Hòa Bình vượt bão COVID nhờ hàng loạt sáng kiến

06/05/2020 11:22

Biến những thời gian giãn cách xã hội thành khoảng thời gian quý báu để tái cấu trúc, đẩy mạnh nền tảng làm việc online, tận dụng sáng kiến của tập thể và tiết kiệm chi phí tối ưu… đó là những phương cách mà Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang thực hiện để từng bước vượt bão COVID, tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới.

Đại dịch thử thách tay lái thuyền trưởng

Dịch bệnh có khi chỉ là thuốc thử sức khỏe của doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là độc dược làm gục ngã cả một nền kinh tế. Trong cuộc đấu lớn này, mọi CEO đều đang đau đầu xoay xở tìm hướng ra, lèo lái con thuyền doanh nghiệp.

Nhưng đã có hàng ngàn chủ doanh nghiệp đã buông tay đầu hàng, nộp hồ sơ giải thể vì không thể cầm cự.

Ở các tập đoàn lớn, tuy quỹ dự phòng không eo hẹp như doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng nếu không ứng phó kịp thời, chuỗi sụp đổ domino từ các doanh nghiệp đối tác sẽ tác động mạnh, kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội như việc làm, thu nhập người lao động. Vì vậy, giữ được sức khoẻ của doanh nghiệp lớn chính là phòng chống các xáo trộn, bất ổn xã hội.

Phát biểu với báo giới, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho biết, tuy không tê liệt hoàn toàn vì Covid như các ngành du lịch, dịch vụ, xuất khẩu... nhưng không tránh được ảnh hưởng chung. Do các dự án shop house, khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đang thi công hoặc phải tạm dừng hoặc thi công cầm chừng; các dự án chuẩn bị triển khai phải dừng lại. Trong khi đó, đây là mảng thi công chính của Hòa Bình trong suốt thời gian qua và hiện nay. Chưa kể, việc các chủ đầu tư bán hàng chậm cũng ảnh hưởng nhiều mặt tới nhà thầu.

Trước tình hình của thị trường, nguồn việc và sản lượng của Hòa Bình giảm sút 30 - 40%, trong khi nhiều khoản chi phí để vận hành doanh nghiệp không thể cắt giảm. Nếu dự kiến dịch bệnh có thể kéo dài tới tháng 6 và để những ảnh hưởng hậu đại dịch có thể còn để “di chứng” tới hết năm 2021, lãnh đạo doanh nghiệp xác định, nếu không nhanh chóng ra các quyết sách để lèo lái con tàu của mình, thì  tương lai sẽ là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, Hòa Bình có nhiều thuận lợi là đã xây dựng và phát triển các bộ giá trị vững bền. Đã có hơn 30 năm với bao thăng trầm cùng ngành xây dựng. Vì vậy, doanh nghiệp này không quá “sốc”  với khó khăn và nhanh chóng định ra lối đi trong bão của mình.

 Đặt an toàn lên trên hết

Báo cáo nội bộ của Hòa Bình cho biết, vừa qua Tập đoàn đã tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư Vingroup một phần dự án Vinhomes Ocean Park gồm 2 tháp số 11 và 12 khu cao tầng, 112 căn biệt thự khu Sao Biển, 28 căn biệt thự khu Hải Âu sau gần 1 năm rưỡi thi công với tổng giờ công an toàn các khu là 7,1 triệu giờ công an toàn lao động. Cùng với đó, Tập đoàn đã bàn giao xong 2 toà tháp cao 39 tầng và khu trung tâm thương mại tại dự án Vinhome West Point sau 18 tháng thi công.

Khẩn trương thi công đáp ứng tiến độ, song Tập đoàn vẫn tuân thủ các quy định an toàn lao động và sức khỏe cho nhân viên. Từ ngày 1/4/2020 đến nay, khi toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, tại các đại công trường, ban chỉ huy nghiêm túc tuân thủ dừng các công tác thi công chính (nơi tập trung đông người lao động); dừng các hoạt động hội họp, tập trung đông người, khuyến khích sử dụng họp trực tuyến theo hướng dẫn của Tập đoàn.

