Kiến nghị dừng thổi nồng độ cồn nếu làm tăng nguy cơ lây virus corona

31/01/2020 10:48

Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo dừng việc kiểm tra nồng độ cồn nếu thiết bị kiểm tra làm tăng nguy cơ lây virus corona.

Văn phòng Chính phủ kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo dừng việc kiểm tra nồng độ cồn nếu thiết bị kiểm tra làm tăng nguy cơ lây virus corona.

Tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) chiều 30/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề xuất Thủ tướng ban hành công điện để chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh mạnh mẽ hơn nữa; xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch corona tại Việt Nam.

Với Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ kiến nghị bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh lên Chính phủ. Khẩn trương cung ứng đủ phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm để thực hiện nhanh các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán đối với tất cả các trường hợp theo dõi, nghi ngờ mắc bệnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra và tuyên bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có làm tăng nguy cơ lây dịch hay không? Nếu có, Bộ Công an chỉ đạo dừng ngay việc này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra và tuyên bố ngay việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có làm tăng nguy cơ lây dịch hay không. Ảnh: Hồng Quang.

CSGT cần đeo khẩu trang, găng tay khi kiểm tra nồng độ cồn

Phát biểu sau đó về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu quan điểm về mặt kỹ thuật, máy đo nồng độ cồn có van 1 chiều nên chỉ thổi vào được chứ không hít lại được.

Hơn nữa, quy trình kiểm tra của Bộ Công an hiện nay là mỗi người thổi một ống, không thổi chung nên không lo người thổi bị lây nhiễm qua quá trình thổi.

“Có một điều lo ngại hiện nay là nguy cơ lây nhiễm cho cán bộ chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ”, ông Hùng nói.

Ông kiến nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo trước mỗi ca tuần tra cần sát trùng máy đo nồng độ cồn. Với các cán bộ chiến sĩ, tuyệt đối phải sử dụng găng tay và đeo khẩu trang do tiếp cận nhiều người. Nếu làm như vậy sẽ không sợ lây nhiễm.

Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng kiến nghị Bộ trưởng GTVT tham mưu để Thủ tướng chỉ đạo các phương tiện giao thông công cộng, lái xe khách, xe busx xe taxi và kể cả khách đi các phương tiện này đeo khẩu trang.

“Nếu làm được việc này thì ngành giao thông cũng góp phần hạn chế được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vì trên xe là môi trường nóng, khi xuất hiện yếu tố có virus trên xe thì khả năng lây nhiễm tại chỗ là rất cao”, ông Hùng nêu quan điểm.

Tạm ngừng cấp thị thực cho người đến từ vùng dịch

Cũng liên quan đến tình hình dịch bệnh corona, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy từ 23/1 đến 12h ngày 30/1 có hơn 108.000 khách Trung Quốc xuất cảnh và hơn 75.000 người nhập cảnh qua cửa khẩu hàng không quốc tế.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho biết công an đã xử lý nhiều trường hợp tung tin bịa đặt liên quan đến virus corona làm hoang mang dư luận. Ảnh: Quang Hiếu.

Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam cũng bắt đầu sụt giảm mạnh, đã có khoảng 15% khách đã hủy đặt phòng. Hiện các công ty lữ hành lớn của Việt Nam đã chủ động hủy tour. Tuy nhiên, còn 3 tỉnh, thành phố còn đông khách Trung Quốc là Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa.

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Công an đã phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, không gây hoang mang, dao động cho người dân, khuyến nghị người dân không đến các nơi tập trung đông người.

Bộ cũng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc xuất cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường không, đường biển; tạm thời không cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành công an đã tham mưu chính quyền địa phương thống kê số khách Trung Quốc trên địa bàn để tuyên truyền, vận động số du khách này phối hợp cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe, quê quán, lịch trình để phân loại và có biện pháp xử lý.

Các bệnh viện tuyến Trung ương của Bộ Công an cũng chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch, tiếp nhận và khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Còn các đơn vị nghiệp đã tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng, xử lý, ngăn chặn tung hoang tin, bịa đặt gây hoang mang.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đến nay, lực lượng công an đã xử lý răn đe 4 trường hợp, gồm 2 trường hợp ở Khánh Hòa, 1 ở Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 ở Bình Thuận đã đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh corona trên địa bàn tỉnh, gây hoang mang dư luận.

Anh Thư

Theo Zing