[Hồ sơ doanh nhân] Terry Gou - Ông trùm đế chế Foxconn

25/10/2018 14:17

Terry Gou sinh vào năm 1950 tại Đài Loan. Tính cách của ông là thành quả của giáo dục từ cha mẹ. Hai cụ thân sinh ông là người nhập cư từ Trung Quốc đại lục. Cha của ông chưa bao giờ chuyển đi khỏi ngôi nhà nhỏ bé của mình ngay cả khi con cái đã trở thành những người giầu nhất Đài Loan.

Trong quá khứ, cha mẹ của Gou và người chị cả rời khỏi tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đến Đài Loan năm 1949 sau nội chiến Trung Quốc. Cha ông là cảnh sát nhưng không có nhà, cả gia đình phải đến sống tại một góc của ngôi đền cạnh nhà ga. Lớn lên, ông bị các đồng nghiệp bản xứ cô lập nên đã phải tự đứng lên để tranh đấu vớ châm ngôn “Nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn”.

Làm bạn với kẻ thù

Nhiều người hiếu kỳ tìm hiểu Foxconn mở rộng dây chuyền sản xuất như thế nào. Câu trả lời rất đơn giản: sự khát khao của Gou. Khi còn trẻ, Gou tìm được một việc tại công ty vận tải sau khi học quản trị kinh doanh tàu tại trường dạy nghề. Khi mở Foxconn năm 1974, ông không giới hạn hoạt động trong chuyên môn của mình mà thâm nhập vào các mảng mà ông tin là sẽ thành công, bắt đầu từ công tắc nhựa và nút bấm trên tivi, máy chơi game.

Khủng hoảng dầu hỏa những năm 1970 và suy thoái đã đánh gục công ty. Trong thời điểm khó khăn nhất, vợ của Gou thậm chí còn không có đủ tiền mua gạo nuôi con. Bố mẹ vợ của Gou đã phải ông vay tiền để sinh sống qua ngày. Khi ấy, ông nhận thức sâu sắc rằng công nghệ luyện kim chính là con đường dẫn đến khác biệt hóa sản phẩm và tìm kiếm những sản phẩm có thể giúp mình cải tiến công nghệ trong khi vẫn thu được lợi nhuận.

Sau đó, Gou bắt đầu sản xuất jack nối linh kiện và các thiết bị đầu vào/đầu ra trên máy tính cá nhân. Khi gia nhập thị trường vào khoảng năm 1983, ban đầu ông vẫn gặp khó khăn khi kiểm soát tỉ lệ sản phẩm hư hỏng. Nhằm phát hiện và xử lý tốt hơn, ông chuyển bàn làm việc đến gần bộ phận điều khiển tự động của nhà máy. Khi nhà sản xuất dây nối Toyo Tanshi – nay là Sumiko Tec – của Nhật Bản gặp rắc rối về tài chính, Gou đã nhanh chân đưa một số thành viên người Đài Loan về công ty mình.

Bỏ qua lòng tự trọng, ông thường xuyên tiếp cận tất cả người lạ như nhân viên của đối thủ và nhà cung ứng, để hỏi xin lời khuyên, theo một nguồn tin nội bộ Foxconn. “Làm bạn với kẻ thù” là một nét tính cách rất tự nhiên của Gou nhưng không mang tính hình thức. “Ông ấy biết rằng sẽ chẳng thể được ai giúp đỡ nếu chỉ tìm cách lợi dụng họ. Ông làm những việc nhỏ nhất từ mang trà khi họ bận, nói với họ về những gì ông ấy muốn và nhận thông tin cần thiết như ai là người quan trọng và khi nào họ xuất hiện”.

Ông ấy nói chuyện như thế nào và nói cái gì vẫn là một bí mật nhưng dường như không thay đổi nhiều kể từ khi bắt đầu. Gou sở hữu thần thái cuốn hút với mọi người. Khi ông trình bày, ông lấy đi sự chú ý của khán giả.

