Khoảng cách xa hoa - đổ nát giữa đô thị văn minh

14/09/2018 10:32

Tham vọng xây dựng những khu đô thị mới văn minh đã đánh trúng vào hy vọng, khát khao lẫn nỗi sợ hãi của người dân.
khoang cach xa hoa do nat giua do thi van minh
Erik HarmsGiảng viên đại học Yale, Mỹ

Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms đang công tác tại ngành Nhân học Văn hóa xã hội (Socio-Cultural Anthropology) thuộc Đại học Yale, Mỹ. Ông thường xuyên đến Việt Nam để nghiên cứu từ năm 1997. Cuốn sách mới đây của ông Luxury và Rubble (Xa hoa và Đổ nát), tập trung về sự phát triển của các khu đô thị mới ở TP.HCM. Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách với sự đồng ý của tác giả.

Vài năm gần đây, đặc biệt trong những lúc xảy ra tranh chấp, người Việt ngày càng tỏ ra cởi mở và sẵn sàng hơn khi lên tiếng yêu cầu về “quyền đất đai”.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong năm 2017, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp 352.102 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với 220.015 vụ việc. Đơn tố cáo, khiếu nại tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, nhà ở.

Phần lớn đơn thư liên quan đến giải tỏa mặt bằng cho các dự án phát triển, đặc biệt là việc người dân nhận mức bồi thường thấp và gặp vấn đề trong quá trình tái định cư. Họ cũng thường xuyên chỉ trích quan chức chính quyền lạm dụng quyền hành.

Nguyên Thứ trưởng Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển từng nói rằng cốt lõi của vấn đề có thể được lý giải một cách khá đơn giản: Những người làm công tác bồi thường đất đai “thiếu hiểu biết về luật đất đai”.

Người dân cần công lý và sự trao đổi công bằng. Và tất cả đều đã được quy định trong luật.

Có nhiều bằng chứng cho thấy luật lệ thường bị coi thường; nhưng phần lớn công dân Việt Nam, trong bổn phận của họ, hiểu biết khá tốt về luật đất đai.

Ví dụ, người dân biết rằng trong trường hợp phải giao đất để phục vụ các dự án, họ được quyền yêu cầu điều kiện tái định cư phải “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Họ cũng nắm rõ giá thị trường đối với mảnh đất của mình, và có đủ năng lực để so sánh con số đó với mức giá mà chính quyền đưa ra.

Thật ra, số lượng lớn các đơn thư, tố cáo như đề cập bên trên cũng như các nghiên cứu gần đây về tranh chấp đất đai ở Việt Nam cho thấy người dân rõ ràng có đọc luật, thảo luận và luôn tìm cách bảo vệ các quyền hợp pháp của mình.

Những người dân đối mặt với việc bị lấy đất hoặc mức bồi thường thấp, những người bất bình với cách ứng xử của chính quyền địa phương đang ngày càng mạnh mẽ hơn với những điều mà họ cho là bất công, sai trái. Người dân chỉ cần công lý và một sự trao đổi công bằng. Và tất cả đều đã được quy định trong luật.

Những người dân thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi ở đô thị đã dẫn luật để bày tỏ quan ngại của họ về giá trị tài sản và phí sử dụng đất đang tăng lên, trong khi ngày càng có nhiều nhóm những người dân sống ở rìa các thành phố dùng luật này để bày tỏ bất bình về các điều khoản lấy đất hoặc mức bồi thường thấp.

Những lời than phiền có thể khác nhau, nhưng đều dựa trên nguyên tắc công bằng và đều dựa vào câu chữ trong luật.

Khoảng không pháp lý

Theo Tổng cục Thống kê, 697.410 ha đất đã bị thu hồi trên khắp nước kể từ năm 1990 - 2003, trong đó chỉ riêng giai đoạn 2001 - 2003 đã có 153.979 ha đất bị giải tỏa. Dù nhiều diện tích đất bị thu hồi để phục vụ các công trình cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc hoặc đập thủy điện, báo cáo cũng chỉ ra “diện tích đất bị lấy để phục vụ các công trình xây dựng trong 3 năm (2001 - 2003) lớn hơn 10 năm trước đó cộng lại”.

