Lại một lần đổ sụp, nhưng… tốt thôi

24/03/2020 12:12

Nếu có một bài học từ quá khứ cần được nhớ lại trong lúc này, đó là bão giông thường trả công xứng đáng cho tay chèo kiên định.

Nếu có thứ gì tồi tệ hơn một đám đông sợ hãi thì đó chính là một đám đông sợ hãi trên thị trường chứng khoán. VN-Index giảm 6.28%, HNX-Index rơi 6.43%, UPCoM sụt 5.37%, thị trường chứng khoán đổ sụp trong ngày thứ Hai đen tối 09/03, sau khi những thông tin tiêu cực về dịch bệnh phủ lấy mọi kênh truyền thông vào dịp cuối tuần. Covid-19 chưa buông tha cho giới đầu tư, thị trường đã “nghèo còn mắc cái eo” khi những dòng tin tức về cú rơi 30% của giá dầu như dội thêm lửa đạn vào tâm trí những người nắm giữ cổ phiếu.

Trên các diễn đàn, chia rẽ xuất hiện trong cộng đồng nhà đầu tư cá nhân. Người thì hô hào bắt đáy giải cứu thị trường, nhóm thì loay hoay hỏi tìm kênh đầu tư khác. Những anh chàng vừa bán ra cuối tuần trước vui vẻ tung hê, người trót mua cổ phiếu thì ngồi trên đống lửa.

Chúng ta chẳng thể dự đoán tương lai, dù rằng những phân tích đầu vào có tốt đến đâu chăng nữa, huống hồ là trong giai đoạn mà thông tin thay đổi chóng mặt. Một môi trường đầy bất định là nơi dung dưỡng tốt cho nỗi sợ hãi. Trong khi đó, nhận định của các chuyên gia lại chóng lỗi thời khi họ phải đối mặt với một tình huống phức tạp và thay đổi quá nhanh.

Tuy nhiên, cú sốc ngày thứ Hai hay rộng hơn là cả cơn suy của thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết đều không bắt nguồn từ đợt đổ vỡ do đầu cơ, mà đến từ một biến cố. Dưới một góc độ nào đó, thì ấy lại là điều tốt, khi đợt bán tháo không xuất phát từ lòng tin vụn vỡ mà chỉ được thôi thúc bởi tâm lý sợ thua lỗ. Dịch bệnh phức tạp và khó đoán, còn thị trường chứng khoán thì vẫn như mọi khi, xuống rồi lại lên.

Ảnh: Tuấn Trần

Việt Nam có một nền kinh tế tăng trưởng đều đặn, một thỏi nam châm hút dòng vốn FDI, những dự án hạ tầng giao thông được lên kế hoạch khắp cả nước, những bộ luật mới đang lên nòng để mở khoá nền kinh tế và trên hết là một Chính phủ phụng sự cho mục tiêu tăng trưởng. Dù vậy, thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế ít nhiều vẫn nằm dưới sự chi phối của nhà đầu tư cá nhân, những người chiếm phần lớn giá trị giao dịch hàng ngày. Trong cơn hoảng loạn, phương án dễ dàng nhất của họ, khá thường xuyên, là bán rồi tính.

Dù vậy, việc tranh luận liệu những phản ứng của giá cổ phiếu có hợp lý hay không vốn dĩ chẳng cần thiết, bởi thị trường là nơi tập hợp của vô số quan điểm. Dù là lúc thăng hoa hay khi lao dốc, với mỗi bên bi quan hoảng sợ sẽ đối ứng là một người kỳ vọng tìm thấy món hời. Gần 6,900 tỷ đồng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM trong phiên 09/03 cũng tương tự như vậy.

Sự tích con thạch sùng là chuyện về một người đàn ông nghèo khó gầy dựng nên gia tài thông qua việc đầu cơ hàng hóa. Thế nhưng trong cuộc đấu trí quyết định gia sản cả đời người, ông mất tất cả vì không có một chiếc mẻ kho,  thứ ông đã từng vứt bỏ. Với những người tham gia thị trường chứng khoán, chưa nói đâu xa như khả năng phân tích hay hiểu biết việc kinh doanh, nếu không giữ được sự bình tĩnh thì có lẽ cuối cùng… tặc lưỡi là điều không thể tránh khỏi.

Biến động là đặc tính của thị trường chứng khoán, đợt giảm này chẳng phải lần đầu và hẳn cũng không là lần cuối. Cái chu kỳ lên xuống của thị trường giống như con kiến bò quanh miệng chén, sẽ chẳng bao giờ kết thúc.

Nếu có một bài học từ quá khứ cần được nhớ lại trong lúc này, thì đó là bão giông thường trả công xứng đáng cho những tay chèo kiên định. Nhưng nên nhớ rằng, tham lam khi người khác sợ hãi chẳng phải là thần chú. Hãy cứ sợ hãi đi và đừng quên làm bài tập về nhà của mình. Trước khi thực hiện một giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư nên dành thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp chứ đừng chỉ mua vì nghĩ rằng giá đã giảm.

Khi mà mọi người nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi thì thị trường chứng khoán lại thêm phen chao đảo trong hai ngày 11-12/03/2020.

"Đây là một thời điểm thực sự thú vị", VOF-VinaCapital đã bình luận như vậy trong báo cáo gửi đến nhà đầu tư cách đây ít ngày.

Thống kê giao dịch tại HOSE

Nguồn: VietstockFinance

Thừa Vân

FILI

Bạn đang đọc bài viết "Lại một lần đổ sụp, nhưng… tốt thôi" tại chuyên mục Chứng khoán.