John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống 'đừng dừng lại khi chưa thành công'

09/08/2018 10:13

"Nếu bạn mong một bữa trưa miễn phí, bạn không thể đi xa và mọi thứ sẽ rất nhàm chán. Hãy bước ra ngoài và làm cái gì đó. Hãy tự thân vận động", tỷ phú DeJoria cảnh báo các bạn trẻ.


"Nếu bạn mong một bữa trưa miễn phí, bạn không thể đi xa và mọi thứ sẽ rất nhàm chán. Hãy bước ra ngoài và làm cái gì đó. Hãy tự thân vận động", tỷ phú DeJoria cảnh báo các bạn trẻ.

Gần đây, thương vụ Bacardi mua lại Patron với giá 5,1 tỷ USD khiến giới truyền thông khá chú ý, không phải vì độ lớn của vụ mua bán mà là người đàn ông được hưởng lợi nhất từ đó, tỷ phú John Paul DeJoria.

Câu chuyện sẽ chẳng có gì hấp dẫn nếu John Paul không từng là người vô gia cư, phải đi gõ cửa từng nhà để bán hàng giúp gia đình và sống một cuộc sống ở tầng đáy xã hội. Nếu bạn từng xem bộ phim "Mưu cầu hạnh phuc" (The Pursuit of Happyness) năm 2006 với câu chuyện cảm động về 2 bố con lang thang vô gia cư cố gắng tìm kiếm một tương lai tươi sáng thì cuộc đời của DeJoria có lẽ cũng tương tự, hoặc thậm chí thê thảm hơn thế.

Ngày nay, ông sở hữu khối tài sản 3,3 tỷ USD, chưa tính thương vụ bán hãng rượu Patron mới đây. Ông cũng sở hữu thương hiệu Paul Michell nổi tiếng thế giới về chăm sóc tóc có doanh số bình quân hơn 1 tỷ USD/năm.

John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống đừng dừng lại khi chưa thành công - Ảnh 1.

Ước mơ của kẻ vô dụng

Sinh năm 1944, John Paul Jones DeJoria là con trai thứ trong một gia đình nhập cư, bố cậu là người Italy còn mẹ là người Hy Lạp. Năm lên 2 tuổi, cha mẹ ly hôn khiến John Paul phải tự lập từ rất sớm. Ngay khi lên 9 tuổi cậu đã phải đi bán thiệp mừng Giáng sinh và bán báo cùng các anh chị em để phụ giúp gia đình.

Để có thêm tiền phụ cấp gia đình, DeJoria đã phải đi gõ cửa từng nhà để bán báo cũng như thiệp Giáng sinh. Bất chấp điều đó, mẹ cậu cũng không nuôi nổi những đứa con trong gia đình và DeJoria bị gửi tới trung tâm nuôi dưỡng trẻ vị thành niên Los Angeles.

Phải bươn chải kiếm sống từ sớm lại sống trong trại vị thành niên, DeJoria gia nhập băng đảng đường phố như bao thanh thiếu niên nghèo thời đó. Do sống trong hoàn cảnh toàn những người nghèo và người nhập cư, DeJoria không nhận ra sự tủi nhục khi sống ở tầng đáy xã hội.

Tuy nhiên, trong một lần bị giáo viên dạy toán của trung tâm giáo dục xỉ vả, nói rằng cậu sẽ chẳng bao giờ thành công ở bất cứ thứ gì trong cuộc sống, DeJoria đã thay đổi cách sống của mình để chứng minh mình không phải kẻ vô dụng.

John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống đừng dừng lại khi chưa thành công - Ảnh 2.

Ông DeJoria khi còn trẻ

Tốt nghiệp cấp 3 năm 1962, điều hiếm thấy ở những thanh thiếu niên trại vị thành niên và người nghèo thời đó, DeJoria quyết tâm làm nên thứ gì đó. Do thiếu tiền học tiếp đại học, DeJoria gia nhập Hải quân Mỹ và phục vụ trong 2 năm.

Khi rời quân đội, DeJoria vẫn tay trắng nhưng với sự nhiệt huyết, ông làm rất nhiều nghề để kiếm sống chứ không gia nhập băng đảng hay đi theo con đường tội lỗi.