Nói cách khác, dù các cuộc thảo luận về quyền có tăng lên, đất đai bị chuyển đổi để phục vụ các dự án như khu đô thị mới ngày càng nhiều. Những cuộc lấy đất này có thể được cảm nhận rõ rệt ở khu vực phát triển kinh tế nhanh như TP.HCM và vùng xung quanh, nơi mà 4.000 ha đất của một đô thị đông đúc bị thu hồi trong giai đoạn 2001 - 2005.

Những khu đổ nát mọc lên ở nhiều nơi, đặc biệt tại vùng ven của các đô thị, nơi những mảnh đất nông nghiệp bỗng dưng có giá và thường được chuyển đổi thành đất đô thị. Những ngôi nhà bị đập nát, các gia đình bị buộc phải rời khỏi nơi ở quen thuộc và các khu tái định cư lần lượt xuất hiện.

Nhiều dự án nhà ở sang trọng đang dần thay thế các khu dân cư của tầng lớp lao động. Việc thỏa luận về quyền (đất đai) và pháp quyền có vẻ đã không mang lại lợi ích thật sự cho nhiều người.

Xa hoa và đổ nát

Khi được nghe về chủ trương xây dụng lối sống “văn minh đô thị” mới, người dân ngờ vực nhưng cũng khấp khởi hy vọng. Nhiều người hy vọng rằng sự văn minh có thể mang lại thái độ mà họ ao ước: kỷ luật, nề nếp của công dân, từ đó có thể - chỉ có thể thôi - thúc đẩy mọi người vận hành cùng nhau trong một xã hội gắn kết.

Tham vọng xây dựng những khu đô thị mới văn minh đã đánh trúng vào hy vọng, khát khao lẫn nỗi sợ hãi của người dân vì những thay đổi xảy ra ngay trong thành phố của mình.

Ý tưởng văn minh đô thị kéo theo một sự đánh đổi của chính người dân. Đó cũng chính là vấn đề mà TP.HCM ngày nay đang phải đối đầu. Tham vọng xây dựng những khu đô thị mới văn minh đã đánh trúng vào hy vọng, khát khao lẫn nỗi sợ hãi của người dân vì những thay đổi xảy ra ngay trong thành phố mình sinh sống.

Nhiều người mong rằng đổi thay sẽ đến cùng công lý và pháp quyền; nhưng số khác lại cho rằng việc xây nên những công trình phát triển này phụ thuộc vào sự hy sinh các quyền cá nhân vì những đòi hỏi, đôi khi là quá mức, của tập thể. Các khu đô thị mới này, cũng giống như viễn cảnh văn minh, vừa hứa hẹn sẽ mang lại các quyền, vừa ép buộc người dân phải từ bỏ quyền của chính mình.

Trong tiến trình xây dựng một đô thị hiện đại, công nghiệp hóa và văn minh, các khu đô thị mới được xây lên bằng cách lấy đi đất đai của những người khác. Cùng lúc đó, trong lúc quy trình vặn xoắn - khi hàng loạt người bị mất nhà cửa và những khu đô thị văn minh được mọc lên - diễn ra song song, một tầng lớp mới được hình thành ở Việt Nam, tầng lớp mà chúng ta hay gọi là “chủ thể mang quyền".

Cả hai trường hợp trên cho thấy những mặt mâu thuẫn trong quá trình đấu tranh giành lấy quyền lợi giữa lúc đất nước loay hoay tìm cách xây dựng một xã hội đô thị văn minh, hiện đại và công nghiệp hóa.

Từ “quyền lợi” được dùng trong cả hai trường hợp. Thế nhưng, ý nghĩa của nó đối với tầng lớp sống trong xa hoa và với những ai đang vật lộn giữa đống đổ nát lại xa vời vợi.

Erik Harms, Giảng viên Đại học Yale

Biên dịch: Phương Thảo 
Illustration: Phượng Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Khoảng cách xa hoa - đổ nát giữa đô thị văn minh" tại chuyên mục Tiêu điểm.