Hà Thành Group - chân dung đại gia thâu tóm 'đất vàng' ngành đường sắt

15/06/2019 21:51

Hà Thành Group hoạt động theo mô hình tập đoàn, với nhiều đơn vị thành viên trong các lĩnh vực thuỷ điện, xi măng, thiết bị ngân hàng, xuất khẩu lao động, vận tải hành khách, khách sạn, bất động sản...

Tư nhân hoá "đất vàng"

Xin được bắt đầu bài viết với một phần Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được công bố đầu năm 2016.

Theo đó, thời điểm tháng 1/2013, sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, VNR có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất tại địa chỉ 22 Phan Bội Châu - 80 Lý Thường Kiệt để thành lập pháp nhân mới với mục đích đầu tư khách sạn.

Tháng 1/2013, VNR báo cáo xin Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trương đầu tư và lựa chọn đối tác là Công ty TNHH MTV Hà Thành. Bộ GTVT thống nhất theo đề nghị và giao Hội đồng Thành viên VNR xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

VNR sau đó không thực hiện theo chỉ đạo nêu trên của Bộ GTVT nhưng vẫn ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty Hà Thành, thuê thẩm định giá (lợi thế, quyền thuê sử dụng đất và tài sản trên đất), đàm phán vốn góp, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, VNR đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn, với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá. Tiếp đó, khi dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì VNR đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.

"Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn không qua đấu giá, đầu thầu”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

22PBC

Dự án khách sạn tại địa chỉ 22 Phan Bội Châu - 80 Lý Thường Kiệt tới nay vẫn bất động. Ảnh Huy Ngọc

Trước khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, dấu hiệu sai phạm tại dự án 22 Phan Bội Châu - 80 Lý Thường Kiệt đã được nhiều cơ quan báo chí thông tin. Tháng 12/2015, Sở TNMT Hà Nội thông báo tạm dừng mọi giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khách sạn tại địa chỉ nêu trên.

Hà Thành Group

Vụ việc làm tốn nhiều giấy mực của báo giới, tuy nhiên không có nhiều thông tin về Công ty Hà Thành - nhà đầu tư đã được VNR lựa chọn hợp tác phát triển dự án và sau đó nhanh chóng "sang tay" toàn bộ phần vốn (không thực hiện được).

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy Công ty TNHH Hà Thành được thành lập từ năm 1997, đóng trụ sở tại Thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá và thuộc sở hữu 100% của vợ chồng doanh nhân Phan Huy Lệ.

Hà Thành hiện có vốn điều lệ 568 tỷ đồng, trong đó ông Phan Huy Lệ (SN 1964) chiếm 98,63%, bà Phạm Thị Tình sở hữu 98,63% còn lại, hoạt động trong lĩnh vực chính là "Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác - mã ngành 4659". Tuy nhiên tại Thanh Hoá, Hà Hoàng được biết đến nhiều với dự án Thuỷ điện Thành Sơn công suất 30MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại huyện Quan Hoá.

Screen Shot 2019-06-14 at 5.06.51 PM

Ông Phan Huy Lệ - Chủ tịch HĐQT Hà Thành Group. Ảnh: Thikeko

Dù "đại bản doanh" đặt ở Thanh Hoá, song vợ chồng doanh nhân họ Phan lại đang cư trú tại KĐT mới Linh Đàm, Hà Nội.

Ngoài dự án liên doanh với VNR, vợ chồng ông Phan Huy Lệ còn nhiều khoản đầu tư rất lớn khác ở Hà Nội, với "khẩu vị" chính là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Qua đó hình thành một nhóm doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn với "lõi" là Công ty TNHH Hà Thành. Hà Thành hiện nắm 99,97% cổ phần CTCP Thiết bị Vật tư Ngân hàng (vốn 100 tỷ đồng), 99,99% cổ phần CTCP Ô tô Vận tải Hà Tây (vốn 30 tỷ đồng).

Một số đơn vị khác trong nhóm này có thể kể ra như CTCP Ô tô Vận tải Hà Tây, CTCP Thiết bị Vật tư Ngân hàng, CTCP Tư vấn Đầu tư Phát triển và xây dựng Thikeko, CTCP Xây dựng Dịch vụ và Hợp tác lao động (OLECO, vốn 60 tỷ đồng).

Tại Thikeko, bà Phạm Thị Tình giữa năm 2015 chào mua công khai 611.000 cổ phiếu, tương đương 43% vốn doanh nghiệp này trong đợt đấu giá của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hiện nay vợ chồng ông Phan Huy Lệ đã chiếm tới 97,89% vốn Thikeco - doanh nghiệp quy mô khá nhỏ tuy nhiên sở hữu mảnh đất 7.000 m2 trên phố Lương Thế Vinh, Trung Văn, Hà Nội.

Không chỉ giới hạn ở Hà Nội và Thanh Hoá, Hà Thành còn mở rộng hoạt động sang Nghệ An, với loạt doanh nghiệp như CTCP Thuỷ điện TLT, CTCP Xi măng và VLXD Cầu Đước (chủ Nhà máy Xi măng Cầu Đước nay đã giải thể), CTCP Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Quang Trung.

Đồng hành cùng Hà Thành trong suốt chặng đường phát triển suốt nhiều năm qua là một tổ chức tín dụng, là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Thanh Hoá. Đây là nhà tài trợ vốn cho dự án Thuỷ điện Thanh Sơn gần 1.000 tỷ đồng, nhận thế chấp CTCP Thiết bị Vật tư Ngân hàng, CTCP Ô tô Vận tải Hà Tây, cổ phần Thikeko, thậm chí toàn bộ phần vốn 580 tỷ đồng thuộc sở hữu của vợ chồng ông bà Phan Huy Lệ.

Xuân Tiên/Nhà đầu tư