KFC, Coca-Cola, Amazon ứng dụng công nghệ vào sản xuất thế nào?

16/11/2018 10:31

(NDH) Những công ty lớn của thế giới như Amazon, Alibaba hay Coca-Cola, KFC đều đang áp dụng công nghệ khoa học, như trí tuệ nhân tạo hay IoT, vào quá trình sản xuất, thương mại nông sản, thực phẩm.

Những công ty lớn của thế giới như Amazon, Alibaba hay Coca-Cola, KFC đều đang áp dụng công nghệ khoa học, như trí tuệ nhân tạo hay IoT, vào quá trình sản xuất, thương mại nông sản, thực phẩm.

Hướng đi tất yếu

Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) được xem là một trong những nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, việc ứng dụng KHCN cũng giúp đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và giúp doanh nghiệp tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Đây là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Hải nói.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc của Minerva, cũng bày tỏ việc ứng dụng KHCN sẽ giúp giảm chi phí lao động, khiếm khuyết của sản phẩm và cải thiện hiệu suất sản xuất. Những công ty lớn của thế giới như KFC, Amazon hay Coca-Cola đều đang áp dụng công nghệ khoa học, như trí tuệ nhân tạo hay Internet of Things (IoT), vào quá trình sản xuất, thương mại.

IoT được ứng dụng nhiều. Ảnh: Báo Đấu thầu

Theo khảo sát của Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Minerva, thế giới đang ứng dụng công nghệ trong chế biến, thương mại thực phẩm ở 5 quá trình, gồm lựa chọn nguyên vật liệu đầu vào và đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển sản phẩm và tiếp cận khách hàng tiềm năng, chiến dịch marketing và cải thiện vệ sinh sản xuất.

Đối với quá trình lựa chọn nguyên liệu đầu vào và đóng gói, thách thức lâu nay đối với các nhà máy chế biến thực phẩm là nguyên liệu thường không đồng đều. Các sản phẩm rau, củ, quả,… được bán ra thị trường sẽ khác nhau tùy theo yêu cầu khách hàng. Một nhà máy có thể cần phải sắp xếp hàng triệu loại rau củ đặc biệt dựa trên kích thước, hình dạng hoặc màu sắc.

Ví dụ của Coca-Cola

TOMRA, một công ty chuyên cung cấp về giải pháp công nghệ phân loại thực phẩm, cho biết trước đây 90% các loại thực phẩm được lựa chọn bằng phương pháp thủ công. Hiện nay, các công ty đã tự động hóa phần lớn quá trình này, giúp giảm đáng kể chi phí lao động, tăng tốc độ xử lý và cải thiện hiệu suất.

Một công ty chế biến thực phẩm khác của Nhật Bản lại sử dụng công cụ nhận diện hình ảnh của Microsoft để lựa chọn kích cỡ con cá phù hợp cho từng loại sushi, thay vì thuê 12 nhân công chỉ để đánh giá và phân loại nguyên liệu bằng tay và mắt.

IoT là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet.

Trong khi đó, tất cả công ty lớn của thế giới trong ngành thực phẩm đều đang ứng dụng công nghệ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Trung Quốc, công ty KanKan hiện đang cung cấp giải công nghệ nhận diện hình ảnh và trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp nhà nước lớn. Trong đó, công nghệ nhận diện hình ảnh được sử dụng để đảm bảo công nhân mặc đúng trang phục khi xử lý hàng hóa, và trí tuệ nhân tạo để thay thế con người trong việc giám sát công nhân 24/24.

Phát triển sản phẩm dễ tiếp cận với khách hàng tiềm năng, thân thiết đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công ty sản xuất. Tuy nhiên, lâu nay, phần lớn doanh nghiệp thường phát triển và chế biến một sản phẩm mới đều dựa trên kết quả nghiên cứu thói quen, văn hóa của vùng đó. Việc tìm ra chính xác những gì khách hàng muốn là một thách thức lớn và các công ty đã tìm đến trí tuệ nhân tạo để giúp đỡ quá trình đó, đặc biệt là những công ty đã có bề dày hoạt động.

Một trong những công ty đang áp dụng công nghệ trong quá trình này chính là Coca-Cola. Coca-Cola đưa ra hơn 100 hương vị, và khách hàng sử dụng ứng dụng di động để lựa chọn hương vị mong muốn sau đó ấn nút “Xác nhận”. Sau đó, khi tới bất kỳ máy bán nước tự động nào của Coca-Cola, khách hàng chỉ cần scan mã QR thì chiếc máy này sẽ pha chế món nước uống phù hợp với ý muốn của khách hàng.

Tại nhiều nhà hàng và các địa điểm khác, công ty cũng lắp đặt các máy giải khát tự phục vụ tương tự, cho phép khách hàng tùy chỉnh đồ uống của mình. Với công nghệ này, khách hàng có thể sử dụng máy tự phục vụ này để tạo ra hàng trăm loại thức uống khác nhau bằng cách thêm hương vị khác nhau vào thức uống cơ sở của họ.

Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo không chỉ được sử dụng để tìm ra sự kết hợp hương vị do người tiêu dùng tạo ra, mà còn giúp khách hàng lựa chọn các kết hợp hương vị mới. Năm 2017, công ty Kellogg ra mắt chương trình Bear Naked Custom, cho phép khách hàng tạo sản phẩm tùy chỉnh của riêng mình từ hơn 50 thành phần.

Hay như nền tảng Chef Watson của IBM. Công nghệ này giúp người nội trợ hoặc nhà hàng chế biến ra món ăn phù hợp với người ăn dựa trên cơ sở dữ liệu khách hàng được thu thập trước đó.

Công nghệ được ứng dụng nhiều trong ngành thực phẩm. Ảnh: Fortune.

KFC, Amazon, Alibaba cũng dùng công nghệ

Trong khi đó, ứng dụng công nghệ phổ biến được sử dụng cho hoạt động marketing là trí tuệ nhân tạo. Chuỗi cửa hàng KFC tại Trung Quốc hiện đang sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh để nhận diện khách hàng, thay thế cho thẻ thành viên, thẻ khách hàng thân thiết. Với công nghệ này, nhân viên có thể biết khách hàng này từng ăn món ăn gì và từ đó đưa ra đề xuất cho khách hàng.

Một ví dụ khác là AmazonGo, chuỗi cửa hàng tiện lợi không sử dụng con người của Amazon. Khi mua sắm tại AmazonGo, từ lúc vào mua hàng cho tới lúc đi ra, mọi thao tác đều tự động. Hệ thống sẽ tự động tính toán số món đồ mà khách hàng muốn mua, sau đó trừ vào tài khoản đã đăng ký của khách hàng. Như vây, khách hàng không mất công chờ đợi khi thanh toán

Tại Trung Quốc, Alibaba cũng đang phát triển một mô hình tương tự. Ngoài ra, công nghệ của Alibaba cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng. Và để giải quyết vấn đề mang vác cho khách hàng, hệ thống của Alibaba sẽ tự đóng gói vận chuyển những món đồ được chọn và vận chuyển tận nơi cho khách hàng.

Theo NDH