Hối thúc trào lưu rút khỏi Trung Quốc, Donald Trump tính nước cờ cao

12/05/2020 18:37

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá bất chấp nền kinh tế đang ở thời kỳ khó khăn hiếm thấy. Những nỗ lực rút chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc giúp các cổ phiếu công nghệ bứt phá và là điềm hỗ trợ cho thị trường tài chính Mỹ.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bứt phá bất chấp nền kinh tế đang ở thời kỳ khó khăn hiếm thấy. Những nỗ lực rút chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc giúp các cổ phiếu công nghệ bứt phá và là điềm hỗ trợ cho thị trường tài chính Mỹ.

Cú bứt phá hiếm thấy

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp cho dù đầu phiên chịu áp lực giảm rất mạnh. Hàng loạt cổ phiếu các công ty công nghệ lớn nới rộng đà leo dốc.

Chung cuộc, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 9.192 điểm, đánh dấu chuỗi tăng giá dài nhất kể từ đầu năm 2020, chỉ sau chuỗi tăng 11 phiên liên tiếp trong tháng 12/2019.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục gây bất ngờ cho giới đầu tư. Tính từ đầu năm, Nasdaq Composite đã tăng 2,4% và chỉ còn cách cách 6% so với mức cao kỷ lục đã xác lập vào tháng 2/2020 cho dù đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình huống khó khăn chưa từng có: thất nghiệp gần 15%, cao nhất kể từ Đại suy thoái…

Hàng loạt các báo cáo gần đây cho rằng, TTCK Mỹ nói chung và nhiều TTCK trên thế giới không còn là hàn thử biểu phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế. Những sắc mầu tươi sáng trên TTCK trái ngược hẳn với tình trạng kinh tế u ám với số người thất nghiệp cao chót vót và nợ công, thâm hụt ngân sách tăng mạnh.

Nhiều đánh giá cho rằng, TTCK Mỹ bùng tăng trở lại chủ yếu do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính quyền ông Donald Trump đã bơm một lượng tiền kỷ lục vào thị trường nhằm kích thích nền kinh tế vượt qua những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ở góc độ lý thuyết, những nhận định này là đúng đắn. Tuy nhiên, TTCK Mỹ gần đây có những diễn biến mới. Trong những phiên tuần qua, chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ phần lớn vào các cổ phiếu công nghệ hàng đầu của Mỹ như: Amazon, Apple, Microsoft, Alphabet, Netflix…

Căng thẳng Mỹ-Trung được dự báo kéo dài.

Nhóm cổ phiếu Amazon, Apple và Microsoft đều ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp và là động lực chính cho sự bứt phá của TTCK Mỹ.

Tính từ đáy xác lập hôm 23/3 tới nay, chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ đã bứt phá hơn 33%, còn nhóm cổ phiếu công nghệ lớn như Facebook, Amazon, Apple, Netflix, Alphabet và Microsoft cũng đã tăng vọt hơn 20% chỉ tính từ cuối tháng 3.

Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia đã chạm mức cao mọi thời đại trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) và nâng tổng mức tăng trong năm 2020 của cổ phiếu này lên hơn 37%.

Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Trong quý 1, GDP của Mỹ giảm 4,8% và được dự báo sẽ giảm mạnh, có thể lên tới gần 40% trong quý 2 do đây là thời gian ảnh hưởng chính của dịch. Chỉ trong tháng 4, số người Mỹ mất việc lên tới 20,5 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp lên mức 14,7%, gấp đôi thời kỳ khủng hoảng 2008.

Dù vậy, sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới được dự báo sẽ khá nhanh nếu sự lây lan của bệnh dịch không trở lại. Số lượng người có việc làm sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, triển vọng dòng tiền quay về nước Mỹ đang ngày càng sáng rõ và đây là một tín hiệu tích cực về dài hạn cho nước Mỹ.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 5/5, Mỹ tuyên bố chắc nịch, USD tăng trở lại sau tuần sụt giảm

Dòng vốn FDI nhiều khả năng sẽ biến động mạnh trong các năm tới.

Rút khỏi Trung Quốc, Mỹ tính nước cờ xa

Trong vài tuần gần đây, không chỉ Mỹ, chính phủ nhiều nước trên thế giới có những động thái khá rõ ràng trong kế hoạch kéo các doanh nghiệp ra khỏi thị trường Trung Quốc sau cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19.

Hồi đầu tháng 4, theo Nikkei, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn để Nhật Bản có thể tránh được tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.

Chính phủ Nhật đã thông báo gói 2,2 tỉ USD để khuyến khích và tài trợ cho các nhà sản xuất nước này tái lập chuỗi cung ứng mới, di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, trở về nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á.

Chủ trương của Nhật Bản có lẽ cũng chỉ mới là khởi đầu của một làn sóng các nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rốt ráo hơn bao giờ hết: đẩy mạnh kế hoạch rút toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất của nước này khỏi Trung Quốc.

Theo Reuters, đại dịch Covid-19 thúc đẩy Mỹ đẩy nhanh quá trình đưa chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc. Theo đó, chính quyền ông Trump đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc bằng các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ dịch chuyển.

Trước đó, ngay từ khi mới lên cầm quyền, ông Trump cũng đã có hàng loạt các biện pháp nhằm kéo các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung về nước Mỹ như: cắt giảm thuế, tăng ưu đãi…

Nhiều hãng công nghệ Mỹ có thể sẽ chuyển sản xuất sang các nước khác.

Chính sách này đang được ông Trump quan tâm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy một điểm yếu của Mỹ chính là sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc, từ đầu vào cho các hãng công nghệ cho tới hoạt động sản xuất sản phẩm y tế thiết yếu.

Ông Trump không giấu giếm cho biết sẽ trừng phạt Bắc Kinh với cáo buộc không minh bạch thông tin trong xử lý đại dịch Covid-19, có thể bằng cách tăng thuế.

Theo Reuters, Mỹ cũng đang thúc đẩy thành lập một liên minh gồm các "đối tác đáng tin cậy", nhiều khả năng sẽ là Nhật, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam...để tạo thành một mạng lưới thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước.

Với một làn sóng tẩy chay Trung Quốc được đánh giá là cao nhất 30 năm qua sau thảm họa Covid-19, nhiều khả năng, dòng vốn FDI trong các năm tới sẽ thay đổi mạnh mẽ. Các chuỗi cung ứng trên thế giới cũng có thể sẽ thay đổi nhanh chóng theo. Nhưng đây là cơ hội rất tốt cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Mexico…

Trong tuần qua, giới đầu tư chứng kiến Ấn Độ đưa ra chính sách mạnh mẽ để thu hút các công ty sản xuất Mỹ rời Trung Quốc. Quốc gia này dành quỹ đất khổng lồ, gấp 6 lần Singapore nhằm thu hút các công ty nước ngoài, nhất là DN Mỹ, chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn còn kéo dài.

Nhiều quốc gia khác cũng đang trải thảm đỏ để chào đón các NĐT Mỹ, châu Âu… để giành được một vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là vị trí địa lý, môi trường ổn định và đặc biệt là thành công trong đại dịch vừa qua. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao trình độ quản trị là điều cần thiết.

M. Hà

Theo VietnamNet