phải cắt giảm nhiều thứ từ ăn uống, đi lại cho đến hạn chế máy quạt, máy lạnh, đèn đuốc để cân bằng lại chi tiêu.

[VIDEO] Khổ sở chi tiêu thời bão giá

Nhiều tiểu thương bấm bụng kìm giá cho những mặt hàng tươi sống, bởi nếu tăng giá thì vắng khách mua, sẽ càng thua lỗ - Ảnh: HOÀI NHÂN

Xăng, điện tăng giá, nhiều mặt hàng thịt, cá, rau củ quả tăng theo khi chi phí bảo quản, vận chuyển quá cao - Ảnh: ANH LÊ

Ông Đặng Văn Quang (tiểu thương) lo lắng vì thấy người mua có phần thưa thớt hơn khi tăng giá cá - Ảnh: HOÀI NHÂN

Hàng rau củ quả của bà Huỳnh Thị Nga (57 tuổi) cũng đồng cảnh ngộ, dù bà là một tiểu thương lâu năm, đã bán được 13 năm nay với rất nhiều khách quen.

Bà giải thích: “Chợ đầu mối tăng thì mình phải tăng theo, giờ mỗi món lên 2 – 3 nghìn. Rau thì cũng đỡ, còn trái cây tăng mạnh. Thực sự thì vật giá vẫn leo thang theo thời gian, nhưng tại lần này điện, xăng tăng đột ngột quá, lại cùng lúc nữa chứ, nên người mua chưa thích nghi kịp, bán ít đi rất nhiều”.

Bà cũng cho biết, thậm chí vừa qua rau củ quả tồn nhiều, bà phải chấp nhận bán giá cũ hoặc bán hòa vốn. “Vì khách không mua, bán chậm mình cũng chết. Rau củ quả mà đâu phải như các hàng “nằm” khác để lâu được. Song song đó là cân nhắc tất cả các khoản chi tiêu gia đình, muốn đau đầu luôn. Quần áo trước 2 ngày giặt máy thì giờ chịu khó để 3 – 4 ngày. Điều hòa bật 3 tiếng thì giờ giảm còn 1 tiếng rưỡi. Nói chung cắt giảm tất cả những cái thiết thực nhất", bà nói.

Bà Huỳnh Thị Nga (tiểu thương) nhiều lần phải bán hòa vốn cho khách quen để giữ mối - Ảnh: ANH LÊ

Người bán ngoài tính toán cân đối giá cả hàng hóa, cũng phải cố gắng cân đối chi tiêu gia đình vì mang nỗi khổ chung thời "bão giá" - Ảnh: HOÀI NHÂN

Bà Châu Thị Kiều Phương (45 tuổi) một tiểu thương khác cũng cho biết, các mặt hàng “nằm” như bột ngọt, đường, muối có thể tăng, vì nhu cầu người ta sử dụng mỗi ngày, lỡ có bán chậm vẫn để lâu được. Nhưng các hàng khô, tươi như thịt, sả bằm, ớt xay, chao, củ cải muối tăng giá sẽ bán chậm, mà bán chậm sẽ hư hao.

“Vậy nên tôi phải chấp nhận giữ giá bình dân, thu nhập hao hụt lại. Giờ kinh tế chợ giảm sút lắm, chợ nào cũng vậy”, bà Phương khẳng định.

'Tăng từ từ thôi để người dân còn kịp xoay sở'

Không chỉ thực phẩm, đồ ăn uống, mà tiểu thương Trần Thị Tiến (56 tuổi), chủ một sạp hoa và vàng mã còn cho biết, những mặt hàng này cũng tăng giá vì chi phí vận chuyển quá cao: “Một xe hàng mã trước kia tôi lấy là 2 – 3 triệu, giờ phải lấy 3 – 4 triệu. Hoa cúc mọi khi lấy 10 nghìn một bó, giờ lên 13 – 14 nghìn. Buôn bán cũng khổ lắm, nguồn cung tăng thì tiểu thương phải tăng, chứ đâu phải tự tiện tăng cho bị chê bán đắt”.

Chợ vắng vẻ hơn trong thời "bão giá" - Ảnh: ANH LÊ

Người bán kẻ mua khổ sở thời “bão giá”, thì những công việc thường xuyên trực tiếp sử dụng điện, xăng dầu lại càng… than trời! Nhiều tài xế xe ôm truyền thống cũng cân nhắc đoạn đường để “nhích” giá từng chuyến lên một ít nhằm bù lại tiền xăng.

Trong khi đó, giới tài xế xe ôm công nghệ cũng lo lắng vì hãng không tăng giá cước trước sự cạnh tranh cao, trong khi xăng lại tăng giá khiến thu nhập họ giảm sút.

“Từ tháng 2, giá cước mỗi km chỉ thay đổi nhẹ chứ không tăng. Trong khi bây giờ, xăng tăng liên tiếp 3 lần, như vậy sẽ hao hụt thu nhập cho tài xế tụi mình. Một ngày đổ xăng mấy lần, nhìn tiền nhảy trên trụ xăng mà đau lòng luôn”, anh Phạm Văn T., một tài xế Grabbike bộc bạch.

Anh Hồ Văn Tài (ngụ Q.Thủ Đức), một tài xế xe tải nhận vận chuyển hàng hóa gần khu vực chợ Thủ Đức, cũng chia sẻ: “Với giá xăng như vầy, mình phải tính kỹ lại các đoạn đường nhận chạy để không bị lỗ. Ấy là với khách mới, còn những khách hàng quen thuộc, không tăng được đâu. Phải giữ giá cũ để giữ khách, rồi từ từ thông báo với họ. Đợt này tự dưng tăng giá cùng lúc cả xăng cộ lẫn điện đóm. Muốn tăng thì cũng được, nhưng mà từ từ thôi để người dân còn kịp xoay sở”.

Tài xế xe ôm công nghệ và những người làm nghề vận chuyển bị hao hụt thu nhập khi xăng liên tiếp tăng giá - Ảnh: HOÀI NHÂN

Những tiệm sửa xe cho biết, giá rửa xe thường chỉ tăng một lần vào dịp Tết, dù giá điện nước có tăng - Ảnh: HOÀI NHÂN

Công việc rửa xe, bơm vá xe cũng đòi hỏi sử sụng điện hằng ngày. Ông Đặng Tô Châu (54 tuổi), một thợ sửa xe cạnh chợ Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) cho biết: “Điện tăng thì tăng, chứ giá rửa xe, bơm xe gì cũng phải giữ nguyên hết. Đâu có đùng một cái tăng liền người ta nói chết. Giữ giá cho đến sang năm, thường là vào 4 ngày Tết tăng lên rồi mới giữ giá mới đó luôn được”. Do đó, chủ tiệm là người chịu trận dù tiền điện có nhiều hơn.

Hoài Nhân - Anh Lê

Theo Thanh Niên