Hỏi vị khách đi xe 1 câu, tài xế taxi thay đổi cả cuộc đời con trai mình

20/05/2020 11:35

Câu chuyện của tài xế taxi Irving Stern đăng trên tạp chí Reader's Digest đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Câu chuyện của tài xế taxi Irving Stern đăng trên tạp chí Reader's Digest đã truyền cảm hứng cho nhiều người.

Suốt 28 năm, 3 tháng, 12 ngày qua, tôi là lái xe taxi ở thành phố New York. Nếu bạn hỏi sáng hôm qua tôi đã ăn gì, có thể tôi sẽ không nhớ nổi. Nhưng có một chuyến đi mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời.

Đó là một sáng thứ Hai đầy nắng mùa xuân năm 1966. Tôi đang lái xe trên đại lộ York để tìm khách. Hôm đó trời đẹp nên taxi hơi ế. Khi tôi dừng đèn đỏ ở ngay đối diện Bệnh viện New York thì một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đang lao xuống bậc thang của bệnh viện. Ông ấy vẫy xe tôi.

Khi đèn xanh chuyển sang màu xanh, người lái xe phía sau tôi bấm còi inh ỏi. Nhưng tôi cố đợi vị khách. Cuối cùng, người đàn ông cũng lên xe. Ông nói tôi cho tới Sân bay LaGuardia và cảm ơn tôi vì đã đợi.

Tôi nghĩ bụng ‘thật là tin tốt’. Vào buổi sáng thứ Hai, ở sân bay LaGuardia, chỉ cần một chút may mắn, tôi sẽ có khách chiều về.

Tài xế taxi Irving Stern kể lại câu chuyện trên tạp chí Reader's Digest

Và như mọi khi, tôi tự hỏi về vị khách vừa lên xe. Liệu ông ấy là người hay nói, kín tiếng hay chỉ thích đọc báo trên xe? Một lúc sau, ông bắt đầu bắt chuyện. ‘Anh thích công việc này không?’ - ông hỏi tôi.

Đó là một câu hỏi cũ rích, nên tôi cũng trả lời theo cách cũ rích: ‘Cũng ổn’.

‘Nó giúp tôi kiếm sống và đôi khi được gặp những người thú vị. Nhưng nếu có một công việc có thể kiếm thêm được 100 USD/ tuần, tôi sẽ nghỉ việc này - giống như anh thôi’.

Câu trả lời của ông ấy khiến tôi tò mò: ‘Tôi sẽ không nghỉ việc kể cả công việc của tôi có bớt đi 100 USD mỗi tuần’.

Tôi chưa từng nghe thấy ai nói thế, nên tôi hỏi: ‘Ông làm nghề gì vậy?’

‘Tôi làm ở khoa Thần kinh của Bệnh viện New York’.

Tôi luôn luôn tò mò về mọi người. Tôi cố gắng học hỏi từ họ. Nhiều lần, trong những chuyến đi dài, tôi đã tạo được mối quan hệ với khách của mình và nhận được những lời khuyên rất tử tế, từ các kế toán, luật sư, kể cả thợ sửa ống nước.

Rõ ràng, người đàn ông này rất yêu công việc của mình. Lúc đó, tôi quyết định sẽ nhờ ông một việc khi chúng tôi không còn cách sân bay bao xa.

‘Tôi có thể nhờ anh giúp một việc được không?’ Ông ấy không trả lời.

‘Tôi có một cậu con trai 15 tuổi. Nó rất ngoan và cũng học tốt ở trường. Chúng tôi muốn thằng bé đi trại hè mùa hè này, nhưng thằng bé thì muốn đi xin việc. Nhưng không ai thuê một thằng bé 15 tuổi trừ khi bố nó quen ai đó có công ty. Tôi thì không quen ai’ - tôi dừng lại.

‘Liệu ông có thể cho thằng bé một công việc nào đó làm vào mùa hè không? Thằng bé không cần nhận lương’.

