Làm cách nào để tránh bị "vắt kiệt sức" khi theo đuổi đam mê

06/08/2019 10:19

Làm những việc bạn yêu thích có thể khiến bản thân bị Stress trầm trọng nếu bạn không cẩn thận.

Với người trẻ hiện nay, việc tìm kiếm và theo đuổi đam mê luôn được xem là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một đam mê cháy bỏng, đam mê này được hình thành từ nhỏ (mong ước được lớn lên trở thành một phóng viên, một phi hành gia, một đầu bếp tài năng...) Ngày nay, với sự phát triển của thông tin đại chúng, khát vọng được sống với đam mê được cháy bùng lên hơn bao giờ hết. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những mẫu chuyện, những cuộc phỏng vấn về những cá nhân xuất chúng, những người sẵn sàng hy sinh tất cả để theo đuổi đam mê.

Mặc dù khả năng theo đuổi đam mê của chúng ta có hạn. Thực tế, theo đuổi đam mê rốt cuộc là một thứ xa xỉ trong xã hội kim tiền, "Cơm áo không đùa với khách thơ", và thực tế việc theo đuổi đam mê đa số chỉ dành cho những người có điều kiện sống "khá khẩm" so với mặt bằng chung xã hội.

Đối với những người không có điều kiện sống lý tưởng mà vẫn theo đuổi đam mê thì sao ? Họ nuôi một khát vọng rằng làm việc chăm chỉ sẽ được đền đáp. Điều này không sai, tuy nhiên, nếu chúng ta làm việc quá chăm chỉ, sẽ khiến sức khỏe của bản thân bị vắt kiệt.

Một số khảo sát về giới trẻ ở Mỹ cho thấy, các bạn trẻ thực sự ưu tiên niềm đam mê hơn các thế hệ trước. Điều này tốt, tuy nhiên tiềm ẩn một số rủi ro nhất đinh.

Theo một nghiên cứu gần đây của Duke University’s Fuqua School of Business, những nhân viên đam mê công việc thường dễ bị đồng nghiệp trục lợi.

Theo nghiên cứu này, "Những người tham gia nghiên cứu cho rằng, việc khiến người đam mê công việc làm thêm việc, nhưng không được trả lương cao hơn so với mặt bằng chung là điều hoàn toàn chấp nhận được."

Các nhà nghiên cứu chỉ ra hai lý do cho nhận định này: Thứ nhất là mọi người tin rằng công việc là phần thưởng cho chính một nhân viên đam mê công việc và thứ hai là giả định rằng dù sao đi nữa, nhân viên đó vẫn sẽ vui vẻ làm việc.

Theo Jae Jae Kim Kim, một trong những đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí của Duke về nghiên cứu này. "Nghiên cứu của chúng tôi không phải là chống lại việc theo đuổi đam mê. Nghiên cứu của chúng tôi cũng đã chỉ ra những bằng chứng tuyệt vời rằng những người theo đuổi đam mê trong công việc sẽ được hưởng lợi theo nhiều cách. Đây chỉ đơn giản là một cảnh báo rằng chúng ta không nên để văn hóa tại nơi làm việc tác động vào niềm đam mê trong công việc của bản thân, vốn dĩ điều này sẽ khiến chúng ta dễ dàng bị trục lợi và khai thác một cách vô hình bởi những người xung quanh".

Dưới đây là một vài lời khuyên nho nhỏ, để giúp đam mê của bạn không bị biến thành công cụ cho người khác và khiến bạn bị vắt kiệt.

1. Thiết lập ranh giới 
Một trong những dấu hiệu cho một mối quan hệ lành mạnh, cho dù đó là với đối tác, công việc hay sở thích của bạn, đó là khả năng thiết lập ranh giới. Vậy tại sao bạn không áp dụng điều tương tự cho niềm đam mê của bạn?

Tôi đã nhận ra điều này khi tôi bị vắt kiệt trong một trong những đam mê của mình: nhiếp ảnh. Tôi đã hiểu rằng làm những việc tôi yêu thích quá nhiều khiến tôi cảm thấy đây là một công việc mà tôi không muốn làm. Nhưng khi tôi thiết lập một ranh giới cho những đam mê của mình và trở nên chọn lọc hơn về thời điểm và địa điểm tôi sẽ sử dụng máy ảnh, tôi đã giảm bớt căng thẳng và cảm thấy cân bằng hơn trong lĩnh vực này.

Hãy thử đo xem bạn cảm thấy như thế nào sau mỗi lần bạn thực hiện niềm đam mê của bản thân. Kiểm tra với chính mình một cách trung thực và thường xuyên có thể giúp bạn hiểu rõ nếu bạn cần phải vạch ra ranh giới.

Thiết lập ranh giới không có nghĩa là bạn phải liên tục từ chối với người khác hay một cơ hội nào đó. Điều đó có nghĩa là bạn có thể nhận ra liệu thực hiện việc này vào thời điểm này có hợp lý hay không, có lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn hay không và liệu bạn có sẵn sàng ưu tiên để thực hiện nó hay không.

2. Duy trì sự cân bằng
Nghiên cứu cho thấy có hai loại đam mê khác nhau: hài hòa và ám ảnh. Niềm đam mê hài hòa là khi bạn làm điều gì đó đơn giản vì nó mang lại cho bạn niềm vui, trong khi đó niềm đam mê ám ảnh là khi bạn làm điều gì đó vì những động lực bên ngoài (ví dụ như đi săn ảnh báo chí để đạt giải Pulitzer chẳng hạn).

Khi chúng ta trải qua niềm đam mê hài hòa, chúng ta có thể nuôi dưỡng một sức khỏe tinh thần tích cực. Tuy nhiên, khi chúng ta chỉ tập trung vào niềm đam mê ám ảnh, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy lo lắng, căng thẳng hoặc bị tổn thương khi không đạt được mục tiêu đặt ra.

Tìm sự cân bằng giữa hai kiểu đam mê này cũng có thể giúp bạn thiết lập ranh giới. Nếu bạn cảm thấy như mình đang nghiêng về niềm đam mê ám ảnh, hãy thử "quẫy nhiệt tình" bằng cách lấy đi bất kỳ giá trị bên ngoài nào của niềm đam mê đó có thể giúp bạn giải trí, và làm điều gì đó chỉ vì niềm vui đơn thuần khi thực hiện nó ngay cả khi bạn không thực sự giỏi trong lĩnh vực đó.

3. Tìm kiếm đồng minh
Cảm giác bị lợi dụng trong công việc chẳng lấy gì làm vui vẻ, đặc biệt là khi đó là một công việc mà bạn đam mê. Cho dù bạn đang làm việc ở chốn văn phòng hay đang thực hiện một công việc vì đam mê, việc tìm kiếm đồng minh chính là chìa khóa để bạn tiến về phía trước.

Đồng minh có thể là một đồng nghiệp giúp bạn vượt qua khó khăn trong công việc, hay đơn giản chỉ là một người sẵn sàng đứng lên bảo vệ bạn khi bạn không thể thực hiện điều đó. Tìm kiếm đồng minh và nói chuyện với họ về cảm giác của bạn chính là bước khởi đầu có thể giúp bạn bảo vệ và duy trì niềm đam mê của bản thân.

Hãy nhớ, bạn xứng đáng được thưởng thức những đam mê của mình và cảm thấy được thỏa mãn bởi chúng mà không cần phải vắt kiệt sức.

Ý Nhi/Theo Fast Company