Lãi khủng, Hòa Phát được ưu ái đóng thuế thu nhập thấp bất ngờ?

24/09/2018 16:05

Trong khi doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng mạnh, thì chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Tập đoàn Hòa Phát chỉ ở quanh ngưỡng 14% lợi nhuận trước thuế, thấp hơn so với mức chung 20% áp dụng cho các doanh nghiệp hiện nay.
hoa phat fff

Liên tiếp trong những năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đều được xướng tên trong top các doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất cả nước theo Bảng Xếp hạng V1000 - 1000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Tổng cục Thuế công bố.

Năm 2017, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 46.855 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt 9.288,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử Hòa Phát khi đạt 8.015 tỷ đồng.

Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành năm 2017 theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2017 của Hòa Phát là 1.317,6 tỷ đồng; tương đương 14,18% lợi nhuận trước thuế. Lợi ích thuế TNDN hoãn lại là 44 tỷ đồng, do đó số thuế phải nộp là 1.273,6 tỷ đồng.

Năm 2016, doanh thu của Hòa Phát đạt 33.885 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.702 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.606 tỷ đồng. Chí phí thuế TNDN năm 2016 của toàn tập đoàn là 1.138,5 tỷ đồng; tương đương 14,78% lợi nhuận trước thuế. Lợi ích thuế TNDN hoãn lại là 42,87 tỷ đồng, do đó số thuế phải nộp năm 2016 của Hòa Phát là là 1.095,6 tỷ đồng.

Năm 2015, Hòa Phát đạt doanh thu 27.864 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.990 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.504 tỷ đồng. Chí phí thuế TNDN là 517 tỷ đồng, tương đương gần 13% lợi nhuận trước thuế. Lợi ích thuế TNDN hoãn lại là 31,5 tỷ đồng, số thuế thu nhập TNDN toàn Tập đoàn nộp cho ngân sách nhà nước gần 486 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2014, chi phí thuế thu nhập TNDN của Hòa Phát cũng xấp xỉ 14% lợi nhuận sau thuế.

Trước thời điểm 1/1/2016, có hai mức thuế suất cơ bản: thuế suất 20% dành cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng; thuế suất 22% dành cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề lớn hơn 20 tỷ đồng.

Theo khoản 1, điều 11 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì kể từ ngày 1/1/2016, trường hợp áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.

Trong đó, trường hợp được ưu đãi thuế bao gồm :Thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại: địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;  Thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 10 năm, miễn thuế 2 năm giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới như sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng...

Liên quan đến ưu đãi đầu tư cho dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất vốn đầu tư 3 tỷ USD đang được tập đoàn thực hiện tại Quảng Ngãi, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất đã đề nghị áp dụng thuế suất TNDN 10% trong 30 năm cho dự án này.

Là tập đoàn thép lớn mạnh hàng đầu Việt Nam, Hòa Phát đang được ưu ái không chỉ trong các dự án đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu... mà mức thuế TNDN đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng thấp hơn nhiều so với mức chung áp dụng cho các doanh nghiệp.

Theo Nhà Đầu Tư