Hãng hàng không Vinpearl Air chọn Nội Bài làm ‘thủ phủ’, Cục hàng không ‘gật đầu’?

20/09/2019 14:07

Trong đề xuất gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất chọn sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ. Phía Cục hàng không Việt Nam cho rằng, điều này là khả thi vì hiện Nội Bài ‘dư’ điểm đỗ đáp ứng.


Trong đề xuất gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất chọn sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ. Phía Cục hàng không Việt Nam cho rằng, điều này là khả thi vì hiện Nội Bài ‘dư’ điểm đỗ đáp ứng.

‘Bật đèn xanh’ cho Vinpearl Air và Vietravel Airlines

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho rằng: “với Vinpearl Air, không nghi ngờ gì khả năng của Vingroup trong việc tổ chức hãng hàng không”.

“Việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là phù hợp. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được”, ông Thắng nói.

Trong một diễn biến khác, đối với hãng hàng không Vietravel Airlines chọn sân bay Phú Bài làm căn cứ, phía Cục hàng không cũng cho rằng điều này là khả thi.

Hãng hàng không Vinpearl Air chọn Nội Bài làm ‘thủ phủ’, Cục hàng không ‘gật đầu’? - Ảnh 1.

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, trong giai đoạn đầu, Vietravel chỉ khai thác 3 tàu bay nên nhu cầu về chỗ đỗ không nhiều. Sức ép về cơ sở hạ tầng, chỗ đỗ, sức ép bay đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất không phải là lớn.

Khi Vietravel Airlines phát triển lên 6 tàu, hy vọng khi đó hạ tầng sẽ được cải thiện hơn. Hơn nữa, Vietravel lựa chọn chuyến bay charter vào những giờ không căng thẳng về slot thì vẫn khả thi.

Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không VN cho biết, việc Vietravel Airlines hay Vinpearl Air muốn khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Vietstar Airlines chờ đến bao giờ?

Trong khi Bamboo Airways, Vinpearl Air hay Vietravel Airlines tỏ ra khá suôn sẻ trong việc thành lập, cấp phép bay thì Hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) lại tỏ ra khá lận đận.

Dù nhiều lần, ông chủ của Vietstar Airlines đã có văn bản cầu cứu tới Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ những vẫn chưa nhận được cái “gật đầu”.

Lý do được đưa ra là hãng này chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ” là chưa hợp lý. Hiện hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Nhưng liệu lý giải này có đúng thực tiễn?

Hãng hàng không Vinpearl Air chọn Nội Bài làm ‘thủ phủ’, Cục hàng không ‘gật đầu’? - Ảnh 2.

Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Vietstar Airlines cho biết, bản thân Vietstar Airlines đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ còn 10 máy bay từ nay đến 2021, trong đó, chỉ có 5 chiếc đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2018-2020.

Nói về điểm đỗ cho 5 chiếc máy bay này, Vietstar Airlines cho biết, "hãng hiện có 2 hangar bảo dưỡng máy bay thuộc sở hữu của một đơn vị cùng tập đoàn. Điều này cho phép cả 5 máy bay của hãng đậu qua đêm vào thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ, nhường sân đỗ cho các hãng hàng không khác"

Tuy nhiên, không hiểu sao Hãng vẫn chưa được Bộ GTVT và Chính phủ đồng ý cấp phép bay mà vẫn phải chờ mở rộng nhà ga T3, Tân Sơn Nhất.

“Chúng tôi đợi gần 10 năm qua, đồng thời đã chuẩn bị đủ tài chính, nhân lực, dịch vụ… nhưng chưa được cấp phép bay là thiệt thời lớn cho hãng. Mà trong bối cảnh, nhà ga T3, Tân Sơn Nhất chưa biết đến với lúc nào mới hoàn thành, điều này gây những khó khăn lớn cho "giấc mơ bay" của Vietstar Airlines cũng như các vấn đề tài chính, kinh doanh của hãng".

"Vì thế, mong muốn Bộ GTVT, Chính phủ sớm cân nhắc cho phép Vietstar Airlines được bay sớm vì đã đủ điểm đỗ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bay”, đại diện Hãng cho biết.

“Nội lực” Vietstar Airlines thế nào?

Được thành lập năm 2010, Vietstar Airlines là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân).

Tính tới thời điểm năm 2014, hãng có 3 cổ đông chính là Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (sở hữu 67% cổ phần), Công ty sửa chữa máy bay A41 (sở hữu 25% cổ phần) và Công ty CP Logistic Ngôi Sao Việt (8% cổ phần) với vốn điều lệ là 400 tỷ đồng.

Vietstar đưa ra mục tiêu phát triển và kế hoạch giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường là trục nội địa Bắc - Nam và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, đội bay của Vietstar sẽ bao gồm 3 chiếc Boeing 737/ Airbus A320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 máy bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.


Theo Đinh Tịnh

VietnamFinance