Hé lộ cấu trúc sở hữu của Vingroup và Masan tại Vinmart

02/01/2020 12:27

Tập đoàn Masan công bố Nghị quyết thông qua việc hoán đổi cổ phần cho thương vụ nhận sáp nhận hệ thống siêu thị Vinmart và công ty VinEco của Tập đoàn Vingroup. Cụ thể, Masan nhận 83,74% cổ phần phổ thông của Công ty cổ phần Phát triển thương mại và dịch vụ VCM (VCM).

Masan sẽ tốn nguồn lực đáng kể khi nhận sáp nhập Vincommerce. Nguồn: Tác giả tống hợp.
Masan sẽ tốn nguồn lực đáng kể khi nhận sáp nhập Vincommerce. Nguồn: Tác giả tống hợp.)

Theo Nghị quyết 318 của Hội đồng quản trị (HĐQT) ký ngày 31-12-2019, Tập đoàn Masan đã thông qua việc hoán đổi cổ phần cho thương vụ nhận sáp nhận mảng bán lẻ và nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup. Nghị quyết này cũng uỷ quyền cho ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT hoặc ông Danny Le, Trưởng bộ phận Chiến lược và phát triển, quyết định các điều khoản cụ thể liên quan đến thoả thuận, hợp đồng và chuyển giao tài liệu liên quan đến thương vụ này.

Cụ thể, Masan nhận 83,74% cổ phần phổ thông của Công ty cổ phần Phát triển thương mại và dịch vụ VCM (VCM). Đồng thời, Masan cũng phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là một công ty con. Công ty hợp nhất này sẽ sở hữu cổ phần của cả VCM và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings).

VCM mới được thành lập đầu tháng 8-2019, nâng vốn điều lệ lên 6.436 tỉ đồng ngay sau đó. VCM sở hữu 100% cổ phần của VinCommerce, bao gồm hệ thống chuỗi siêu thị Vinmart, Vinmart+ mà mới đây Vingroup đã “nhượng” lại cho Masan.

Đến tháng 9-2019, quỹ đầu tư GIC (Singapore) rót 500 triệu đô vào VCM, tương ứng tỷ lệ sở hữu nắm giữ khi đó là khoảng 16,26% (nếu cộng tỷ lệ sở hữu này với tỷ lệ sở hữu của Masan thì vừa đủ tỷ lệ 100% vốn).

Như vậy, nhiều khả năng cấu trúc sở hữu mới dự kiến có thể là Vingroup và Masan cùng sở hữu một công ty A, công ty này sở hữu VCM và Masan Consumer Holdings (có các công ty con là công ty sản xuất hàng tiêu dùng), nhưng vẫn chưa rõ tỷ lệ sở hữu cụ thể.

Đầu tháng 12, tập đoàn Vingroup công bố thông cáo báo chí, cho biết tập đoàn này và Tập đoàn Masan đang tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để sáp nhập các công ty con với nhau, nhưng không công bố tỷ lệ sở hữu. Theo nội dung thỏa thuận, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, còn Vingroup là cổ đông.

Thông báo cũng cho biết hệ thống quản trị, nhân sự và chính sách nhà cung cấp, khách hàng vẫn được giữ nguyên sau khi tiếp quản. Chia sẻ mới đây của đại diện Masan với báo giới cũng cho biết hệ thống bán lẻ của VCM sẽ hoạt động độc lập với các công ty con sản xuất hàng tiêu dùng của Masan.

Các sản phẩm hàng tiêu dùng có tiếng của Masan Consumer, công ty con của Masan Consumer Holdings.
Các sản phẩm hàng tiêu dùng có tiếng của Masan Consumer, công ty con của Masan Consumer Holdings.)

Mới đây, tập đoàn này cũng công bố mua lại 60% cổ phần của Bột giặt NET, để “lấn sân” sang mảng sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, được tập đoàn định giá là có 3,1 tỉ đô và người chơi chủ yếu vẫn là các tập đoàn đa quốc gia.

Kết thúc phiên giao dịch năm 2019, giá cổ phiếu MSN của Masan Group đạt 56.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 19,2% so với thời điểm đầu tháng 12-2019.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn: https://www.thesaigontimes.vn/298924/he-lo-cau-truc-so-huu-cua-vingroup-va-masan-tai-vinmart.html

Bạn đang đọc bài viết "Hé lộ cấu trúc sở hữu của Vingroup và Masan tại Vinmart" tại chuyên mục Featured.