Đây là một điểm sáng cho một thiếu niên nghèo, sống trong môi trường hỗn loạn của nước Mỹ thập niên 1960 với những băng đảng, buôn rượu lậu, tham nhũng…

Trong khoảng thời gian này ông cưới người vợ đầu cùng thuê một căn hộ nhỏ, nhưng vào năm 1966, cô vợ đã lấy mất tiền nhà cùng chiếc xe bỏ ông cũng như đứa con 2 tuổi mà đi. Chỉ 2 ngày sau đó, DeJoria và đứa con bị đuổi ra khỏi nhà vì không thanh toán được tiền thuê.

DeJoria đã từng làm ở trạm bơm xăng, sửa chữa xe, lao công, bán máy photocopy, bảo hiểm hay thậm chí đi gõ cửa từng nhà để bán sách. Không có tiền nên DeJoria cùng đứa con phải ngủ tạm trong một chiếc xe hơi và về cơ bản, chàng thanh niên này là một gã vô gia cư.

Đây là quãng thời gian khó khăn nhất của DeJoria khi ông cùng đứa con phải sống vạ vật qua ngày ở trạm xe, nhà trọ hay bất cứ đâu có thể. Chàng trai DeJoria khát khao chứng minh mình không phải kẻ vô dụng đang gặp phải thử thách lớn nhất của cuộc đời khi tay trắng nuôi con, còn người vợ thì phản bội.

"Tôi ngủ trong xe hơi và tắm rửa tại hồ bơi công viên Griffith Park. Tôi thường đến quán Freeway Café tại Los Angeles bởi chỉ với 0,99 USD bạn có thể mua 1 quả trứng, 1 mẩu bánh mì, 1 miếng xúc xích và 1 cốc nước. Tầm 4h30-5h30 chiều tôi hay đến quán El Torido bởi chỉ với 0,99 USD bạn có thể gọi 1 cánh gà kèm 1 lý đồ uống", ông DeJoria cho biết cuộc sống vô gia cư đã giúp ông học cách sống tiết kiệm như thế nào.

Bất chấp những khó khăn đó, 2 bố con nhà DeJoria vẫn không gục ngã và số phận đã mỉm cười với họ thông qua những chai dầu gội đầu.

John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống đừng dừng lại khi chưa thành công - Ảnh 3.

Tỷ phú DeJoria từng là một kẻ vô gia cư

Bắt đầu từ chai dầu gội đầu

Sau khi lăn lộn với đủ ngành nghề, DeJoria bắt đầu tìm thấy cơ hội của mình với mảng bán dầu gội đầu. Ông làm nhân viên bán hàng cho Redken Laboratories vào năm 1971 và với tài năng bán hàng, ông dần được nâng lên làm quản lý. DeJoria cùng người con của mình giờ đây đã đủ tiền thuê nhà mà không phải sống vất vưởng nữa, nhưng sự nghiệp của ông vẫn chưa thực sự tỏa sáng.

Sau 1 năm rưỡi, DeJoria bị sa thải do bất đồng quan điểm về chiến lược kinh doanh của Redken. Ông tiếp tục làm trong mảng bán sản phẩm chăm sóc tóc và dầu gội đầu với một số thành công nhất định nhưng huyền thoại về DeJoria chỉ thực sự bắt đầu khi ông cùng người bạn Paul Mitchell thành lập nên hãng John Paul Mitchell Systems vào năm 1980 với vốn vay ban đầu chỉ 700 USD.

Ban đầu cả 2 đã gọi vốn được 500.000 USD nhưng nhà đầu tư đó lại từ bỏ vào phút cuối bởi lạm phát thời đó lên đến hơn 12% trong khi lãi suất là 17%.

John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống đừng dừng lại khi chưa thành công - Ảnh 4.

Ý tưởng ban đầu của cặp đôi này là phát triển một dòng dầu gội và dưỡng tiết kiệm thời gian làm tóc hơn cho những nhà thiết kế mẫu tóc. Ban đầu việc kinh doanh không được suôn sẻ và công ty của DeJoria đã gần như phải tuyên bố phả sản ít nhất 50 lần trong năm đầu tiên. Phải sang năm thứ 3, công ty mới đem về 1 triệu USD doanh thu và sang năm thứ 5 là 10 triệu USD.

