Hiếm có 20 năm qua, cú sốc 5 tỷ USD, đại gia thủng túi ngàn tỷ

31/01/2020 10:48

Thị trường chứng khoán biến động khác thường so với hầu hết các năm trước, tụt giảm ngay trong phiên đầu năm mới.

Thị trường chứng khoán biến động khác thường so với hầu hết các năm trước, tụt giảm ngay trong phiên đầu năm mới.

VN-Index tụt giảm, chứng khoán bốc hơi 5 tỷ USD

Trong phiên giao dịch đầu tiên năm Canh Tý 30/1, thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến cú sốc hiếm thấy trong 20 năm giao dịch với áp lực bán tháo tăng vọt, chỉ số VN-Index tụt giảm 32 điểm khiến vốn hóa trên thị trường giảm 5 tỷ USD.

Chứng khoán Việt giảm trong bối cảnh chứng khoán toàn châu Á cũng lao dốc trong phiên đầu năm mới (âm lịch) với hàng loạt cổ phiếu ngành du lịch, hàng không, xuất khẩu và công nghệ diễn biến tiêu cực nhất.

Chỉ có cổ phiếu ngành dược tăng mạnh, ngược chiều đi xuống chung trên thị trường.

Chốt phiên giao dịch 30/1, chỉ số VN-Index giảm gần 3,2% xuống dưới ngưỡng 960 điểm với hầu hết các mã cổ phiếu giảm điểm.

Cổ phiếu hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) giảm kịch sàn xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua: còn 30.550 đồng/cp, trong khi VietJet (VJC) giảm 6.500 đồng xuống còn 140.000 đồng/cp.

Cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. VN-Index mất 3,2%.

Cổ phiếu Vinamilk (VNM) giảm 4.700 đồng/cp xuống còn 116.600 đồng/cp trong bối cảnh doanh nghiệp này đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, cổ phiếu Bia Sài Gòn (Sabeco) cũng giảm 14.500 đồng xuống còn 218.000 đồng/cp, một phần còn do ảnh hưởng của Nghị định 100 về cấm lái xe khi có rượu bia.

Đợt giảm giá lần này mạnh hơn so với nhiều phiên đỏ lửa trong các năm trước đó, mạnh hơn phiên giảm điểm hồi cuối tháng 2/2019 khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc đột ngột không có thỏa thuận hay cú giảm 17 điểm hôm 25/10/2018 khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Thị trường chứng quyền có bảo đảm (CW) cũng lao dốc ngay trong phiên đầu xuân với nhiều mã giảm trên 30%, thậm chí có những mã giảm đến hơn 60%. Khối ngoại bán ròng hơn 180 tỷ đồng trên cả 2 sàn HOSE và HNX sau 5 phiên mua ròng trước Tết.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chứng kiến túi tiền bốc hơi mạnh hàng ngàn tỷ đồng sau khi cả bộ đôi cổ phiếu VietJet và HDBank đều giảm mạnh. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Bùi Thành Nhơn… đều chứng kiến túi tiền suy giảm mạnh.

Ở chiều ngược lại, chỉ có một ít nhóm các cổ phiếu tăng, trong đó điểm sáng nhất là nhóm cổ phiếu y tế, với các mã như JVC, SJF tăng trần và nhiều mã tăng mạnh như Dược Hậu Giang DHG, IMP, AMV, VHE…

Nỗi lo về dịch viêm phối cấp do virus corona Vũ Hán lan rộng. 6000 du khách bị cách ly vì có 2 khách Trung Quốc bị nghi nhiễm virus corona.

Giới đầu tư thận trọng

Trên thị trường châu Á, hầu hết các thị trường giảm điểm mạnh với nhóm cổ phiếu ngành công nghệ và hàng không bị ảnh hưởng nhiều nhất sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cho rằng, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh là do giới đầu tư lo ngại dịch viêm phổi cấp do virus Vũ Hán tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, trong đó có các ngành kinh tế của Việt Nam.

Theo ông Tuấn, nỗi lo sợ và dẫn tới tình trạng bán tháo trong phiên đầu năm mới là do nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo đó, thiệt hại lớn dự báo sẽ tập trung vào các ngành như hàng không, vận tải, du lịch, khách sạn và ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B). Việc đi lại, ăn uống bị hạn chế sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong ngành này. Về kinh tế nói chung, theo ông Tuấn, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu qua biến giới, rồi tình trạng hụt thu ngoại tệ từ du lịch. Xa hơn có thể có nhiều hệ lụy khác...

Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn.

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia có cái nhìn tích cực hơn. Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn SSI chia sẻ trên trang cá nhân cho rằng, việc thận trọng với dịch cúm Vũ Hán là rất cần thiết dù thực chất xác suất bị lây bệnh nhỏ hơn rất nhiều tai nạn giao thông chết người.

Theo ông Hưng, việc lo sợ tới mức đòi đóng cửa biên giới Trung Quốc hay từ chối phục vụ khách đến từ Trung Quốc là quá cực đoan. Nếu thực hiện như vậy thì sẽ kéo ngành hàng không, ngành du lịch nghỉ dưỡng và cả ngành xuất khẩu nông sản chết, nền kinh tế gặp khó.... Và TTCK không có lý do gì mà sụt giảm đồng loạt nghiêm trọng như hôm 30/1.

Nhiều CTCK thận trọng với các dự báo của mình sau khi VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh quanh 970. Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, với tín hiệu tiêu cực, thị trường nhiều khả năng tiếp tục giảm điểm và kiểm định lại vùng hỗ trợ mạnh 940-950 trong phiên tiếp theo. Nếu rớt khỏi vùng này, thị trường sẽ quay lại xu hướng giảm trước đây. Nhà đầu tư nên chờ đợi phiên hồi phục để hạ dần tỷ trọng về mức thấp, hạn chế bán ra hoảng loạn.

Trong khi MBS cho rằng, áp lực giảm từ TTCK toàn cầu do dịch virus corona đã khiến thị trường trong nước giảm mạnh và khiến các tín hiệu kỹ thuật đã bị bẻ gãy. Thị trường có thể trở lại kiểm tra vùng hỗ trợ ở khu vực 950 điểm. Các nhà đầu tư nên quan sát thị trường, chưa vội mở thêm vị thế mới.

M. Hà

Theo VietnamNet