Cú hích Model khung sườn

Khi công ty đạt đến một mức độ nhất định, Gou bắt đầu vươn ra quốc tế. Gọi điện đến 32 bang của Mỹ, ở trọ tại các nhà trọ giá rẻ, ông đã giành được đơn hàng quan trọng từ Compaq Computer, nay là HP. Khách hàng mới của ông cũng đang khảo sát vỏ kim loại cho desktop. Nhân cơ hội này, Gou mua máy móc từ Nhật Bản, song sự thiếu hiểu biết của ông trong lĩnh vực đã bị bộc lộ. Máy móc đắt hơn những gì Compaq sẵn sàng trả và Gou đối mặt với khả năng không được bù đắp cho khoản đầu tư.

Dù vậy, rủi ro đã được loại bỏ với mô hình kinh doanh mới. Bằng cách giảm tổng chi phí linh kiện sản phẩm chứ không riêng gì vỏ, ông đã vượt lên đối thủ. Đặc biệt, ông phát minh ra mô đun khung sườn (“bare bone”) cho desktop và cung cấp cho Compaq. Mô-đun thiếu các linh kiện đắt tiền như chip và ổ cứng nhưng lại có lợi cho Compaq. Thứ nhất, họ có thể trì hoãn mua sắm cho đến phút cuối cùng. Tại thời điểm đó, linh kiện ngày một rẻ hơn theo thời gian cùng với sự phổ biến của máy tính cá nhân, đồng nghĩa với chi phí cho kinh kiện đắt đỏ sẽ rẻ hơn. Thứ hai, sự lãng phí trong việc chỉ giao các vỏ máy tính rỗng được loại trừ nhờ lấp đầy chúng bằng linh kiện cơ bản.

Model đã tạo ra cái gọi là “cú sốc Compaq”, nhanh chóng đẩy giá máy tính cá nhân xuống thấp và xóa bỏ vị thế thống trị mà NEC có được trên thị trường máy tính cá nhân.

Apple đã nhìn ra “cơn khát” của Gou và đặt niềm tin vào ông. Khoảng năm 2002, Apple đang không thể tìm ra một nhà cung cấp vỏ nhôm đáng tin cậy cho Power Mac G5. Không máy móc nào xử lý được hợp kim nhôm phù hợp cho máy tính dạng tháp. Trong khi các nhà sản xuất khác bó tay, Gou buộc nhân viên làm việc gấp đôi để đáp ứng nhu cầu Apple. Ông tham gia vào quá trình phát triển trong 2 tháng, theo nguồn tin Foxconn.

Không scandal

Từ khóa thứ hai miêu tả Gou chính là “trong sạch”. Vài người cho rằng một ông trùm như ông chỉ có thể là người xấu. Song không gì đúng với sự thật. Năm 2005, Gou trải qua nỗi buồn vô hạn khi vợ đầu tiên qua đời, người ông tin tưởng mọi thứ. Khi tái hôn với một biên đạo múa năm 2008, hai vợ chồng quyết định tặng 90% tài sản cá nhân làm từ thiện.

Gou quyên góp không ít trong khoảng 20 năm nay, trong đó có khoản 462 triệu USD cho nghiên cứu ung thư tại Đại học quốc gia Đài Loan. Ông còn hai lần tặng 100 triệu USD Đài Loan cho các nỗ lực cứu hộ động đất và sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011, một từ Foxconn và một từ tiền riêng.

Nhân viên của Gou được trả lương khá hào phóng nhưng ông lại chi tiêu tiết kiệm. Chẳng hạn, khi ăn tối bên ngoài, ông bỏ qua các nhà hàng đắt tiền để ăn những món ưa thích như cơm thịt bò nướng hay một tô mỳ kiều mạch.

Ông còn nổi tiếng nghiêm khắc với các thành viên trong gia đình. Khi bắt gặp con trai, cũng làm một nhân viên Foxconn, ngủ quên bên máy móc, ông đã tát nhẹ vài cái vào mặt con mình để đánh thức. Không người con nào trong cuộc hôn nhân đầu tiên có hứng thú với Foxconn. Con trai ông làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim và kinh doanh bất động sản, còn con gái quản lý tổ chức từ thiện thay cho người mẹ đã mất.

Ý Nhi

Bạn đang đọc bài viết "[Hồ sơ doanh nhân] Terry Gou - Ông trùm đế chế Foxconn" tại chuyên mục Doanh nhân.