Năm 2015, John Paul Mitchell Systems đã đạt doanh thu 1 tỷ USD.

Dẫu vậy đây không phải thành công duy nhất của DeJoria, ngay sau khi hãng dầu gội đầu của ông thu được lợi nhuận lớn, ông bắt đầu chi tiền cho các hoạt động khởi nghiệp khác, từ rượu, năng lượng mặt trời cho đến khí đốt, phim ảnh…

Nổi bật trong số đó là thương vụ đầu tư vào Patron Spirits chuyên kinh doanh rượu cùng Martin Crowley. Đây là thời điểm thị trường rượu Tequilla bắt đầu chuộng những sản phẩm cao cấp và Patron đã đánh trúng tâm lý khách hàng khi dẫn đầu cho ra các loại rượu hạng sang.

Năm 2017, Patron có doanh thu 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên DeJoria đã quyết định bán 70% số cổ phần của mình trong hãng cho Bacardi với giá 5,1 tỷ USD bằng Tiền Mặt. Sau khi trừ các khoản nợ và chi phí, các chuyên gia dự đoán DeJoria thu về khoảng 4 tỷ USD qua thương vụ trên.

Sự thành công và những trải nghiệm của DeJoria được giới kinh doanh cùng nhà đầu tư khá kính phục. Năm 2013, ông được mời làm khách cho chương trình Shark Tank của đài ABC, rồi trở thành nhà đầu tư chính thay cho tỷ phú Robert Herjavec. Với khoản tài sản 3,1 tỷ USD, chưa tính thương vụ Patron, DeJoria là Shark giàu thứ 3 của chương trình mùa đó sau Mark Cuban (3,3 tỷ USD) và Richard Branson (5,1 tỷ USD).

John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống đừng dừng lại khi chưa thành công - Ảnh 5.

Đừng dừng lại khi chưa thành công

"Nếu bạn mong một bữa trưa miễn phí, bạn không thể đi xa và mọi thứ sẽ rất nhàm chán. Hãy bước ra ngoài và làm cái gì đó. Hãy tự thân vận động", tỷ phú DeJoria cảnh báo các bạn trẻ.

Với cuộc đời chìm nổi của kẻ vô gia cư và từng phải đi gõ cửa từng nhà để bán hàng, DeJoria hiểu rất rõ việc tự thúc đẩy bản thân vươn lên, vượt thử thách để đi đến thành công. Quãng thời gian bán sách từng nhà hay sống vất vưởng với con thơ khiến ông luyện được mặt dày cùng ý chí sắt đá.

"Bạn phải nhiệt tình khi đứng trước cánh cửa thứ 51 dù 50 cánh cửa trước đó không chào đón bạn. Để làm được điều đó bạn phải chuẩn bị cho những lời từ chối, những cú tát vào mặt. Khi đã có sự chuẩn bị, bạn sẽ không bao giờ ngã gục", DeJoria tiết lộ.

Nhà tỷ phú này cũng cho biết đừng nhìn vào quá khứ hay thất bại quá nhiều. Thế giới luôn thay đổi nên hãy luôn hướng tới tương lai, không bao giờ chờ đợi ai cả và hãy bước ra ngoài làm điều gì đó.

Ngay cả khi đã giàu, DeJoria cũng tích cực đóng góp cho xã hội. Dù Patron là nhà máy rượu cao cấp nhưng ông vẫn cho tuyển lao động địa phương ở Mexico, hỗ trợ xây nhà, cho trẻ em đến trường cũng như hoàn thiện hệ thống bảo vệ môi trường quanh nhà máy. Đối với ông, thành công không phải là những gì bạn đạt được mà là liệu bạn đã làm tốt nhất việc mình đang làm, thành công mà không có sự chia sẻ thì chả khác gì thất bại.

"Cuối cùng rồi mọi thứ cũng sẽ ổn. Còn nếu chưa ổn thì đó chưa phải là kết thúc", DeJoria tuyên bố trong bộ phim tài liệu "Good Fortune" về chính bản thân mình năm 2017.

John Paul: Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống đừng dừng lại khi chưa thành công - Ảnh 6.

Gia đình hiện tại với người vợ mới của tỷ phú DeJoria


AB-Tổng hợp

Theo Thời Đại