Các công tác phụ khi triển khai thi công phải đảm bảo giãn cách và luôn có sự giám sát của cán bộ phụ trách thi công cũng như đội phản ứng nhanh. CBCNV hạn chế đi ra khỏi phạm vi công trình hoặc lán trại, ký túc xá.

Xây dựng là ngành khá đặc thù với mật độ công nhân trên các công trình khá cao. Dù công nhân xây dựng luôn được trang bị bảo hộ như nón, khẩu trang, bao tay, quần áo bảo hộ, nhưng toàn Tập đoàn vẫn hết sức cẩn trọng trong công tác an toàn và các điều kiện phòng dịch. Kết quả, hiện tại chưa có sơ suất nào về phòng chống dịch trong hệ thống.

Cán bộ nhân viên và công nhân Hòa Bình được tuyên truyền và giám sát giữ đúng khoảng cách, tránh tiếp xúc trực tiếp mà không có bảo hộ. Tại các cổng ra vào công trường, văn phòng đều có bàn kiểm tra thân nhiệt, dụng cụ sát trùng, khử khuẩn. Những người chưa có đủ khẩu trang đủ chuẩn được phát trước khi vào công trình làm việc.

Ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn phụ trách các công trình thi công phía Bắc cho biết, ngay sau tết nguyên đán, tại các công trường đã có những đội phản ứng nhanh phòng chống COVID- 19 (bao gồm thành phần BCH/CT, Ban HSE, An ninh, Y tế công trường và các nhà thầu có công nhân đang làm việc tại công trình). Mọi công trình được phun thuốc khử khuẩn định kì. Hằng ngày đều có các đội dọn dẹp vệ sinh xung quanh công trình, văn phòng, nhà kho, lán trại...

Kêu gọi đóng góp sáng kiến tập thể

Hiện trung bình số giờ làm của nhân viên Hòa Bình giảm từ 8 tiếng/ ngày xuống còn 6 tiếng. Nếu bộ phận nào tăng ca ngoài giờ, tiền lương giờ làm thêm đó sẽ được ghi nhận và chi trả sau dịch. Đây là cách người lao động chia sẻ gánh nặng tiền lương cùng doanh nghiệp lúc khó khăn, đồng thời là một sáng kiến trong bộ 109 sáng kiến doanh nghiệp này thu nhận sau khi phát động phong trào CBCNV góp sáng kiến vượt khó trong đại dịch.

Ban lãnh đạo Hòa Bình cũng kêu gọi các cấp quản lý trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có thể đưa ra thêm nhiều sáng kiến và chủ động triển khai những giải pháp hữu hiệu và phù hợp với hoàn cảnh nhất. Ở nhóm các sáng kiến tiết kiệm chi phí, tuy khá nhạy cảm vì buộc các phòng ban, công trường thắt chặt chi tiêu triệt để hơn nữa, nhưng đã được sự đồng thuận của tập thể. Ông Dương Đình Thanh, Phó TGĐ, Trưởng ban chỉ đạo đối phó Covid chia sẻ, đến nay đồng loạt các giải pháp Tập đoàn đưa ra đã được nhân viên làm quen nhanh chóng và vận hành khá trơn chu trong công việc.

Ngày 19/3/2020, tại dự án Harbor Bay – Hạ Long đã ra quân chiến dịch 21 ngày thu gom vật tư rác thải quanh 35 tòa nhà đang xây dựng và vận chuyển vật tư (sắt hộp, ván, giàn giáo) từ các bãi tập kết về bãi đóng kiện xuất trả vật tư trong thời gian nhanh nhất.

Chiến dịch đặt mục tiêu tiết kiệm tối đa chi phí thuê vật tư, thu gom đạt 99% các vật tư hiện hữu, kích thước lớn; riêng các vật tư bị vùi lấp trong quá trình thi công tổ chức công nhân đi theo xe đào để nhặt lại, tránh thất thoát nguyên liệu vật tư tối đa.