Vị khách vẫn không nói gì. Tôi bắt đầu cảm thấy mình ngốc nghếch khi đề cập đến chủ đề này. Cuối cùng, khi xe dừng lại, ông ấy nói: ‘Chà, các sinh viên y khoa đang có một dự án nghiên cứu mùa hè. Có thể cậu ấy sẽ phù hợp. Bảo thằng bé gửi cho tôi học bạ nhé’.

Nói xong, ông lục túi để tìm danh thiếp nhưng không tìm thấy. ‘Anh có giấy không’ - ông hỏi.

Tôi xé một mảnh giấy từ túi đồ ăn trưa màu nâu của mình. Ông viết nguệch ngoạc lên đó rồi trả tiền cho tôi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông ấy.

Buổi tối hôm ấy, ngồi quanh bàn ăn cùng gia đình, tôi rút mảnh giấy từ túi áo ra. ‘Robbie, đây là công việc mùa hè của con’ - tôi nói với con trai.

Thằng bé đọc to: ‘Fred Plum, Bệnh viện New York’.

‘Ông ấy là bác sĩ à?’ – vợ tôi hỏi.

‘Ông ấy là một quả táo à’ – đến lượt con gái tôi.

‘Bố có đùa không đấy?’ – con trai tôi thắc mắc.

Sau khi tôi cằn nhằn, la mắng và cuối cùng là đe dọa cắt trợ cấp của thằng bé, Robbie đã gửi bảng điểm của mình vào sáng hôm sau. Cái tên của vị khách là trò đùa của bọn trẻ mấy ngày sau đó. Dần dần, sự việc bị lãng quên.

2 tuần sau, khi vừa đi làm về, tôi thấy con trai cười rạng rỡ. Thằng bé đưa cho tôi một bức thư được in nổi gửi từ ông Fred.

Tựa đề bức thư đề: Fred Plum, tiến sĩ, trưởng khoa Thần kinh học, Bệnh viện New York. Con trai tôi được thư ký của ông gọi tới để phỏng vấn.

Robbie được nhận công việc. Sau khi làm việc 2 tuần như một tình nguyện viên, thằng bé được trả 40 USD/ tuần trong suốt mùa hè. Chiếc áo màu trắng của phòng thí nghiệm khiến thằng bé thấy mình quan trọng hơn khi theo Tiến sĩ Plum đi quanh bệnh viện, làm những việc vặt cho ông.

Mùa hè năm sau, Robbie lại làm việc trong bệnh viện, nhưng lần này, thằng bé được giao nhiều nhiệm vụ hơn. Khi Robbie tốt nghiệp trung học, Tiến sĩ Plum đã rất tử tế viết thư giới thiệu để thằng bé đăng ký vào đại học. Cuối cùng, thằng bé được nhận vào ĐH Brown.

Mùa hè tiếp theo, thằng bé lại làm việc ở bệnh viện, rồi dần dần dành tình yêu cho nghề y. Sau khi tốt nghiệp đại học, Robbie nộp hồ sơ vào trường y. Tiến sĩ Plum lại viết thư giới thiệu chứng thực khả năng và tính cách của thằng bé.

Robbie được nhận vào Trường Y New York. Sau khi có bằng y khoa, thằng bé làm nội trú 4 năm ở Khoa Sản.

Ông Irving Stern (trái) và con trai Robert Stern - bây giờ đã là bác sĩ

Bây giờ con trai tôi đã trở thành bác sĩ Robert Stern. Một số người có thể gọi đó là định mệnh. Nhưng nó cho bạn thấy rằng những cơ hội lớn có thể đến từ những cuộc gặp gỡ thông thường, thậm chí bình thường như một chuyến taxi.

Tiến sĩ Plum và Robbie sau đó vẫn giữ liên lạc với nhau cho đến khi ông Plum mất vào năm 2010. Cháu trai tôi bây giờ cũng là một bác sĩ tim mạch, còn 2 cháu gái tôi - một đứa là bác sĩ nha khoa, một đứa là luật sư.

‘Những điều tốt đẹp ấy có thể đều là nhờ bác sĩ Fred Plum - người mà tôi sẽ không bao giờ quên’ - ông Irving Stern nói.

Nguyễn Thảo(Theo Reader’s Digest)

Theo VietnamNet