 Không ai bị bỏ lại phía sau

Không để anh em công nhân chìm trong dòng nước lũ khó khăn mùa dịch mà càng ngày phải sát cánh vượt khó. Đó là quan điểm của ban lãnh đạo Hòa Bình. Các gói giải pháp đã được Ban Điều hành thảo luận và cân nhắc thấu đáo về mọi mặt. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng đạt được sự đồng thuận là đảm bảo phù hợp với tính nhân văn, đảm bảo sự công bằng đúng theo truyền thống văn hóa của Hòa Bình. “Chúng ta như đang cùng đi trên một con thuyền gặp nạn. Trong lúc nguy nan, chúng ta nhất định không bỏ rơi những nhân tố tích cực, không thả xuống biển những đồng đội đã từ kề vai sát cánh với mình”, đó là lời Ban Tổng giám đốc được nhắc nhiều lần trong những buổi chào cờ đầu tuần.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ bắt đầu từ 0h ngày 1/4, khi một số tỉnh thành hạn chế các phương tiện di chuyển, nhiều anh em lao động ở tỉnh xa không thể về nhà và bị kẹt lại tại thành phố lớn, lãnh đạo các vùng miền Hòa Bình đã tính toán những phương án vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo tiến độ công trình và đời sống cho công nhân.

Để “không ai bị bỏ lại phía sau”, Hòa Bình tận dụng khoảng thời gian chậm lại này để thực hiện tái cấu trúc trên 3 nội dung: Tái cấu trúc hệ thống quản lý; Tái cấu trúc về tài chánh; Tái cấu trúc nguồn nhân lực.

Tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên internet không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở. Áp dụng Hệ thống làm việc TMS, họp trực tuyến, áp dụng chữ ký số để thông qua các bước xử lý công việc,…

Trong nội dung tái cấu trúc tài chính, có nội dung tiết giảm tối đa chi phí tiền lương, tiền ngoài giờ, tiền thưởng hiệu suất, các phụ cấp không thiết yếu và các chi phí chung khác; bán thanh lý vật tư phế liệu, khai thác hệ thống mua sắm điện tử,…

Ở một tập đoàn có số lượng người lao động lớn như Hòa Bình, để hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm, công cuộc tái cấu trúc nguồn nhân lực đang diễn ra hết sức thận trọng, trên nền tảng nhân ái, nhân văn.

Thật may, năm 2019, Tập đoàn đã xác định đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ online. Học viện Hòa Bình thành lập tháng 3-2019 và ra mắt nền tảng E - learning. Từ những bước bỡ ngỡ ban đầu, tới nay mọi nhân viên Hòa Bình đều đã tiếp cận và tận hưởng các giá trị của việc đào tạo hiện đại này. Ông Lê Trung Kiên - Phó Phòng đào tạo, Học viện Hòa Bình - cho biết: “Năm 2019 chi phí đào tạo của Tập đoàn đã giảm 60% so với năm 2018 nhờ áp dụng hệ thống đào tạo E-learning”.

Tính từ thời điểm đầu mùa dịch đến nay, Học viện Hòa Bình đã tổ chức 6 lớp đào tạo (4 lớp cơ bản và 2 lớp chuyên sâu) với 29 khóa và 198 học viên tham dự. Nhóm học viên tự học trên hệ thống E-learning là 53 khóa với 664 học viên đã hoàn thành các khóa học.

Hệ thống E-learning của Hoà Bình trước kia được thiết kế cho từng cá nhân nằm trong chiến lược hiện đại hóa, phát triển kinh doanh và định hướng mở rộng thị trường nước ngoài. Nay trong hoàn cảnh mới, nguồn nhân lực nội bộ sau khi được đào tạo sẽ được lựa chọn để làm việc bán thời gian hoặc toàn thời giao cho các công ty thành viên, công ty mua bán sáp nhập, các đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn, nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng có chất lượng cao, hình thành "Hệ sinh thái Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình".

Hoà Bình là doanh nghiệp lấy biểu tượng cánh diều vượt gió trong quá trình hình thành và phát triển. Với tinh thần ngược gió này, mỗi cá nhân có dòng tên Hòa Bình trên áo đều hừng hực tinh thần biến trở lực thành động lực, biến thử thách thành cơ hội, quyết tâm vượt khó khăn của đại dịch.

Kim Ngân/Theo VBI